Kiên quyết giữ khoảng cách, chúng ta sẽ thắng dịch!

Nghĩa là nếu chúng ta duy trì khoảng cách nhất định sẽ hạn chế được sự lây lan.

Khoảng cách lý tưởng được giới y khoa tìm ra là
2 m. Giả thiết người bệnh không tiếp xúc với ai, khi ấy số người lây nhiễm sẽ bằng 0 và dịch bệnh sẽ suy giảm.

Điều này rất phù hợp với Việt Nam. Giai đoạn đầu, chúng ta chỉ có ít người nhiễm bệnh, chúng ta cách ly và giữ khoảng cách với xã hội rất tốt, vì vậy hiện tượng lây lan hạn chế. Đã có giai đoạn chúng ta không có người nhiễm bệnh và dự kiến công bố hết dịch.

Theo Reuters, bệnh nhân số 31 tại Hàn Quốc đã tiếp xúc trực tiếp với 1.160 người, điều này tạo ra một ổ dịch lớn làm cho Hàn Quốc trở thành một tâm dịch lớn.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, đã có những bệnh nhân di chuyển, tiếp xúc nhiều người khác nhau dẫn đến số ca nhiễm bệnh gia tăng và con số cách ly vì vậy cũng tăng lên đáng kể.

Người dân TP.HCM nghiêm chỉnh thực hiện lệnh đóng cửa hàng quán cũng là một cách giữ khoảng cách, ngăn lây lan dịch bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn của người ủ bệnh không rõ ràng, trong khi ở giai đoạn ủ bệnh virus vẫn có thể lan truyền và lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, việc giữ khoảng cách tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh càng trở nên quan trọng, nếu không muốn nói là biện pháp đơn giản nhất để từng người dân trong chúng ta tham gia chống dịch.

Chúng ta có thể thấy những nhân viên y tế, dù họ hiểu biết rất rõ mức độ nguy hiểm của virus nhưng vì nhiệm vụ được giao, họ vẫn phải tiếp xúc với người bệnh. Bảo hộ vẫn đầy đủ nhưng trên thế giới đã có gần 5.000 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Tình hình dịch bệnh gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng rất nhiều người vẫn chấp nhận hy sinh lợi ích của mình để tham gia phòng, chống dịch. Đó là những doanh nghiệp phải đóng cửa vì dịch bệnh, những đám tang không tổ chức lễ viếng, những bác sĩ hằng đêm livestream để phổ biến kiến thức chống dịch…

Bạn tôi làm cấp cứu 115 đã phải gửi con về quê cho ông bà chăm, nén tình cảm của người mẹ, căng sức trực chiến chống dịch. Lời nhắn: “Hạnh phúc nhất của mẹ là được ôm lấy con sau giờ tan ca. Nhớ các con nhiều lắm, hy vọng đại dịch kết thúc, mẹ còn có thể về đón các con!” chắc hẳn làm rung động nhiều con tim.

Dù vậy, đây đó vẫn có những tiệc tùng, lễ hội, nhiều người thuộc diện cách ly trốn tránh không tuân thủ, thậm chí một đám tang tại Bình Chánh được tổ chức linh đình dẫn đến phải cách ly rất nhiều người, trong đó có cả nhân viên y tế. Sự thiếu ý thức trách nhiệm này không chỉ khiến khả năng lây nhiễm dịch tăng cao mà nguồn lực dành cho chống dịch, lực lượng cán bộ y tế đã mỏng lại càng trở nên khó khăn hơn.

Tính đến tối 29-3, số người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là 188 người. Trong khi đó, theo tính toán của chuyên gia, thời gian để số người nhiễm bệnh tăng từ 100 lên đến 1.000 chỉ sau từ bảy đến 10 ngày. Nhưng Việt Nam đang dốc sức để quyết tâm không có ca nhiễm thứ 1.000. Như vậy, khoảng thời gian hai tuần tới trở thành thời điểm vàng để chúng ta quyết định việc thành bại của chiến dịch chống COVID-19.

Đại dịch đã làm cả thế giới chững lại, nhiều gia đình đã, đang và sẽ mất người thân. Chúng ta đã thành công khi giữ khoảng cách ở giai đoạn đầu mùa dịch, vì vậy hơn lúc nào hết, từng người chúng ta hãy tham gia góp phần phòng, chống dịch ở giai đoạn quyết định này.

Hãy cùng nhau tuân thủ các khuyến cáo hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế và 12 việc cần làm ngay mà Sở TT&TT TP.HCM đã hướng dẫn. Trong đó có một khuyến cáo quan trọng nhưng rất dễ làm, có yếu tố quyết định: Giữ khoảng cách với người khác trên 2 m. Đơn giản mà! Khi mỗi người đều tuân thủ đúng thì chúng ta sẽ thắng dịch thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm