Khi cần cầm súng, họ sẵn sàng!

Cuối năm 1977, cùng với các lực lượng khác, Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM có mặt ở biên giới Tây Nam và Campuchia để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm nhiệm vụ quốc tế chống lại bọn Pol Pot tàn ác. Hai năm ở biên giới Tây Nam, các chàng trai, cô gái TNXP ở tuổi đôi mươi đã cống hiến sức trẻ của mình, ra sức chiến đấu, tải đạn, cáng thương, làm đường, chống lầy...

Đến bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần...

Tiếp chúng tôi vào buổi tối muộn trong một căn chung cư nhỏ ở quận 5, TP.HCM, anh Trang Thành Tâm và vợ mình là chị Nguyễn Thị Vân vẫn còn nhớ rõ từng thời điểm của cuộc chiến tranh Tây Nam. “Đó có lẽ là một kỷ niệm đẹp, rực rỡ và đáng tự hào của một thời trai trẻ. Nhưng buồn...” - anh Tâm mở đầu câu chuyện của mình.

Tháng 4-1977, quân Khmer đỏ tấn công và tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang, tấn công vào các huyện Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành (Tây Ninh), giết hại đồng bào.

Chưa một lần cầm súng, chưa biết chiến trường là gì nhưng hàng ngàn TNXP khi nghe tin bọn Pol Pot sát hại đồng bào mình đã viết tâm thư bằng máu, xin được ra chiến trường để chiến đấu. Trang Thành Tâm khi đó mới 24 tuổi, đang cùng hàng trăm thanh niên khác lao động ở nông trường Lê Minh Xuân. Một ngày, Tâm được liên đội trưởng của mình gọi lên, nói ngắn gọn là chuẩn bị lên biên giới.

Với TNXP ngày đó, chỉ cần nghe đến hai chữ “biên giới” là lòng đã sục sôi. Lâu nay, họ chỉ gắn bó với nông trường, với cuốc xẻng, quen với công việc đào kênh, trồng rau, đắp đập... nhưng giờ thì mọi thứ đều được mang cất hết vào kho để lên đường thực hiện nhiệm vụ mới. “Anh em khắp nơi rộn ràng, không biết sẽ về đơn vị nào, có ai thân thiết hay không. Không khí lúc đó sôi nổi, ai cũng mang trong mình ý chí chiến đấu bảo vệ đồng bào” - anh Tâm nhớ lại.

Rồi cũng đến ngày ra trận. Hơn 5.000 TNXP được chia thành 14 liên đội khác nhau, mỗi đội đảm nhận một nhiệm vụ riêng biệt. Anh Tâm được phân công về làm đại đội trưởng Đại đội 1, Liên đội 303. Anh Tâm kể nhiều TNXP lúc đó vốn sống ở thành phố, được cha mẹ bảo bọc cho đến ngày lên đường nên vẫn thấy lo lắng. Nhưng được mọi người động viên, họ đã vững tâm hơn. “Chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng, sống trọn vẹn với tuổi trẻ của mình thì không có gì phải sợ cả” - anh Tâm nói với ánh mắt đầy ý chí như thuở lên biên giới.

Lễ đón Thanh niên xung phong TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam trở về. Ảnh: TƯ LIỆU

Trưởng thành trong chiến tranh

Không biết gì về súng đạn, về tác chiến ngoài trận địa, anh em TNXP phải bắt đầu làm quen với môi trường sống mới nên còn nhiều bỡ ngỡ. Hơn nữa, lại ở biên giới nước bạn Campuchia nên cái gì cũng mới mẻ. Nhưng sự khắc nghiệt của chiến tranh, bọn Pol Pot liên tục xả pháo mỗi ngày, áp bức dân lành đã dạy cho các anh em TNXP một điều: Họ bắt buộc phải chín chắn, trưởng thành hơn mới bảo vệ được lẽ phải và đồng bào, bạn bè của mình!

Giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến là từ tháng 7 đến tháng 10-1978. Chị Nguyễn Thị Vân, vợ của anh Tâm, nguyên phó đội trưởng Liên đoàn 307 - đơn vị hỗ trợ công tác hậu cần, cáng thương, tải lương thực, thực phẩm, nhớ lại: “Ngày đó làm nhiệm vụ là không kể đến ngày hay đêm. Đang nằm ngủ mà có nhiệm vụ cũng phải vùng dậy, làm đến khi xong thì thôi. Nam nữ gì không phân biệt, cứ vác trên vai bao gạo 50 kg chuyển lên xe rồi xuống xe, lại chất vào kho lương thực. Lúc nào cũng phải ở trong trạng thái tỉnh táo để làm việc, có đặt lưng xuống nằm ngủ cũng phải để tâm trí luôn sẵn sàng”.

Trong gian khổ và khó khăn ấy, cuộc sống của những TNXP và bộ đội ta nơi biên giới vẫn phải tiếp tục. Họ vẫn vui vẻ, vô tư như chính độ tuổi mình, vẫn nghêu ngao vài câu hát để tự động viên. Trong sự thiếu thốn của lương thực, vật dụng, nước non và những nhu yếu phẩm cần thiết, cuộc sống dưới những lán rừng ở Campuchia vẫn tiếp diễn… Khi cần cầm súng, họ sẵn sàng cầm súng!

Vẫn chưa lành những vết thương

Biên giới Tây Nam những ngày ấy, xác người nằm chất đống sau những lần bọn Pol Pot cho nổ pháo, càn quét, ra tay giết hại anh em chiến sĩ. Cũng ở biên giới này, cuộc thanh trừng của bọn Pol Pot đã mãi cướp đi sinh mạng của 24 TNXP thuộc Trung đội 3, Đại đội 3, Liên đội 5 TNXP. Ngày 22-7-1978 trở thành ngày không thể quên của lực lượng TNXP ngày đó và bây giờ.

Anh Tâm nhớ lại, khoảng 4 giờ ngày 22-7-1978, cả Trung đội 3, Đại đội 3, Liên đội 5 TNXP đang ngủ vùi sau một ngày hành quân, làm việc mệt mỏi trên đất bạn. 26 người, trong đó có tám nữ TNXP cùng ở trong một chiếc lán nhỏ. Tiểu đoàn quân Pol Pot bất ngờ tấn công. Họ chống trả quyết liệt nhưng không thể đối đầu được với bọn chúng. Chúng điên cuồng lao vào bắn, giết rồi lôi những người còn sống ra. Tám cô gái bị chúng xé nát hết quần áo rồi hãm hiếp và tra tấn dã man. Rồi chúng lôi các chị ra xếp thành hàng, cạnh cánh đồng hoang. Từng loạt đạn vang lên...

Hai người may mắn sống sót trong số 26 TNXP ngày đó cho đến nay vẫn chưa thôi ám ảnh về những gì họ đã trải qua. Đó là anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Lý. Họ sống và trở về nhưng vẫn chịu di chứng nặng nề từ cuộc chiến.

Trong suốt câu chuyện của mình, anh Trang Thành Tâm có kể với tôi rằng trước cổng BV Chợ Rẫy ngày nay có một nhóm từ thiện phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà của họ. Đó là nhóm từ thiện của chị Nguyễn Thị Lý, người con gái duy nhất trong số tám cô gái bị bọn Pol Pot hãm hiếp rồi bắn chết. Anh nói chị tìm đến công việc này như cách để quên đi nỗi đau của mình và giúp người, giúp đời. “Cứ có người nhắc đến ký ức đó là chị như chết đi sống lại, ngất xỉu nhiều lần” - anh xót xa.

Đứng từ xa nhìn dáng người của chị Lý, nhanh thoăn thoắt, chạy khắp nơi để lo chu toàn từng hộp cơm, chén cháo cho mọi người, lòng tôi bỗng thắt lại. Ở thời chiến hay thời bình, họ vẫn khát khao được sống để cống hiến, để giúp đỡ mọi người dù lòng mang nặng những vết thương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.