“Kỳ nhân” phá Tam Giang

Ông là Nguyễn Dê (64 tuổi) nhà tại thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Có tật nhưng rất đa tài nên người dân trong vùng vẫn thường gọi ông với cái tên quen thuộc: Kỳ nhân phá Tam Giang.

Thời niên thiếu không may

Con đường đất dẫn vào thôn Trung Hưng vốn đã khó đi nay lại càng khó đi hơn vì lầy lội bởi trời mưa nhiều ngày. Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Dê nằm lọt thỏm trong thôn. Bà Nguyễn Thị Gái, người cùng xóm với ông Nguyên Dê, vội khoe: “Ông nớ mù nhưng giỏi lắm! Mù rứa mà vẫn có thể đi thả lưới, thả lừ ngoài phá. Ngày bắt được cả chục ký tôm cá đó. Xóm ni ai cũng khen ông nớ có tài trời cho đó”.

Ông Nguyễn Dê là con thứ ba trong gia đình có sáu người con. Thuở nhỏ ông phải cùng cha mẹ lênh đênh trên đầm phá để bắt con tôm, con cá sống qua ngày. Cuộc sống vốn đã khốn khó bởi chiến tranh nên gia đình lại luôn phải đối mặt với cảnh cơm không đủ no, áo không đủ mặc.

Vốn cũng là một cậu bé lành lặn, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác. Rồi một ngày ông mắc phải căn bệnh thủy đậu vào lúc tám tuổi. Gia đình khó khăn nên không mấy ai để ý. Và chính căn bệnh thủy đậu quái ác đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của ông. Giọng buồn, ông Nguyễn Dê kể: “Hồi đó nhà thường xuyên chịu cảnh thiếu đói, bệnh tật không có tiền mua thuốc men chạy chữa. Tui mắc bệnh thủy đậu, cứ tưởng bình thường ai dè để lâu ngày nó lan ra khắp người và biến chứng cướp đi đôi mắt của tui. Đến khi đó có cứu chữa cũng không được nữa!”.

“Kỳ nhân” phá Tam Giang ảnh 1

Hằng ngày, ông Dê vẫn tự mình quay máy nổ để ra phá thả lưới, đặt lừ. Ảnh: NAM HẢI

Mọi thứ xung quanh lúc bấy giờ với ông bỗng dưng tối tăm. Ông kể thêm: “Lúc đầu không nhìn thấy, tui cũng thấy khó chịu lắm. Làm bất kỳ cái chi cũng phải nhờ người khác giúp đỡ. Sống trong cảnh đó lắm lúc tui đâm ra chán nản. Nhưng không cam chịu, tui quyết định làm quen với cách làm việc trong bóng tối và tự mình lần mò để làm mọi thứ. Mới đầu là tự phục vụ bản thân rồi sau quen dần thì giúp đỡ gia đình làm việc”.

Dần dà thích nghi, ông cũng đã tự mình làm được nhiều việc từ phục vụ bản thân như vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, nhặt củi rồi đan lưới, gỡ cá… giúp gia đình. Qua thời gian, ông cũng quen dần với những việc không có đôi mắt, không phải dựa dẫm vào ai.

Đôi mắt mù phục vụ cách mạng

Những năm tháng đất nước bị giày xéo bởi gót giày của quân Mỹ xâm lược, đứng trước cảnh nước mất nhà tan ông Nguyên Dê đã cùng với các em của ông tham gia phục vụ cách mạng. Vốn đã bị mù cả hai mắt nhưng là một người có uy tín nên được cách mạng tin tưởng và giao phó cho việc vận chuyển quân nhu lương thực bằng đường biển cho bộ đội đánh giặc. Việc tham gia vận chuyển quân nhu lương của gia đình ông cho cách mạng ngày xưa cả xóm ai cũng biết. Mù cả hai mắt nhưng mọi ngõ ngách trên phá Tam Giang ông đều thuộc như lòng bàn tay. Hoạt động phục vụ cách mạng cũng nhiều hiểm nguy. Bà Dưỡng - vợ ông Nguyễn Dê tâm sự: “Hồi đó, cứ đêm xuống là ông ấy cùng với các em của ông là Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Điền lại chống đò chở quân nhu cho bộ đội. Có lần ông nhà tui bị quân giặc nghi ngờ bắt lại hỏi nhưng thấy ổng bị mù cả hai mắt nên thả cho đi mà không tra hỏi gì hết và cứ thế ổng phục vụ cho cách mạng mà không hề bị chúng nghi ngờ. Ông nhà tui đã nhiều lần thoát khỏi họng súng của quân giặc nhờ có đôi mắt mù này đó”.

“Kỳ nhân” phá Tam Giang ảnh 2

Công việc kéo lừ được ông Dê thực hiện thuần thục hơn cả người bình thường. Ảnh: NAM HẢI

Chiến tranh ác liệt, trong một lần đang trên đường vận chuyển quân nhu lương cho cách mạng ông đã bị bọn giặc phát hiện và pháo kích. Trận đó, ba người em của ông đã hy sinh khi lúc tuổi đời của mỗi người mới mười tám, đôi mươi.

Ông Nguyễn Dê may mắn thoát chết nhưng bị quân giặc bắt về tra khảo. Biết được các em của mình đã anh dũng hy sinh cho nên dù quân giặc có dùng thủ đoạn độc ác đến đâu để tra khảo ông vẫn nửa lời không khai. Ông Nguyễn Dê trầm ngâm nhớ lại: “Khi đó chỉ nghĩ đến các em mình đã hy sinh là tui đã muốn vùng lên sống chết với lũ giặc. Tụi giặc dùng mọi thủ đoạn độc ác nhưng tui không khai. Không khai thác được thông tin, cuối cùng bọn giặc thả cho tui về”.

Sau chiến tranh, ông Nguyễn Dê lại tiếp tục trở về với công việc thả lưới bắt cá trên phá.

“Kỳ nhân” đa tài

Giữa đầm phá Tam Giang mênh mông, việc đánh bắt tôm cá, thả lừ đối với người bình thường đang là chuyện khó, thế nhưng với ông Nguyễn Dê - một người mù thì đó là những việc thường nhật.

Hằng ngày, ông cùng vợ đi thả lưới, thả lừ trên phá để kiếm con cá, con tôm cải thiện đời sống. Nhìn ông bước đi không thể nào nhận ra đó là một người đã không nhìn thấy gì suốt gần 60 năm qua. Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông lên đúng con thuyền của mình đậu sát bờ ngay gần một cái cây to, sau đó quay và nổ máy đưa con thuyền ra xa bờ. Quăng lưới, thả lừ… ông làm thành thạo hơn một người bình thường.

“Kỳ nhân” phá Tam Giang ảnh 3

Sải bước chân của ông Dê vẫn như người bình thường. Ảnh: NAM HẢI

“Những việc ni cũng bình thường mà, tui làm mãi nên cũng quen” - ông Nguyễn Dê nói. Như để chứng tỏ đó chỉ là “việc thường”, ông tiếp tục thả một mẻ lừ nữa rồi quay lại kéo mớ lưới vừa mới thả xuống. Thật sửng sốt khi chứng kiến sự thuần thục, chính xác từ những việc ông Dê làm.

Ông Huỳnh Ân - người cùng xóm với ông Nguyễn Dê ca ngợi: “Cùng một lứa với anh Dê nhưng tui còn thua anh ấy nhiều lắm. Anh Dê có tài trong mọi thứ, nhất là nhận biết dòng cá để thả lưới, đặt lừ. Nếu anh Dê mà sáng mắt chắc giỏi hơn nhiều nữa”.

Không chỉ giỏi việc thả lưới, thả lừ, gỡ cá… ông Nguyễn Dê còn được người dân trong vùng và cả phá Tam Giang biết đến với biệt tài nhận biết dòng cá để đặt lưới cho có hiệu quả. Ông Nguyễn Dê chia sẻ kinh nghiệm: “Con cá, con tôm bây giờ cũng khôn lắm rồi. Ngày trước thì có thể thả lưới bất cứ chỗ nào cũng bắt được nhưng nay thì khác. Nhiều năm lênh đênh trên phá tui cũng có ít kinh nghiệm nhận biết dòng cá đi lại. Nhờ rứa nên không khi mô thuyền tui về mà không có cá”.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Dê cũng được mọi người biết đến như là một “kình ngư” có một không hai trong vùng. Ông có thể lặn dưới nước cả giờ đồng hồ. Vì vậy, mỗi khi có người rơi điện thoại, chìa khóa, đồng hồ... xuống nước là mọi người lại nhờ đến ông và ông luôn sẵn lòng giúp.

Sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống ông cũng đã tích góp cho mình được một số tiền để xây nhà kiên cố, sắm thuyền máy và thầu hồ tôm. 50 năm chung sống với nhau, vợ chồng ông Dê bà Dưỡng đã có với nhau bảy mặt con. Giờ đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại rồi nhưng không ngày nào ông Dê, bà Dưỡng nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già. Ông Dê tâm sự: “Chừng nào còn quay được máy, còn quăng được lưới, còn thả được lừ… chừng đó chúng tôi còn lênh đênh theo con tôm, con cá trên phá Tam Giang”.

LÊ NAM HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm