Hot boy 9x theo mẹ dạy lớp phổ cập

Đó là câu chuyện kể về lớp học phổ cập giáo dục của hai mẹ con cô Phạm Thị Liên (52 tuổi) và thầy Phạm Đình Trung ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, phường 5, quận 11, TP.HCM. Lớp học dành cho những trẻ em nghèo không có điều kiện tới lớp.

Đi dạy vì thương mẹ

Màn đêm vừa buông xuống, phố xá rực ánh đèn cũng là lúc các học sinh (HS) tươm tất áo quần, sách tập tới lớp học đặc biệt ban đêm. Nó đặc biệt bởi ở đó không chỉ có các em HS nhỏ mà còn có thanh niên, người lớn cùng tập trung về một lớp để tập đọc, tập viết. Họ có thể là những đứa trẻ bán vé số, những công nhân, những người không nơi nương tựa hay những người bình dị khác… nhưng đều có một điểm chung là ham học. Lớp chỉ có 14 HS nhưng có đủ các em học từ lớp 1 đến lớp 5.

Nhớ lại những ngày đầu, thầy Phạm Đình Trung không khỏi xúc động: “Những ngày đầu tôi đến lớp chỉ là những đêm theo mẹ đi dạy. Bởi lúc đó sức khỏe của mẹ không tốt. Lo cho mẹ nên tôi đi theo, rồi bén duyên với lớp lúc nào không hay. Mẹ đã theo lớp này được 21 năm rồi, còn tôi mới được ba năm”.

Vốn là nhân viên văn phòng, cứ tưởng chỉ hỗ trợ mẹ cho đỡ nhọc nhằn, song Trung lại bén duyên luôn với nghề giáo. Lần đầu đứng lớp, thầy Trung cũng run lắm, cầm viên phấn tưởng sẽ rơi, mỗi lời nói giống như đứa trẻ phát âm chưa tròn vành rõ chữ. Theo mẹ, thầy cũng thành một học trò nhỏ của mẹ, phải học cách dạy, cách phát âm tiếng Việt vì thầy vốn là người miền Nam.

“Cứ nghĩ theo mẹ cho tới khi nào mẹ hết bệnh, ấy vậy mà khi đi dạy thấy mẹ cực quá. Một mình mẹ kiêm hết, cứ dạy một chút lớp 1 rồi chạy qua lớp 2… đến hết lớp 5, rồi quay vòng lại từ đầu. Không chỉ vậy, theo mẹ tới lớp, tôi chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường. Từ đó cứ tan làm tôi lại tới lớp, chỉ mong giúp các em biết chữ, biết tính toán mà thôi” - thầy Trung chia sẻ.

Thầy Phạm Đình Trung đang dạy các em làm toán. Ảnh: ĐÀO TRANG

Tiếp tục thực hiện giấc mơ của mẹ

Tuy lớp học bắt đầu lúc 18 giờ nhưng mới 17 giờ đã đông đủ HS. Sở dĩ các em đến sớm là để nghe những câu chuyện ngoài bài giảng của thầy. Cũng từ đó những tấm gương tốt, hoàn cảnh vượt khó được thầy tô điểm qua mỗi buổi học, phần nào trở thành giấc mơ của các em.

Đó là trường hợp của em Nguyễn Thị Thanh Trinh, 15 tuổi, đang học lớp 4. Từ khi em còn nhỏ, cha mẹ đã bỏ nhau, bỏ lại ba chị em sống nương tựa vào người cậu. Đủ cơm ăn đã khó, nay cậu cũng không thể lo cho ba chị em cùng theo học nên Trinh đành nghỉ học, ở nhà phụ cậu đưa đón hai em đi học. Tới khi biết có lớp phổ cập giáo dục được học miễn phí, em liền xin cậu đi học.

“Chưa được đi học, em tự ti lắm, chẳng dám nói chuyện với ai. Nay được đi học, biết viết và biết tính toán rồi nên em không sợ gì nữa. May là em được học miễn phí, đầu năm lại được tặng sách vở nên có thể tiết kiệm thêm một khoản cho các em đi học. Cứ đà này hai năm nữa em sẽ được lên lớp 6, rồi sau này em xin cậu đi học lớp cắt tóc để mở tiệm. Em sẽ cố gắng học giỏi để làm gương cho các em của mình” - em Trinh kể.

Bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, thầy Trung cũng hạnh phúc hơn khi nhận được sự chia sẻ từ phía đồng nghiệp. Mặc dù trước đó cũng không ít người cho rằng “tại sao không dành thời gian đó để nghỉ ngơi” thì đến nay tất cả các bạn đều ủng hộ. Thậm chí có bạn cứ xong việc lại tới lớp để phụ giúp mẹ con thầy Trung giảng dạy.

Còn em Nguyễn Văn Hòa, 15 tuổi, đang học lớp 4, lại ước mơ trở thành một nhà kinh doanh. Tranh thủ thời gian làm công ban ngày, tới tối Hòa lại đều đặn tới lớp. Hòa nói: “Em ước trở thành nhà kinh doanh nhưng muốn kinh doanh phải giỏi toán nên em thích học toán lắm. Có công việc ổn định rồi em sẽ mang sách tập, quần áo về tặng cho các bạn HS và sẽ kể những câu chuyện như các anh chị đã thành công từ lớp học này”.

Cứ như thế, dù có mưa lớn cỡ nào các em đều đến lớp đúng giờ để viết tiếp ước mơ. Còn ước mơ của người con hiếu thảo cũng vì thế mà lớn dần thêm. “Tôi cảm thấy may mắn khi được tham gia lớp học này. Ở đây tôi được hoàn thiện rất nhiều kỹ năng mà trước đây mình không có. Rất may tôi được cả gia đình ủng hộ nên sau này tôi có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ của mẹ và của mình” - thầy Trung chia sẻ.

“Lôi kéo” chồng con đi dạy học

Vốn ham dạy học, cô Phạm Thị Liên dành trọn thời gian của mình cho lớp học phổ cập. Bên cạnh buổi tối dạy lớp học, cô Liên lại tới chùa dạy học cho những trẻ em nghèo. Nhiều khi cô lại “lôi kéo” chồng con đi dạy cùng. Từ đó các hoạt động mà cô tham gia luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình của cả gia đình.

“Biết con thương mẹ nên đi đâu tôi cũng rủ theo. Ban đầu cũng chỉ là chở mẹ đi dạy, rồi nói con giúp mẹ dạy toán lớp 1 và 2 vì nó dễ. Dần dần cho con kiêm luôn cả tiếng Việt và toán. Cứ thế, đến nay cũng ba năm rồi, giờ nó ham dạy còn hơn cả mẹ. Con còn trẻ, lại gần với lứa tuổi của các HS nên giúp được các em nhiều lắm. Nếu bây giờ chẳng may bị ốm thì tôi cũng yên tâm khi có con đứng lớp”.

PHẠM THỊ LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm