Làm thế nào khi trẻ bị xâm hại tình dục?

Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy đa số thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đều là người thân, người quen với gia đình hoặc có quen biết với trẻ.

Đừng sáng hỏi, tối tra

Theo BS tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Nhi khoa phát triển hành vi - khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đối với những trẻ bước đầu nghi ngờ bị XHTD, việc đầu tiên các bác sĩ tâm lý khuyên là người lớn đừng tạo cho trẻ cảm giác bất an, khác lạ. Khi đó gia đình, nhà trường, cơ quan pháp y, nhân viên y tế, bác sĩ tâm lý, công an... cần phối hợp tốt trong việc tiếp xúc với trẻ. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp sáng người này hỏi, tối người kia tra vì làm thế sẽ tạo áp lực cho trẻ. Vô tình người lớn khiến trẻ mỗi lúc mỗi sợ hãi và dần dần sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Trong trường hợp con bị XHTD, cha mẹ chắc chắn sẽ rất đau khổ và cần được giúp đỡ về mặt tâm lý. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là cha mẹ cần liên minh với nhau để tạo tâm lý vững vàng trấn an trẻ. Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể đưa con đi chơi, dỗ dành, gần gũi. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên trò chuyện nhẹ nhàng, thân mật để trẻ cảm thấy thật sự an tâm, dịu dần vết thương và từ đó mở lòng tâm sự mọi chuyện. Tuyệt đối không tạo cho trẻ cảm giác giận dữ, bị soi mói sau khi sự việc xảy ra. Tiếp đó mới là cho trẻ được can thiệp khủng hoảng, điều trị đặc hiệu bởi những chuyên viên tâm lý, đảm bảo cho trẻ biết rằng mình sẽ không có gì nguy hiểm về sau bằng việc theo dõi cảm xúc của trẻ để trẻ sớm quay trở lại nhịp sống bình thường.

Xâm hại tình dục trẻ em đang cần được báo động.

Đặc biệt, khi cha mẹ nghi ngờ con bị XHTD, cả cha lẫn mẹ cần có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với những thành viên khác trong gia đình, xóa bỏ tâm lý mình có lỗi để xảy ra sự việc, cũng không nên đổ thừa trách nhiệm cho nhau. Tốt nhất mọi người trong gia đình nên có thái độ bình tĩnh, gắn kết, có động thái bảo vệ trẻ. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự việc có còn hay không còn tang chứng, gia đình cũng cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại

Cũng theo BS Trang, có nhiều dấu hiệu để cha mẹ, người lớn có thể nhận biết được trẻ bị XHTD. Các triệu chứng tại chỗ có thể kể tới là sang chấn vùng âm hộ, có chảy máu, đau đớn, nhiễm trùng (đôi khi là trực tràng), trẻ mắc một số bệnh viêm nhiễm lây qua đường tình dục như giang mai, lậu…

Bên cạnh đó là sự bất ngờ thay đổi hành vi như trẻ bỗng dưng có hành vi về tình dục không phù hợp, tự thực hiện hành vi về giao hợp trên cơ thể mình hoặc trên búp bê. Những biểu hiện như trẻ thường xuyên hoảng sợ, gặp ác mộng, đang ngủ bật dậy khóc, giảm sút ăn uống, học tập sa sút… cũng là hiện tượng chỉ điểm cần được chú ý. “Để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ bị XHTD, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dạy con cách nhận biết các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, cách bảo vệ cơ thể, cách tiếp xúc với người ngoài... Việc này cần phải được dạy qua từng bài học một, dần dần trẻ sẽ tích lũy được kiến thức chứ không thể dạy hết trong ngày một, ngày hai” - BS Trang nhấn mạnh.

BS Tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ về xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Kẻ ác có thể là bất kỳ ai

Theo BS Trang, hậu quả để lại sau khi trẻ bị XHTD rất nặng nề. Hầu hết trẻ sau khi bị xâm hại đều xuất hiện tình trạng sang chấn tâm lý dẫn đến hoảng loạn, có các hành vi bất thường.

Nạn nhân được đưa đến khám tại khoa Tâm lý của BV Nhi đồng 1 rất đa dạng, đủ giới tính, nhiều độ tuổi, nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau. Đa phần nạn nhân được gia đình đưa tới khám đều là do khi trẻ đã rơi vào tình trạng sợ hãi, căng thẳng cao độ, xuất hiện hành vi bất thường.

“Có trường hợp bé gái mới tám tuổi tự dưng hoảng loạn, mẹ hỏi thế nào cũng không nói. Tuy nhiên, nhờ có kiến thức, người mẹ đã đưa con đến môi trường thoải mái, mẹ con trò chuyện và bé mới kể cho mẹ biết rằng mình bị bảo vệ ở trường xâm hại nhiều lần. Tôi đã khuyến khích người mẹ nói ra chuyện này nhằm lên tiếng cảnh tỉnh những em khác. Nhưng đến khi người mẹ nói ra sự thật thì sự việc vẫn không được giải quyết. Việc quay trở lại trường học lúc này với bé gái quả thật là một vấn đề rất khó khăn" - BS Trang kể lại.

Theo BS Trang, hầu hết trẻ bị lạm dụng khi được đưa đến BV Nhi đồng phần lớn đều đã chịu những tổn thương tâm lý rất nặng nề. Thậm chí có những trẻ bị ám ảnh, nhìn thấy ai giống hình ảnh người hại mình lại trở nên giận dữ, muốn giết người đó. “Đa số người gây ra lạm dụng cho trẻ đều là người quen, đó là điều cha mẹ cần thức tỉnh, họ đôi khi là chú, là anh, gia sư, xe ôm… và tất cả đều có thể là nguy cơ vì cơ hội phạm tội của họ rất cao".

Thế nhưng số ca đến bệnh viện chỉ được xem là bề nổi của tảng băng chìm, thực tế còn rất nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện, hoặc cha mẹ sợ hãi không vượt qua được rào cản xã hội để đưa sự thật đau xót này ra ánh sáng...

Theo tôi, trường học hiện nay nên có tham vấn tâm lý học đường. Thầy cô giáo cần nâng đỡ, biết cách biện hộ cho các em, có nghĩa là nói và bảo vệ thay các em, giúp em nói lên được những điều mình không muốn nói. Ngoài ra, gia đình không nên phó mặc tất cả cho trường học mà phải tạo một mối liên kết giữa gia đình - nhà trường và xã hội, lấy trẻ làm trung tâm, bảo vệ trẻ để hạn chế tối đa tình trạng XHTD ở trẻ em.

BS  tâm lý HOÀNG VŨ QUỲNH TRANG, Nhi khoa phát triển hành vi - khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm