Khi các cụ bỏ nhà đi bụi

Chị Xuyến, con đầu lòng của bà Thơm kể, nhà có 5 chị em thì 4 người đã lập gia đình, chỉ có duy nhất cậu út còn độc thân lúc nào cũng quấn quýt bên mẹ. Mới đây cậu qua đời trong một vụ tai nạn giao thông gần nhà khiến bà Hai vô cùng đau đớn. Kể từ cú sốc đó, ngày nào bà cũng ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa gọi tên con trai, có hôm bà bỏ nhà đi lang thang thơ thẩn ngoài đường mãi đến tối mịt mới về, khiến con cái hốt hoảng đi tìm.

"Mới chủ nhật tuần rồi khi chúng tôi đi đám cưới, mẹ bảo thấy trong người mệt mỏi nên ở nhà nghỉ ngơi. Lúc về đến nhà không thấy bà cụ đâu, ai cũng nghĩ bà sang nhà hàng xóm chơi nhưng chờ đến tối mịt vẫn chưa thấy. Sáng hôm sau mọi người trong dòng họ chia nhau đi kiếm, dán giấy tìm người lạc khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy tin tức gì", chị Xuyến (quê Bình Dương) xót xa kể.

Khi các cụ bỏ nhà đi bụi ảnh 1

Tuổi cao, sức khỏe yếu khiến các cụ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Ảnh: Thi Ngoan.

Còn bà Trần Thị Thấm, 61 tuổi, quê Hải Phòng cũng vì buồn chán chuyện con cái nên bỏ nhà vào TP HCM sống bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số gần chục năm nay. Hàng ngày bà đi lang thang đến từng con hẻm xin ăn và nhặt nhạnh bất kỳ thứ gì dùng được mà người ta vứt bỏ trong sọt rác. Đêm đến bà trải manh chiếu rách xuống nền xi măng dưới gầm cầu để nghỉ ngơi.

Kể về cảnh ngộ của mình, bà cho biết, ông qua đời cách đây 30 năm để lại thân bà một mình lam lũ nuôi 4 người con. Đến khi con cái trưởng thành thì mỗi đứa lập gia đình một nơi, cả năm mới gửi vài trăm nghìn về quê cho mẹ mà ít khi về thăm. Bà cảm thấy tủi thân vì tuổi tuổi cao sức yếu không thể tự làm việc nuôi mình. Nhiều đêm đang ngủ, bà giật mình ngồi khóc cho tuổi già cô độc.

"Tôi cũng nhớ con cháu lắm nhưng chúng nó không còn thương tôi nữa nên tôi mới đi để khỏi là gánh nặng cho tụi nó. Thôi thì trời cho sống được ngày nào biết ngày đấy chứ tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào trở về quê", bà Thấm sụt sùi bộc bạch.

Nhìn nhận thực tế hiện nay do cuộc sống mưu sinh bận rộn nên càng ngày người ta càng ít quan tâm đến bậc sinh thành, trong khi các cụ tuổi cao sức yếu càng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm buồn chán, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng tại TP HCM cho biết, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người già rất đa dạng. Đó có thể do yếu tố di truyền hoặc trải qua những nỗi sợ hãi, cú sốc mất người thân và những vấn đề về sức khỏe tâm thần, môi trường, mãn kinh ở phụ nữ, vợ chồng sống li thân, con cái ở xa, mất việc nên đôi khi cảm thấy bản thân không còn vai trò quan trọng như trong gia đình ...

Khi các cụ bỏ nhà đi bụi ảnh 2

Sự chăm sóc của người thân có ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng và tâm lý người già. Ảnh: Thi Ngoan.

Trầm cảm được giới nghiên cứu nhận định là căn bệnh tâm sinh lý đáng báo động của thời đại, ảnh hưởng xấu đến cả thể chất lẫn tinh thần, gây rối loạn về nhận thức, trí nhớ và hành vi. Bệnh có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và nếu không được điều trị kịp sẽ khiến người bệnh sa sút tâm thần, mất khả năng định hướng hành động cũng như khả năng làm việc, hoặc có thể dẫn đến hành động tiêu cực hủy hoại bản thân. Trong khi đó, theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh này ở nữ giới cao gấp 2 lần so với nam giới.

Có sự khác nhau giữa nỗi buồn thoáng qua với căn bệnh trầm cảm. Người mắc bệnh thường có biểu hiện trầm lắng, buồn chán và cảm giác trống trải kéo dài ít nhất 2 tuần. Khi thấy xuất hiện tình trạng trên, người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám để chữa kịp thời.

Tùy vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, châm cứu, trị liệu tâm thần bằng liệu pháp nhận thức, thay đổi cách cư xử và thói quen ăn uống, tập luyện dưỡng sinh, vận động nhẹ...

Tuy nhiên theo bà Linh, điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến tâm sinh lý các cụ chính là thái độ quan tâm chăm sóc và sự tôn trọng của mọi người trong gia đình. Một món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới, một cử chỉ nâng niu chiều chuộng, một tô cháo nóng kèm theo câu nói nhỏ nhẹ, ánh mắt trìu mến... của con cháu sẽ giúp cha mẹ, ông bà lấy lại cân bằng trước những thay đổi bất lợi vì tuổi tác. Từ đó các cụ sẽ sống yêu đời hơn và tránh những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

"'Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra' câu nói ấy muôn đời vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ, ông bà đã có công sinh thành, đã cống hiến cả cuộc đời để làm việc và dưỡng dục con cái khôn lớn nên người. Nay các cụ về già, sức khỏe không còn nữa thì con cái cần đền đáp công ơn ấy bằng cả tấm lòng mình, đừng để đến khi quá muộn", bà Linh nói.

Bên cạnh đó, để phòng chứng trầm cảm, các bác sĩ khuyên mọi người tập rèn luyện lối sống khoa học, ăn ngủ đúng giờ, không nên sử dụng nhiều rượu, bia và các chất kích thích, luyện tập thể dục hàng ngày, tăng cường các liệu pháp massage, thư giãn.

Một số biểu hiện của bệnh trầm cảm ở người già:

- Buồn chán kéo dài kèm theo cảm giác bồn chồn, khó chịu, xuất hiện ảo giác, mơ mộng.
- Thường có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mình có lỗi hoặc vô dụng, thái độ thất vọng, buồn chán và hoang tưởng.
- Ít vận động và di chuyển, giảm sự quan tâm thích thú đến các hoạt động thường ngày mà trước đây vẫn yêu thích.
- Giảm trí nhớ, thiếu sự tập trung, mất dần khả năng phán đoán và ra quyết định.
- Hay nghĩ về cái chết hoặc quyên sinh, thậm chí còn có kế hoạch cụ thể cho việc này.

Bên cạnh đó, cơ thể còn có một số triệu chứng như:

- Ăn uống thất thường, lúc ngon miệng lúc chán ăn, dễ bị táo bón.
- Tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể.
- Mệt mỏi, uể oải trong cuộc sống, mất hứng thú trong quan hệ tình dục.
- Ngủ li bì hoặc mất ngủ thường xuyên, thức dậy rất sớm.
- Đau đầu nhưng sử dụng thuốc vẫn không khỏi.

Theo Thi Ngoan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm