Hòa giải viên miệt vườn: Bà Thảo gắn kết tình làng nghĩa xóm

LTS: Cùng với sự phát triển của kinh tế, các mối quan hệ xã hội, dân sự thì những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh cũng ngày càng nhiều và phức tạp. Nhờ sự nhiệt tình, khéo léo và tinh thần thượng tôn pháp luật của các hòa giải viên cơ sở, nhiều vụ tranh chấp trong gia đình, xã hội đã được hóa giải, giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm, giữ gìn hạnh phúc cho nhiều gia đình, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Vẻ mặt háo hức, bà Lý Như Thảo (56 tuổi), trưởng khu vực - tổ trưởng tổ hòa giải khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết bà cùng các thành viên tổ vừa hòa giải thành công vụ bảy anh em trong gia đình tranh chấp đất kéo dài.

Tháo gỡ mâu thuẫn, kết nối yêu thương

Bà Thảo kể trong vụ này những anh em trai không đồng ý chia đất cho những chị em gái vì quan niệm con gái gả đi là xong. Các bên tranh chấp cự cãi gây mất an ninh trật tự địa phương thời gian dài. Khi tiếp nhận đơn giải quyết tranh chấp, bà Thảo cùng tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

“Sau đó, tôi mời tất cả ngồi lại để giải thích, khuyên anh em nên hòa thuận, chuyện gì từ từ giải quyết, không gì hơn máu mủ, ruột rà nhưng không ai nghe mà chỉ muốn làm theo ý mình. Thấy biện pháp tình cảm gia đình không được nên tôi đành dùng pháp luật là không được gây rối, làm mất an ninh trật tự và nêu quy định về chia tài sản thừa kế nhằm trấn áp. Vừa cứng lại vừa mềm, cuối cùng các bên đã chịu thống nhất với nhau, không cự cãi nữa” - bà Thảo kể.

Mỗi khi tiếp nhận một vụ tranh chấp, bà Thảo dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, đi tìm hiểu từng bên. Nắm được nguyên nhân sự việc, bà tìm hướng giải quyết, phân tích cho từng bên hiểu nếu tranh chấp thì sẽ được cái gì và mất cái gì. Tùy đối tượng, tùy tình hình, sự việc mà bà ứng biến bằng các phương pháp mềm mỏng hay cứng rắn nhưng phải đảm bảo tính đúng đắn.

Như trường hợp chị C. dẫn con đi ngang nhà ông T. thì bị chó nhà ông này chạy ra cắn. Chị C. đưa con đi chích ngừa và đem hóa đơn về yêu cầu ông T. bồi thường hơn 1 triệu đồng. Ông T. nói ngang không chịu bồi thường, cho rằng do con chị C. chọc ghẹo nên chó mới cắn. Bà Thảo đã mời ông T. đến phân tích các quy định về pháp luật như nuôi chó phải cột, nhốt, không được thả lang, nếu đứa bé có việc gì thì ông T. có thể chịu trách nhiệm hình sự… Qua đó, ông T. đã nhận thức được và chi trả bồi thường cho chị C., không phải đưa nhau ra tòa.

“Người dân ở đây ai cũng tin tưởng và quý mến chị Thảo. Có chuyện gì alô cái là chị Thảo đến ngay. Đối với công tác hòa giải thì chị làm hay lắm, nói chuyện thấu lý đạt tình nên ai cũng nghe theo. Gia đình tôi cũng từng gặp chuyện tranh chấp, nhờ chị Thảo hòa giải mới êm xuôi và hạnh phúc như hôm nay. Nói thiệt chứ lần này chị Thảo trúng cử trưởng khu vực lại bà con ai cũng tán thành” - chị Nguyễn Thị Liên, một người dân trong khu vực cho biết.

Bà Lý Như Thảo đến trò chuyện, thăm hỏi người dân địa phương. Ảnh: HẢI DƯƠNG

“Bà con tin tưởng mới tìm đến mình”

Hơn 10 năm làm công tác hòa giải, bà Thảo luôn sâu sát, theo dõi tình hình trong nhân dân. Hễ nghe nơi nào có rục rịch mâu thuẫn, bất kể ngày đêm, nắng mưa là bà Thảo đến nắm bắt, hóa giải ngay, không để xảy ra mâu thuẫn lớn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Bà Thảo chia sẻ: “Người ta có chuyện cần, mình phải đi ngay, chuyện mâu thuẫn không để ngày mai được. Bà con chưa nhận thức được thì mình phải đến giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu, phải ngăn chặn liền không để mâu thuẫn leo thang”. Còn nhớ có trường hợp tranh chấp ranh đất giữa bà NTH và ông B. xảy ra vào 9 giờ tối. Nguyên nhân do trời mưa, nước không thoát được, bên này nói bên kia lấn ranh gây ngập nghẹt và cãi nhau giữa đêm. Hay tin, bà Thảo đội mưa đến khuyên hai bên bình tĩnh và phân tích không nên vì vài tấc đất mà mất tình xóm giềng. Từ đó hai bên sống hòa thuận với nhau.

Ngần ấy năm làm công tác hòa giải, bà Thảo luôn nhiệt tình, tận tâm, tìm mọi phương pháp tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, hòa giải mọi xung đột không nên phát sinh. Có lẽ vì vậy mà bà Thảo được tất cả bà con khu vực Long Thạnh A tín nhiệm và yêu quý, việc lớn nhỏ gì cũng nhờ bà tư vấn rồi đền đáp bằng bó rau, con cá.

“Bà con hòa thuận, xóm giềng vui vẻ, an ninh được giữ vững là món quà lớn nhất cho người làm công tác hòa giải như tôi” - bà Thảo chia sẻ.

Theo bà Thảo, ngoài những kiến thức pháp luật, hòa giải viên phải nhạy bén, thấu hiểu và tinh tế. Đôi khi áp lực gia đình, công việc khiến bà Thảo mệt mỏi nhưng bất kỳ ai cần giúp đỡ là bà Thảo có mặt, sẵn sàng lắng nghe để bà con trút bầu tâm sự. “Bà con cần, tin tưởng mới tìm đến mình. Muốn tuyên truyền hiệu quả thì trước hết hòa giải viên phải là bạn của người dân, lắng nghe để hiểu, từ đó mới có biện pháp tốt nhất hướng người dân thực hiện theo chủ trương pháp luật” - bà Thảo tâm sự.

Đề nghị thành phố và quận khen thưởng

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết trong năm 2019, toàn quận đã tiếp nhận hòa giải 283 vụ việc, hòa giải thành 246 vụ việc, đạt tỉ lệ hơn 86%.

“Chị Thảo là một người rất có tinh thần trách nhiệm, tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác hòa giải cơ sở, đạt tỉ lệ thành công cao. Vừa qua, tổng kết năm năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở, chúng tôi cũng có đề nghị TP và quận khen thưởng cho chị Thảo” - ông Trí đánh giá

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm