Ký ức địa đạo đông Bình Sơn

Phía đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trong chiến tranh chống Mỹ là vùng ven căn cứ quân sự Chu Lai (Quảng Nam). Ít người biết dưới lớp đất đá ong khô là những địa đạo, nơi trú ẩn của người dân, là lối đi về của bộ đội, du kích.

Mạch ngầm trong lòng đất

Năm 1950, quân Pháp chiếm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm bàn đạp tấn công vô đất liền. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, quân dân vùng đông Bình Sơn lập làng chiến đấu. Cả một vùng bờ biển dài từ Bình Đông đến Bình Châu trên vài chục cây số dân đắp hào, trồng gai xương rồng. Phía bên trong bờ hào, từng xóm làng đều đào hầm tránh pháo rồi sau đó đề xuất đào thành địa đạo với nhiều tầng, nhiều ngách.

Quy mô nhất ở huyện Bình Sơn là địa đạo An Lộc (xã Bình Hòa), Vạn Tường (xã Bình Hải), Phú Quý (xã Bình Châu). “Khác với địa đạo Củ Chi có những đoạn lầy lún, phải dùng cọc tre để đỡ, địa đạo ở đây đào trên nền đá ong, khi đào xuống rất mềm nhưng chỉ vài phút sau gió lồng vô là cứng nên vững chãi hơn nhiều” - ông Lê Tấn Tỏa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ, kể.

Khi quân Pháp đổ bộ, người dân xuống đó trốn càn. Còn du kích thì nhờ địa đạo mà đánh trả quân địch. Nhiều lần quân Pháp đổ bộ đã bị quân ta lợi dụng địa đạo đánh bật ra biển.

Ký ức địa đạo đông Bình Sơn ảnh 1

Thắp hương viếng mộ liệt sĩ ở địa đạo Đám Toái, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ảnh: VÕ QUÝ

Những địa đạo tưởng sẽ ngủ quên sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Nhưng rồi bước qua thời đánh Mỹ lại được tận dụng và đào dài thêm. Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Dậu, nguyên Xã đội trưởng du kích Bình Hòa, kể: “Năm 1964, quân đội Mỹ dùng xe san ủi nên địa thế trống trải vô cùng. Chẳng lẽ giơ lưng mà chống chọi với bom pháo và những trận càn nên một lần nữa cả vùng đông Bình Sơn tận dụng những địa đạo thời chống Pháp mở rộng thêm hoặc đào mới”.

Những bát cơm độn khoai củ được bỏ vào mo cau, nước đựng trong sọ dừa được dân mang xuống địa đạo. Và từ đó tiếng cuốc âm âm trong lòng đất, rồi đất được chuyển lên bằng trạc tre, nhằm những giếng hoang hoặc nơi đất mà quân đội Mỹ vừa san ủi đổ xuống. Tháng này qua năm khác, những địa đạo cứ nối dài ngang dọc trong lòng đất. Riêng địa đạo An Phước tính ra trên 1,5 km dài nối liền từ vườn ông Quảng đến vùng Nổng Bằng rồi bọc qua khu vực Dốc Rừng vòng vô thôn An Phước.

Sinh con trong lòng địa đạo

Cũng nhờ có địa đạo nên vùng đông huyện Bình Sơn từng là mục tiêu trong bản đồ hủy diệt của quân đội Mỹ vẫn cứ tồn tại một cách kiên cường. Trong trận Vạn Tường ngày 18-8-1965, Mỹ sử dụng hải lục không quân đánh vào đông Bình Sơn. Sau những loạt pháo đầu tiên từ Hạm đội 7, hàng ngàn người dân đã rút xuống địa đạo. Bộ đội và du kích lợi dụng địa đạo triển khai kế hoạch đánh trả từng đợt càn quét. Trạm phẫu thuật tiền phương A 100 của Tỉnh đội Quảng Ngãi vốn là địa đạo chống Pháp được cải tạo nằm ở sát mé biển Ba Làng An là nơi đón nhận thương binh từ các mặt trận chuyển về.

Có địa đạo không chỉ hạn chế tổn thất và làm nên chiến thắng mà tình người cũng được gắn kết hơn. Cứ mỗi lần địch càn, người già, trẻ em được chuyển đi trước. Sau đó là phụ nữ, thiếu niên. Địa đạo trở thành nhà chung của cả làng mà tất cả đều chung suy nghĩ: “Sống cùng sống”. Bà Nguyễn Thị Ngoặt ở thôn Đồng Trung, xã Bình Hòa kể: “Lúc Mỹ càn cũng là lúc tui chuyển bụng sinh con đầu lòng. Nghe tiếng súng nổ loạn xạ hỏi ổng (chồng) đâu thì biết ổng ôm súng cùng với anh em du kích đi chống càn. May mà mấy chị em y tá trong xã ghé nhà vội vàng chuyển ngay xuống địa đạo”. Trên mặt đất bom đạn, máy bay gầm rú nhưng dưới lòng đất một mầm sống đã chào đời.

Bà Nguyễn Thị Bưởi ở thôn Lộc Tự cũng sinh con dưới địa đạo năm đó kể tỉnh queo: “Con trai đầu của tui cũng sinh ra dưới lòng đất, có đất chở che nên bom pháo có đụng đến nó đâu”.

Ký ức địa đạo đông Bình Sơn ảnh 2

Thầy trò Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng đài địa đạo Đám Toái. Ảnh: VÕ QUÝ

Bà Võ Thị Nhàn ở xã Bình Hòa, trong vụ thảm sát Bình Hòa năm 1966 có bảy người thân đều bị giết hại nên vào du kích rồi được chọn học y tá trên vùng giải phóng xã Bình Minh. Nhưng rồi địch càn quét nên lớp học phải chuyển về địa đạo Phú Quý. Bà kể: “Trên đường về chốc chốc nghe từng tràng súng nổ rồi sau đó bom pháo bắn và máy bay oanh tạc. Nhưng về đến Phú Quý, được đưa xuống địa đạo là thấy vững tâm liền”. Cũng từ địa đạo, bà Nhàn - con gái nhà nông quen cấy cày trên đồng ruộng vụng về tập sử dụng bơm kiêm tiêm, truyền dịch... rồi trở về làm y tá cho đội du kích Bình Hòa chuyên sơ cứu thương binh ngay trong lòng địa đạo rồi chuyển về trạm phẫu thuật tiền phương. Anh xã đội trưởng du kích Bình Hòa Phạm Dậu đem lòng yêu mến cô y tá kiên cường bám đất, bám làng. Một đám cưới đơn sơ không có bánh mứt, rượu mừng được tổ chức bên nóc địa đạo với sự chứng kiến của các anh em du kích và đôi bạn trẻ với lời thề quyết tâm cùng chiến đấu.

“Có nhớ ngày xưa không?”

Hòa bình về trên quê hương, nhà ai cũng tan nát nhưng địa đạo thì vẫn còn nguyên và theo thời gian nơi phía miệng địa đạo cây cối mọc rậm rì.

Người vùng đông Bình Sơn đi qua những thời điểm khắc nghiệt của cuộc chiến tranh càng thương yêu, gắn bó với nhau hơn. Họ cùng nhau che chòi lớp lá ở tạm, phát hoang cấy cày. Đất vùng đông hoang tàn sau chiến tranh dần xanh thắm lại, bát cơm không còn độn khoai, sắn như xưa. Rồi Nhà nước chủ trương xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đã biến vùng đất có địa đạo ngang dọc thành khu kinh tế, thành thành phố Vạn Tường nên người dân có thêm công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm nói: “Bây giờ cuộc sống khá hơn, người dân càng không quên địa đạo. Dịp kỷ niệm ngày toàn thắng 30-4, ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, người làng lại thắp hương viếng mộ liệt sĩ hy sinh ở địa đạo Đám Toái và kể cho con cháu nghe về những ngày sống, chiến đấu và những mất mát, hy sinh của cha, anh. Cũng từ những câu chuyện như thế nên khi trong xóm làng có người mâu thuẫn, cãi vã nhau, bà con thường nhắc có còn nhớ những ngày gian khổ, sống chết ở địa đạo không là nhiều người sực tỉnh, không còn mâu thuẫn nữa.

Dân làng vui vì ngày càng có nhiều cựu binh, khách du lịch và học sinh các trường về tham quan địa đạo vùng đông Bình Sơn. Nhiều người tự nguyện làm hướng dẫn viên không công để thuyết minh. Bởi với họ, địa đạo là ký ức của một thời. Tuy nằm sâu trong lòng đất nhưng địa đạo là nơi chở che, bao bọc nhiều thế hệ trên đất anh hùng.

Mộ tập thể ở địa đạo Đám Toái

Tháng 10-1965, sau trận Vạn Tường - trận đầu diệt Mỹ quy mô lớn ở miền Nam, Mỹ mở nhiều đợt càn quét dữ dội vùng đông huyện Bình Sơn. Chúng phát hiện Trạm phẫu thuật tiền phương A 100 của Tỉnh đội Quảng Ngãi đặt dưới lòng địa đạo Đám Toái, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, rồi phục bắt được y sĩ Lâm và y tá Lệ ngay trên miệng địa đạo. Sau đó, chúng bắc loa gọi anh em thương binh, y, bác sĩ lên đầu hàng. Nhưng đáp lại lời chúng là những loạt súng AK đanh thép và lựu đạn ném ra từ cửa địa đạo. Biết không thể khuất phục, quân đội Mỹ đã dùng mìn giật cho y sĩ Lâm và y tá Lệ, rồi đánh sập địa đạo chôn vùi tất cả.

Địa đạo Phú Quý đã được tỉnh Quảng Ngãi khai quật năm 2000, chuyển toàn bộ 67 hài cốt của các y, bác sĩ và thương binh lên an táng ngay trong khu vực địa đạo và Nghĩa trang liệt sĩ Bình Châu. Đồng thời tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khôi phục địa đạo xây dựng tượng đài, làm bia tưởng niệm và đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 2001. Địa đạo Phú Quý từ đó trở thành điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa thuộc tuyến du lịch bờ bắc sông Trà Khúc - cảng Dung Quất. Đã có nhiều cựu binh, những thầy cô giáo và những đoàn học sinh của các trường học ở Quảng Ngãi tìm về địa chỉ đỏ này tham quan.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm