‘Không vì chống tiêu cực mà gạt bỏ đối tượng’

“Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này đưa vào nhiều nội dung lớn nên còn các ý kiến khác nhau…”. đó là khẳng định của ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), tại cuộc họp lấy ý kiến một số nội dung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là pháp lệnh) diễn ra ngày 25-10.

Đề xuất tăng và giảm các đối tượng thụ hưởng

Theo cục trưởng Cục Người có công, một trong các nội dung lớn của sửa đổi pháp lệnh lần này là xem xét bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba (quy định hiện hành mới có thế hệ một và hai) bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau vì thiếu cơ sở khoa học.

Pháp lệnh lần này cũng xem xét mở rộng đối tượng không chỉ là người tham gia kháng chiến (như hiện hành) mà bổ sung quy định mọi công dân bị địch bắt tù đày do tham gia cách mạng, kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đều được hưởng chế độ.

Theo ông Đào Ngọc Lợi, phần đông ý kiến rất đồng cảm với ý kiến đề nghị trên. Tuy nhiên, mở rộng đối tượng này vào pháp lệnh là không khả thi, phạm vi rất rộng, hầu hết không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh ở tàng thư hoặc thiếu người làm chứng và dễ nảy sinh hệ lụy trục lợi chính sách. Mặt khác, các đối tượng này (số đã được tặng huân chương, huy chương) đã được hưởng chế độ người có công giúp đỡ cách mạng (trợ cấp một lần) nên đề nghị không bổ sung vào pháp lệnh.

“Tuy nhiên, có ý kiến xét thấy đề xuất này là xác đáng, đây là những người trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu nên bị địch bắt tù đày nhưng đến nay chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung trong dự thảo pháp lệnh…” - ông Đào Ngọc Lợi nói.

Một điểm mới trong pháp lệnh cũng được ông Lợi nhắc đến là nhiều địa phương đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nhóm người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể 21%-40% nhằm chuyển sang thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hằng tháng như hiện nay. “Nguyên nhân các đối tượng trên vẫn lao động được, dễ phát sinh nhóm trục lợi chính sách và không thực sự công bằng đối với thương binh, bệnh binh…” - ông Lợi nói.

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: V.LONG

Phải xem xét chính sách ưu đãi với thế hệ thứ ba

Góp ý cho dự thảo pháp lệnh, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Duy Xuất, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an), nêu quan điểm: “Theo xác minh ban đầu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam, đối tượng này không nhiều (số lượng cháu bị dị dạng, dị tật khoảng 27.000 người - PV), trường hợp bị phơi nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn, nếu giải quyết được thì nên giải quyết…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Bồng, Phó Trưởng ban Tổ chức - Chính sách trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đề nghị đơn vị soạn thảo nên nghiên cứu, tính toán để đưa những người bị nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ ba vào pháp lệnh.

Đối với đề xuất trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hằng tháng với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể 21%-40%, Đại tá Nguyễn Duy Xuất đề nghị giữ nguyên. “Vì đối tượng này không nhiều (23.000 người - PV), đang hưởng trợ cấp thường xuyên nay chuyển sang hưởng trợ cấp một lần có thể gây ra nhiều tâm tư, khiếu nại, khiếu kiện…” - vị đại diện Cục Tổ chức cán bộ nêu ý kiến.

Với quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Bồng đề nghị không vì chống tiêu cực mà gạt bỏ đối tượng hưởng chất độc hóa học ra ngoài. Trách nhiệm kiểm soát các hồ sơ người hưởng theo pháp lệnh thuộc cơ quan quản lý nhà nước. “Chúng ta phải đi xuống nhìn những người nhiễm chất độc hóa học mới thấy họ cần chính sách như thế nào…” - ông Bồng đề xuất.

Theo Cục Người có công, pháp lệnh lần này sẽ nghiên cứu bổ sung đối tượng người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng huân chương, huy chương. Đồng thời đưa ra hai phương án về công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát. Trong đó, giữ nguyên như hiện hành hoặc xác nhận liệt sĩ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát có tỉ lệ thương tật 81% trở lên (hiện hành 61% trở lên). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm