VÌ SAO XE CONTAINER THÀNH “HUNG THẦN”? - BÀI CUỐI

Làm ăn chụp giựt, nảy sinh ‘hung thần’

“Nếu doanh nghiệp (DN) vận tải chủ động kiểm tra thì chắc chắn phát hiện được tài xế sử dụng bằng giả. Song nhiều DN không làm. Điều này xuất phát từ nhận thức của DN. Tuy vậy, ở một khía cạnh khác cũng cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước để cơ sở dữ liệu giữa CSGT với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (gọi tắt là tổng cục), đăng kiểm, y tế… phải kết nối với nhau. Bấy giờ, khi CSGT cần là tra cứu, xác định ngay bằng thật hay bằng giả. Ngược lại, khi tổng cục cấp đổi lại bằng có thể tra cứu để biết được người đổi bằng có bị tước bằng hay không?” - ông Khuất Việt Hùng (ảnh), Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia nói với Pháp Luật TP.HCM.

Không làm lại đi đổ lỗi

. Phóng viên: Quan điểm của ông thế nào trước việc do thiếu tài xế nên không ít DN tuyển chọn tài xế qua loa, thậm chí tuyển chọn cả người xài bằng giả?

+ Ông Khuất Việt Hùng: Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công khai cơ sở dữ liệu về những người có bằng lái xe FC, tạo điều kiện cho những ai quan tâm kiểm tra, đối chiếu. Tuy vậy, có chủ DN vận tải không làm, lại đi kêu ca.

Các chủ xe, chủ DN có nghĩa vụ và trách nhiệm lựa chọn tài xế để giao xe tương ứng với bằng cấp chuyên môn phù hợp. DN có đủ điều kiện để kiểm tra bằng thật hay giả. Họ không làm thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho quản lý nhà nước.

. Nhưng thực tế đang khan hiếm tài xế FC khiến DN phải chấp nhận tuyển cả tài xế sử dụng bằng giả?

+ Việc DN sử dụng tài xế bằng giả là không thể chấp nhận được. Chưa cần bàn đến bằng giả, DN có 50 xe mà chỉ có 40 tài xế thì làm sao đủ người lái xe tuân thủ về thời gian lái xe liên tục, tối đa mỗi ngày. Làm sao thực hiện đúng Luật Lao động với lái xe có ngày nghỉ lễ, nghỉ phép.

Các tài xế xe container phải lái xe trong nhiều giờ liên tục là một nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. DN nói thiếu tài xế nhưng nếu họ tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động đúng quy định, không ép tài xế lái liên tục bốn giờ, không quá 10 giờ/ngày và sắp xếp ngày nghỉ, chăm lo bảo hiểm… thì sẽ thu hút được tài xế có bằng FC ngay. Thực tế, có DN chấp nhận thuê một tài xế chạy đến 16-18 giờ/ngày, làm việc 30 ngày/tháng và trả lương 20 triệu đồng/tháng, thay vì thuê thêm tài xế. Nhưng tôi tin các tài xế sẵn sàng làm việc 8-10 giờ/ngày, tuần làm việc năm ngày với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container gây ra như thế này có thể giảm nhiều nếu chủ xe bớt làm ăn chụp giựt. Ảnh: ML

“Chụp giựt” đến đâu hay đến đó

. DN nói rằng không muốn sử dụng tài xế xài bằng giả. Nhưng một xe container gánh nhiều chi phí, nếu xe không lăn bánh thì họ sẽ bị thiệt hại, thưa ông?

+ Ai kinh doanh không đặt vấn đề lợi nhuận nhưng vấn đề nhận thức, năng lực trình độ quản trị của chủ DN là cốt lõi.

Có điều nhiều DN hiện không làm vì họ chưa nhận thấy đó là cần thiết. Họ cho rằng mình cứ “chụp giựt” đi, được đến đâu thì được. Đó mới là vấn đề.

. Nếu họ chưa thấy việc nâng cao năng lực là cần thiết, là trách nhiệm của họ như ông nói thì ai sẽ hỗ trợ họ nhận ra vấn đề?

+ Vấn đề ở đây không phải đổi mới tư duy lái xe mà đổi mới tư duy ông chủ. Thay đổi ý thức, hành vi của người lái xe là quan trọng nhưng để người lái xe thay đổi, có văn hóa tham gia giao thông thì trước tiên phải thay đổi tư duy, nhận thức và văn hóa của chủ DN.

Trường hợp DN “không nhận ra vấn đề” thì đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là bên cạnh các quy định pháp luật thì phải truyền thông, hỗ trợ DN tổ chức cung ứng dịch vụ nâng cao năng lực cho những người quản trị DN.

Cạnh đó là vai trò của các hiệp hội. Hiện các hiệp hội vận tải chưa quan tâm đúng mức vấn đề này, chưa tập trung hỗ trợ và chưa quan tâm tập huấn, phổ biến kinh nghiệm làm sao quản lý được tài xế, giám sát được xe trên đường.

. Xin cám ơn ông.

Không ai bắt mua nhiều xe rồi tuyển tài xế xài bằng giả

TNGT do nhiều nguyên nhân nhưng nếu DN vận tải quản trị, tổ chức vận hành tốt thì sẽ góp phần giảm thiểu. Theo tôi, các DN vận tải cần thay đổi nhưng việc này cần có tiếng nói chung chứ không phải mỗi nơi một kiểu.

Nhiều DN có hàng chục đầu xe nhưng tổ chức vận hành theo kinh nghiệm, thói quen và không có kế hoạch dài hạn trong tuyển chọn, sử dụng lao động. Hầu hết chỉ lo ngắn hạn như hàng hóa hằng ngày, tài xế vi phạm, bỏ việc...

Việc thiếu tài xế bằng FC là do nhu cầu vận chuyển bằng xe container tăng. Nhưng vì vậy mà tuyển tài xế sử dụng bằng giả là khó chấp nhận. Có DN uống “thuốc liều”, kinh doanh bằng mọi giá rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh. Không ai bắt anh mua xe rồi than vãn không có tài xế và tuyển người sử dụng bằng lái giả. Lẽ ra, khi mua xe thì tính toán trước chứ không thể “vơ bèo gạt tép” chọn tài xế. Sau đó, tai nạn xảy ra không những gây thêm nhức nhối cho xã hội mà cả tài xế, DN đều cũng lãnh hậu quả.

Ông LƯƠNG HOÀNG TRUNG, nguyên Phó Chủ tịch
Hiệp hội Vận tải TP.HCM

Bó tay với học giả có bằng thật

Khi phát hiện những điểm “lạ” trong hồ sơ sát hạch của tài xế, chúng tôi gửi công văn đến Sở GTVT cấp bằng cho tài xế để hỏi. Khi có công văn trả lời đó là bằng thật thì chúng tôi mới tuyển. Công ty đã phát hiện có người sử dụng bằng lái dấu C, FC giả xin việc vào công ty. Hiện nay có trang thông tin giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì chỉ cần tra cứu mà không cần phải gửi công văn.

Không ít trường hợp khi tra cứu có giấy phép lái xe, chúng tôi kiểm tra CMND với bằng lái để loại trừ trường hợp bằng lái có tên trên mạng nhưng ảnh của người khác.

Nói chung bằng giả thì chúng tôi có cách phát hiện nhưng học giả mà lấy bằng thật thì chúng tôi bó tay.

Bà NGÔ MỸ LỆ, Giám đốc Công ty Vận tải 116

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm