DU LỊCH NHÌN TỪ MYANMAR, NHẬT BẢN:

Không cần đại sứ, quốc hoa, quốc phục - chỉ cần văn hóa

“Đa số các nước trên thế giới, nhất là các nước châu Âu có quá trình lịch sử xây dựng văn hóakinh tế lâu đời. Bởi vậy các tòa nhà cao nhất, kiến trúc đồ sộ nhất… không còn xa lạ với họ hàng trăm năm trước. Nghĩa là những gì liên quan tới tới bê tông cốt thép họ chán rồi. Vì vậy, đến lúc này họ muốn tìm đến các nước đang phát triển để khám phá thiên nhiên. Đó là những nơi hoang sơ, vùng sâu vùng xa, khi con người ta còn mộc mạc chất phác, còn giữ nguyên nét văn hóa bản địa. Điều này có sức hấp dẫn khiến họ muốn đến” - ông Vũ Cường, Tham tán Thương mại tại Myanmar, chia sẻ.

Không cần quốc hoa, quốc phục…

. Theo ông thì lý do gì khiến Myanmar đang là một trong các quốc gia được nhiều người lựa chọn là điểm du lịch, thưa ông?

Không cần đại sứ, quốc hoa, quốc phục - chỉ cần văn hóa ảnh 1
+ Lý do chính vẫn là văn hóa. Myanmar là một nước có nền văn hóa lâu đời. Nằm ở vị trí tiếp giáp nửa Tây Á và nửa Đông Á, Myanmar tiếp xúc với nền văn hóa lớn như Ấn Độ và bản thân nước này trong lịch sử hình thành của nó cũng là đất nước có lãnh thổ rộng được chia làm nhiều liên bang với khoảng trên 130 dân tộc. Bởi vậy đây là nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Đất nước sơ khai có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, thiên nhiên đẹp. Đặc biệt con người Myanmar bản tính chất phác, rất yêu quý khách cho nên du khách nào đến cũng rất thích. Một đất nước đầy bản sắc nhưng chưa bị đô thị hóa vì thế có sức hút du lịch dù Myanmar chưa có chương trình quảng bá du lịch.

. Có nghĩa là họ không có cả đại sứ du lịch, thưa ông?

+ Không, Myanmar không có đại sứ du lịch. Du lịch bùng nổ ở đất nước này là vì yếu tố văn hóa. Còn ở Việt Nam thì có đại sứ nhưng nói thật, tôi là người Việt Nam mà không hiểu đại sứ du lịch làm được những gì một năm qua.

. Còn quốc hoa thì sao thưa ông?

+ Không phải đất nước nào cũng có quốc hoa. Còn khi muốn dùng một loài hoa làm biểu tượng thì có nước lại có nhiều loại hoa được coi là quốc hoa. Ví dụ như Myanmar có tới ba loại hoa được coi là quốc hoa. hay như ở Nhật Bản, hoa anh đào không phải là quốc hoa. Sở dĩ hoa anh đào là biểu tượng của Nhật Bản bởi vì đó là loài hoa được trồng rất nhiều và nhiều người yêu thích. Cứ đến mùa thì hoa anh đào nở rực rỡ khắp nơi, hình ảnh ấy gắn liền với Nhật Bản và nghĩ tới Nhật Bản người ta nghĩ tới hoa anh đào. Chứ tôi nghĩ trong văn bản người Nhật không quy định đó là quốc hoa. Vấn đề khi quy định quốc hoa thì nó phải phục vụ mục đích gì. Tốt nhất là đừng tìm cách văn bản hóa để áp đặt sở thích của một người hay nhóm người cho người khác.

Không cần đại sứ, quốc hoa, quốc phục - chỉ cần văn hóa ảnh 2

. Vậy áo kimono có phải là quốc phục của Nhật không, thưa ông?

+ Kimono là trang phục truyền thống của Nhật giống áo dài Việt Nam. Khi tiếp khách họ không bắt buộc mặc nên không gọi là quốc phục. Vậy tại sao Việt Nam lại đi tìm quốc phục làm gi? Điều quan trọng hơn là giữ gìn, phổ biến chiếc áo dài ấy thì mình lại không nghĩ tới. Nghĩa là cần làm sao khuyến khích càng nhiều người mặc áo dài càng tốt, nhất là giới trẻ. Có như vậy thì hình ảnh áo dài sẽ gần gũi và thân thiện hơn trong đời sống hằng ngày. Du khách đến Việt Nam mà thấy đa số phụ nữ mặc áo dài, đẹp thì tự khắc áo dài trở thành đặc trưng của phụ nữ Việt. Ở Myanmar cũng vậy, họ chỉ có trang phục truyền thống chứ không quy định đó là quốc phục. Phổ biến nhất là đàn ông mặc áo longchy (một loại vải may kín quấn vào chính giữa), phụ nữ mặc váy thummy (gần giống với váy Lào, Thái). Nhưng đây là trang phục truyền thống của người Miến Điện, chiếm 60% dân số ở Myanmar nên nó là phổ biến. Còn mỗi dân tộc Myanmar có một trang phục truyền thống riêng. Nên việc quy định trang phục dân tộc chung không trở nên cần thiết.

Cũng như áo dài là áo của người Kinh, trong khi mình có 54 dân tộc. Chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đừng công thức hóa. Chính cái này mới là nguy hiểm vì nó sẽ mất đi sự đa dạng của văn hóa. Chúng ta quy định áo dài là quốc phục vậy trang phục truyền thống của 53 dân tộc khác thì thế nào?

Tổ chức lễ hội là để giữ gìn nét văn hóa

. Việt Nam cũng có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều nơi được đưa vào kỷ lục lớn nhất, to nhất và cũng đậm đà bản sắc dân tộc, thưa ông?

+ Người Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới là ưa hình thức, thích quan tâm và chạy đua theo nhiều cái nhất. Nào là chùa lớn nhất, cây cầu dài nhất… mà nhiều khi so sánh những cái nhất không theo một quy chuẩn nào. Bởi theo quy chuẩn này anh là nhất nhưng theo quy chuẩn khác thì tôi lại là nhất. Vì thế so sánh nhất hay không nhất trở nên mâu thuẫn và buồn cười. Hơn nữa nhất không biết để làm gì và có ý nghĩa gì. Bản thân một người Nhật, Myanmar họ cũng không để ý đến điều này. Nhiều nước trên thế giới không cần tuyên truyền nhiều cái nhất ở nước họ. Họ hiểu rõ những đối tượng đi du lịch khác nhau nhưng thường những người có tiền đi du lịch thuộc những người có trình độ văn hóa cao. Bởi vậy nếu mình tuyên truyền, quảng cáo lố bịch, nhiều khi gây phản cảm.

. Nghĩa là việc quảng bá hình ảnh du lịch của nước ta chưa đạt hiệu qua,̉ thưa ông?

+ Chúng ta không đặt mình vào vị trí người đi du lịch xem họ cần gì. Chẳng hạn, du khách nước ngoài đến Huế, Hội An là vì yếu tố lịch sử và văn hóa đậm nét đặc sắc chứ không phải vì nó là ngôi chùa lớn nhất, to nhất. Trong khi một trong số lý do chúng ta xây chùa Bái Đính là chùa to nhất ngoài yếu tố tâm linh còn mục đích là du lịch. Nhưng rồi chủ yếu chỉ thu hút được du lịch trong nước mà thôi. Vì đây là ngôi chùa mới, trong khi có nhiều ngôi chùa lâu đời hơn, du khách nước ngoài rất tinh, chưa chắc họ lại thích chùa Bái Đính bằng những ngôi chùa cổ.

. Nhưng một phần của lễ hội, chùa chiền cũng tạo nên sức hấp dẫn của du lịch, thưa ông?

+ Ở nước ngoài không có nhiều lễ hội như ở Việt Nam. Tuy nhiên, lễ hội của họ được tổ chức theo đúng nghĩa mang tính văn hóa. Rồi từ cái văn hóa đó tự nhiên sẽ thu hút khách du lịch. Còn Việt Nam tổ chức lễ hội nhắm ngay đến thu hút du lịch. Hai quan điểm này hoàn toàn khác nhau. Trong khi khách du lịch đến vùng miền đó là để được khám phá văn hóa chứ không phải xem lễ hội. Nếu là lễ hội thì ở đâu cũng có. Như tôi nói, nếu làm không khéo thành phản cảm. Lễ hội carnaval ở Hạ Long được tổ chức rầm rộ, có phần hơi kệch cỡm. Bởi văn hóa carnaval không phải văn hóa Việt Nam mà lại áp vào vịnh Hạ Long.

Lễ hội không khoa trương,  không quan chức

. Cách tổ chức ngày lễ hội ở trên thế giới như thế nào, thưa ông?

+ Tôi từng chứng kiến nhiều lễ ở Nhật, không ồn ào khoa trương, mà cứ đến ngày ấy, dân khu phố tự tổ chức. Họ cũng rước cái này, cái kia rồi ngồi uống rượu với nhau và đặc biệt không có quan chức ban ngành tham dự.

. Theo ông phải chăng chúng ta chưa đủ kinh phí để đầu tư tốt hơn cho mỗi lần quảng bá du lịch Việt ra thế giới?

+ Xét về một quốc gia thực ra chúng ta không thiếu tiền để làm những việc như thế. Nhưng ít hay nhiều không thể nói là nhiều hay ít. Nhưng nguồn ngân sách đầu tư cho cái gì hiệu quả và đúng. Khi đúng thì bao nhiêu cũng phải chi và bao nhiêu cũng không gọi là nhiều - ít. Nhà nước nhiều khi cũng không cần bỏ tiền. Có nhiều cách để làm chứ không cứ gì trông chờ Nhà nước. Vấn đề ta tổ chức kết nối lại mọi người với nhau, mô hình hoạt động, ban quản lý khu du lịch, cơ chế công bằng…

. Vậy trường hợp mới đây trong gian hàng du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế Berlin vừa qua, chúng ta treo ảnh của Trung Quốc thay vì ảnh Việt Nam thì tại sao?

+ Tôi thấy rất kinh khủng, kinh khủng theo nghĩa người ta quá thờ ơ trong xã hội hiện đại. Vì để hình ảnh ấy treo lên được tại hội chợ ấy có nhiều sự thờ ơ. Thơ ơ của người lựa chọn hình ảnh, thờ ơ của người xét duyệt, thờ ơ của người xem…

Văn hóa không phải phong trào cổ động

Văn hóa thì nên để hữu xạ tự nhiên hương chứ đừng kêu to lên rằng tôi là người có văn hóa. Văn hóa của đất nước khác văn hóa của con người nhưng văn hóa của con người vùng miền đó tạo nên bản sắc. Đây là thời đại của thông tin nên đừng sợ người ta không biết. Vì thế hãy khôi phục lại những gì đã mất, hãy dành thời gian vào việc bảo trì bảo tồn giá trị. Hãy giữ gìn văn hóa sao cho thật đặc thù… những cái này quan trọng hơn nhiều so với việc hô to.

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm