'Kiếm được tiền, vị thế phụ nữ Việt vẫn không thay đổi nhiều'

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), đã có nhiều chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến về "Tăng cường vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy di cư an toàn và bình đẳng", do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UN Women, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức gần đây.

Bị tiêu hết tiền, chồng cờ bạc

Bà Hồng cho biết phụ nữ Việt Nam lao động di cư ở nước ngoài từ năm 1938 tại một số đồn điền, hầm mỏ ở New Caledonia (thuộc địa Pháp), lúc đó gọi là chân đăng.

Nhiều năm gần đây, lao động nữ di cư ngày càng tăng, nhất là các ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp việc gia đình gia tăng như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loàn, Macau và Ả rập Xê út.  Tính chung có hơn 500.000 lao động Việt Nam (nam và nữ) đang làm việc ở nước ngoài. Tiền từ người lao động gửi về khoảng 2,5 tỉ USD.  

Bà Hồng boăn khoăn, so với nam giới, trước khi xuất ngoại phụ nữ cần giải quyết nhiều vấn đề về con cái, vay mượn tiền để trang trải các chi phí học tập, môi giới... Chưa hết, khi sang các nước thì thời gian làm thêm của chị em nhiều hơn, tiết kiệm vì thế cũng cao hơn nam giới, tiền gửi về gia đình nhiều hơn.

Tuy nhiên, họ lại đối mặt với bạo lực, bóc lột, nợ lương, điều kiện làm việc không an toàn. Ngoài ra, khi trở về nước, họ lại gặp thêm nhiều khó khăn như khó tìm việc làm, bạo lực gia đình, tiền bị tiêu hết, thậm chí chồng cờ bạc…Từ đó, bà Hồng đúc kết không vì kiếm được tiền mà vị thế của người phụ nữ thay đổi.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại thành phố Nagoya, Nhật Bản. Ảnh: PHONG ĐIỀN

 Truyền thông có đạo đức phải nâng cao vị thế phụ nữ

Đồng quan điểm, bà Valentina Barcucci, Quản lý Văn phòng ILO nhấn mạnh, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư. “Phụ nữ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới và chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới vốn đã hiện hữu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác”, bà Valentina Barcucci nói.

Không chỉ khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gia đình, vay mượn, bị bốc lột, khó tìm kiếm việc làm sau khi về nước, lao động nữ di cư còn bị đưa lên phương tiện truyền thông báo chí với những từ ngữ, câu từ chưa chuẩn mực, miệt thị khiến họ càng thêm thiệt thòi. Về vấn này, bà Valentina Barcucci chỉ ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả nội dung đưa tin và cách thức đưa tin về di cư thực sự quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi phương tiện thông tin truyền thống và truyền thông xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.

Nữ chuyên gia ILO dẫn chứng, có sự khác biệt đáng kể nếu sử dụng cụm từ “di cư bất hợp pháp” thay vì dùng cụm từ “di cư không hợp thức” hoặc “di cư không qua kênh chính thức”. Trong trường hợp này sử dụng cụm từ “di cư bất hợp pháp” hàm ý tội phạm.

Hoặc việc dùng từ “người ở, người giúp việc, hay người hầu” nói lên sự phân biệt giai cấp và bất công xã hội trong khi sử dụng khái niệm “lao động giúp việc gia đình” đưa ra quan niệm đầy đủ rằng giúp việc gia đình là một loại hình công việc và người lao động có các quyền tương ứng. “Truyền thông có đạo đức và trách nhiệm sẽ giúp nâng cao vị thế bình đẳng cho phụ nữ và bảo vệ quyền lao động của họ”, nữ chuyên gia ILO bình luận.

Từ đó, bà bà Valentina Barcucci cho rằng cách thức dùng từ có thể tạo ra sự kỳ thị, sự kỳ thị này khiến phụ nữ và nam giới dễ bị tổn thương. Điều này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh di cư lao động bởi lao động nữ di cư phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử, do họ vừa là phụ nữ vừa là người di cư. Không giống như nam giới, lao động nữ di cư thường làm giúp việc gia đình và các công việc chăm sóc tại quốc gia đến.

100.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm

Ông Lương Thanh Quảng, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, từ năm 2014 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người du học, kết hôn với người nước ngoài.

Do đại dịch nên số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm, trong khi đó tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp mặc dù kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đã được tăng cường.

Do đó, cần tiếp tục thông tin đầy đủ và chính xác về các vấn đề di cư có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, ngăn chặn di cư trái phép, mua bán người, bảo vệ quyền của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm