Làm đơn xin… thoát nghèo!

Cái tin anh Nguyễn Văn Mỹ, 36 tuổi, ngụ xã Tiên Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) làm đơn xin thoát nghèo gây xôn xao cho người dân địa phương mấy ngày qua.

Đầu tắt mặt tối vẫn nghèo

Điều lạ đầu tiên là nhà anh thuộc một trong những hộ nghèo nhất, nhì xã, lạ nữa là từ trước đến nay chỉ có trường hợp người ta làm đơn xin được xét để vào hộ nghèo chứ chưa ai làm điều ngược lại.

Nhiều người còn quở anh “điên”, đang được nhiều chế độ miễn, giảm, ưu đãi tự nhiên xin cắt hết.

Nghi ngờ, chúng tôi đến thăm nhà anh, căn nhà lá xập xệ thủng lỗ chỗ phải dùng bạt nhựa che chắn, vách gỗ mục nát hiện ra trước mắt. “Nhà cửa thế này mà xin thoát nghèo có ổn không anh?” - chúng tôi hỏi. Vẻ từ tốn, anh mời khách vào nhà ngồi nghỉ, vừa pha trà, vừa ra vườn hái mớ chôm chôm chín đỏ đãi khách.

Anh kể, hồi trước gia đình anh có cả chục anh em. Nhà nghèo lắm, ai cũng lớn lên có vợ rồi ra riêng mà không có lấy miếng của hồi môn. Hai vợ chồng anh lang bạt khắp vùng làm nghề cắt lúa mướn. Về sau do có con nhỏ, làm miết không có dư nên anh chị khăn gói về quê dựng căn chòi tạm rồi tiếp tục làm thuê. Đầu tắt mặt tối cả chục năm trời anh chị mới dành dụm tiền mua được miếng đất vườn nho nhỏ. Hai vợ chồng anh làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng vẫn nghèo rớt mồng tơi.

Căn nhà rách của anh Mỹ. Ảnh: HOÀNG NAM

Sợ con mang tiếng nhà nghèo

Hai năm trước, anh được dự một lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ làm vườn theo quy trình sạch cho những hộ nghèo tại địa phương do xã tổ chức. Sau đó ngoài thí điểm kiến thức học được trên mảnh vườn nhà, anh cùng một số hộ nghèo khác mở nhóm dịch vụ nhận làm vườn thuê cho người khác. Anh cũng phân công vợ học nghề đóng bao bì chôm chôm để đón trước nhu cầu.

“Mấy anh em ngồi lại bàn bạc nhiều nên sau mấy phen trầy trật, vụ ngon lành đầu tiên vườn chôm chôm nhà tôi lãi 50 triệu đồng. Cùng với ít tiền dành dụm từ làm mướn, tôi cùng ba thành viên khác trong nhóm đánh liều thuê 15 công vườn nữa để trực tiếp canh tác. Vụ này tiếp tục trúng lớn, tôi được chia 120 triệu đồng” - anh Mỹ hồ hởi kể.

Rồi anh dắt chúng tôi ra phía sau căn nhà rách nát, vén tấm bạt nhựa đang che chắn một đống gì đó lù lù. Thì ra đó là mớ vật liệu xây dựng, từ sắt, cát, đá đến xi măng, gạch,… đủ để xây một căn nhà khang trang cho gia đình ba người đã được anh chuẩn bị sẵn từ khi nào. Anh Mỹ bảo ngoài tiền cất nhà, anh cũng dành lại một số vốn để phòng khi rủi ro cho vụ mùa, vậy là vẹn cả đôi đường.

Anh Mỹ trầm tư: “Cực chẳng đã mới phải mang tiếng hộ nghèo, nghèo ngày nào là buồn ngày đó anh ạ. Cuộc sống mình phải nỗ lực và có kế hoạch làm ăn giàu có như người ta chứ. Mình đã đỡ rồi thì cũng phải nhường lại phần ưu tiên cho người khác khó khăn hơn mới đúng đạo, đợi chi đến lượt xã bình xét này nọ. Còn con cái lớn lên nữa, cứ để tụi nó mang tiếng con nhà nghèo mãi cũng coi đâu có được”…

Khi tôi viết những dòng này, chắc những viên gạch đầu tiên trong căn nhà mới của anh Mỹ đang được xây.

Đây là trường hợp duy nhất tự nguyện xin thoát nghèo

Mấy năm qua, vợ chồng anh Mỹ rất chịu khó làm ăn, sau khi nhận đơn của anh Mỹ, xã đang xem xét cho gia đình anh thoát nghèo. Đây cũng là trường hợp người dân tự nguyện xin thoát nghèo duy nhất của xã từ trước đến nay.

Ông TRẦN TRUNG CHỈNH,
Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Long

Nghe tin người  khổ như mình làm đơn xin thoát nghèo, mấy ngày nay anh Lê Văn Hiệp ở ấp Tiên Phú 1, thành viên nhóm dịch vụ làm thuê cũng nôn nao trong bụng. Anh Hiệp cũng đồng cảnh ngộ với anh Mỹ, nhà có hai con nhỏ nhưng không có cục đất chọi chim, vợ chồng anh phải làm công nhân. Hơn một năm từ khi tham gia nhóm làm ăn thì anh đã có dư, vợ chồng anh cũng dự định sẽ phấn đấu noi gương theo vợ chồng anh Mỹ, sớm xin thoát nghèo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm