Lạc bước trong chợ đồ cổ chỉ mở ngày cuối tuần ở Bình Thạnh

Chợ nằm trong hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Dân nơi đây thường gọi đây là chợ đồ cổ hoặc chợ ve chai. Chợ chỉ mở đúng hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 14 giờ.

Chợ nằm trong hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

Những món đồ mang ký ức thời gian

Có những vị khách còn rất trẻ, chỉ mới mười chín đôi mươi, có những người trung niên, cũng có những người tóc đã bạc trắng. Mặt hàng ở đây khá đa dạng, từ sách vở, đồng hồ, điện thoại, la bàn, ống nhòm, tranh cho đến những món trang sức, gốm sứ, bình đựng rượu từ thời vua chúa… Giá vài trăm ngàn đồng cũng có, cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí mắc hơn.

Nhiều món hàng được bày bán tại chợ.

Đứng trầm ngâm trong gian hàng gần cuối chợ, người đàn ông mặc trang phục quân đội lặng im nghe người bán hàng giới thiệu đồ với khách. Bỗng nhiên ông gạt phắt: “Ông bán hàng mà nói tầm bậy. Cái này đâu xài để mua đất đai gì đâu. Đây là cái la bàn, Mỹ ngày xưa xài để hành quân nhen”. Nói tới đó, ông lại gần, cầm món đồ lên ngắm thật kỹ rồi chỉ cách dùng sao, dùng để làm gì.

Những món đồ ở đây là vậy. Có am hiểu, có kinh nghiệm, biết nhìn thì dễ tìm được hàng độc lạ. Và chuyện một số trường hợp khách mua hàng còn sành hơn cả người bán cũng không khó hiểu.

Ông Nguyễn Hùng (55 tuổi, người đã có 20 năm trong nghề) chia sẻ ông theo nghề từ hồi còn trai trẻ, tóc còn xanh cho đến nay tóc đã điểm bạc. Món đồ ông tâm đắc nhất là chiếc bình đựng rượu mà theo ông, bình đã có từ 700 năm trước. “Bình làm bằng đồng. Tôi bán giá 20 triệu” - ông Hùng chia sẻ.  Bình cao khoảng 60 cm, phần dưới tròn, cổ dài chạm đầu rồng. Xung quanh thân bình là những hình chạm khắc nổi in họa tiết cầu kỳ.

Cho những tín đồ đam mê bật lửa Zippo.

Gian hàng nhỏ nhưng là cả gia tài, niềm đam mê suốt đời ông theo đuổi. Đó không chỉ là cái nghề mà còn là niềm đam mê với những kỷ vật, những món đồ mang dấu ấn của thời gian. Nâng niu một chiếc bình nhỏ, dây nối dài với một đầu có công dụng như Pittong, ông cho biết đây là ông tổ của nghề cắt tóc. Phía dưới đáy bình có khắc hình sư tử, khắc nổi.  “Bình này có từ thời thực dân Pháp. Dùng để bỏ nước thơm vào rồi xịt vào râu tóc cho mềm thơm trước khi cắt, cạo… Chất liệu là từ nhôm. Nhôm này là nhôm của máy bay, rất bền, đến hôm nay vẫn còn bơm được. Còn nhôm giờ để lâu tự mục gãy hết. Người am hiểu mới dám mua, còn người bình thường thì chẳng biết nó để làm gì” - ông Hùng kể chuyện.

Phải có duyên

“Người nào đủ duyên thì người đó sở hữu. Có người có duyên gặp thôi chớ không có duyên sở hữu. Những món đồ còn mang cả yếu tố tâm linh” - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Hùng với 20 năm theo nghề sưu tầm đồ cổ.

Xuất xứ của những món đồ cũng là hàng trăm câu chuyện khác: Người là do cha ông để lại, sau này con cháu không còn thói quen sưu tầm đồ cổ nữa; người cuốc đất làm vườn vô tình đào được…

“Chợ đông nhất là sáng Chủ nhật. Chợ mở từ sáng sớm, đông lắm, chen nhau vào. Thứ Bảy là chuyên về xe cổ, Chủ nhật thì thứ gì cũng có. Bộ Hồng lâu mộng sáu tập tôi bán 400 ngàn; sáu tập Thủy hử này bị rách xíu tôi bán giá 300 ngàn; đèn dầu 200 ngàn; bàn ủi con gà mắc nhất, 800 ngàn” - anh Lê Văn Khoa (30 tuổi, một trong những người bán đồ cổ trẻ nhất ở đây) cho biết.

Bàn ủi con gà, ai còn nhớ?

Mới theo nghề hai năm nay, chỉ có một số món nhất định nhưng mỗi món đồ tìm được với anh là cả niềm say mê. Với những người mê đồ cổ như anh, điều quan trọng là phải chịu khó, mất thời gian đi tìm, nhưng quan trọng nhất là phải có duyên.

“Thị trường bây giờ nhiều quá, phải tìm hiểu sâu mới biết được, dở dở ương ương dễ mua phải đồ giả cổ lắm” - anh Khoa kể chuyện.

Sách Hồng lâu mộng gồm sáu tập, anh Khoa bán giá 400.000 đồng.

Những người bán hàng lâu năm ở chợ đồ cổ này cho biết chợ được hình thành từ năm 2013, với mục đích ban đầu là nơi giao lưu, chia sẻ giữa người có đam mê sưu tập đồ cổ tại TP.HCM và khu vực lân cận. Theo thời gian, tiếng lành đồn xa, chẳng biết tự bao giờ nơi đây đã thành một "địa chỉ văn hóa" dành cho người dân TP.HCM mỗi dịp cuối tuần.

Các gian hàng được đặt san sát nhau. Người có cửa tiệm nhỏ, người đơn giản chỉ là cái bàn trải khăn lên trưng bày sản phẩm. Mỗi gian lại bán một mặt hàng riêng: người bán sách báo, người bán đồng hồ, người bán đồ gốm, đồ đồng…

Người đến để mua hàng, để săn lùng những món đồ ký ức thời thơ ấu. Nhưng cũng có những người đến đây chỉ để ngắm, để tìm lại ký ức của những ngày xa xưa…

Dưới đây là một số hình ảnh:

Chiếc bình mà theo ông Hùng là bình đựng rượu của vua chúa ngày xưa.

Đèn dầu.

Một góc nhỏ trong chợ đồ cổ.

Cho những tín đồ mê đồng hồ.

Tẩu thuốc lá được chạm khắc tinh xảo.

Bạn đam mê bật lửa Zippo, vậy đừng quên phiên chợ này nhé!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm