Hỗ trợ ngay các đội nhóm thiện nguyện

Từ ngày 26-7, người dân TP.HCM không được phép ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, trừ năm đối tượng được quy định tại văn bản của UBND TP.HCM ban hành (số 2490/UBND-VX).

Điều này mục tiêu để tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường. Dẫu từ 18 giờ hằng ngày mới áp dụng nhưng trong thực tế, từ khi có văn bản trên, các nhóm từ thiện, người dân tự hỗ trợ nhau… đã không dễ dàng di chuyển ra ngoài quận kể cả khung giờ hành chính.

Lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra đường sau 18 giờ tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong những ngày này, điều cần nhất chính là một quyết sách ngay, thực tế cho các đội nhóm đang thực hiện từ thiện. Bởi việc thiện nguyện cấp bách giữa đại dịch không phải là câu chuyện như các chương trình thiện nguyện đơn thuần đang được quy định trên giấy.

Thực tế hiện nay, các đội nhóm thiện nguyện hầu hết đảm bảo đủ trang phục bảo hộ, khẩu trang N95, găng tay, kính chống giọt bắn…; khi trao quà đảm bảo nguyên tắc 5K. Bởi giữa thời điểm này, các nhóm thiện nguyện cũng cần bảo vệ bản thân lẫn cộng đồng và hơn cả là cứu đói ở các khu trọ công nhân, người lao động nghèo, thất nghiệp, vô gia cư… Vậy khi các nhóm thiện nguyện đảm bảo được các yếu tố đó thì cần được hỗ trợ dễ dàng qua các chốt phòng chống dịch giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương đã có sẵn những tổ ứng phó COVID-19 thì hãy làm sao để những nơi này trở thành trung tâm cứu tế tại cơ sở. “Có thể hoạt động các tổ này như một mô hình trạm cứu tế cộng đồng. Trạm cứu tế cộng đồng tại địa phương sẽ tiếp nhận nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, túi sơ cứu các loại thuốc, vitamin của tủ thuốc gia đình cơ bản từ chính quyền, các mạnh thường quân để gửi đến các gia đình nghèo, người lớn tuổi, neo đơn, yếu thế… Điều này không chỉ giúp những người này đảm bảo sức khỏe qua ngày, không phải ra ngoài tìm miếng ăn, mà còn giảm những rủi ro về các bệnh cơ bản. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tại phường, xã nên được cấu trúc lại để hỗ trợ sát sao hơn với các ca F0 nặng, nguy cơ chuyển nặng… lập tức hướng dẫn điều trị theo cẩm nang cung cấp sẵn, hỗ trợ chuyển lên tuyến trên” - PGS-TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất.

Trong khi chờ đợi văn bản cho các tổ chức, cá nhân cùng cứu trợ tuyến đầu thì lập trạm cứu tế y tế với mục tiêu cung cấp trang thiết bị y tế gửi đến các khu cách ly, điều trị, BV dã chiến. Ở đó sẽ là nơi tiếp nhận trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính từ các mạnh thường quân; đội ngũ tình nguyện viên (đã tiêm vaccine và tập huấn quy trình giao nhận đảm bảo nguyên tắc dịch tễ học) hỗ trợ các BV, BV dã chiến, thu dung, điều trị… Mục tiêu cao nhất làm sao để y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chỉ tập trung chuyên môn chứ không phải từng cá nhân đi vận động, nhận hàng hỗ trợ từ khắp nơi như hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm