Hè phố là nhà em đó!

Hiện tại, có một lượng lớn thanh thiếu niên đang sống vất vưởng trên nhiều con phố hoặc chen chúc nhau trong những căn phòng trọ chật hẹp. Các em kiếm sống bằng những công việc ẩn chứa nhiều rủi ro: Đánh giày, bán vé số, dắt mối, mại dâm, mua bán ma túy... 

Hầu hết những trẻ đường phố chúng tôi gặp đều chung thái độ không còn hài lòng với gia đình của mình. Và phần lớn các em là nạn nhân của những gia đình đổ vỡ.

Khi gia đình trở thành địa ngục

Chúng tôi gặp B.D.T (nam, quê Đà Lạt) tại Công viên 23-9. Em không yêu cầu giấu tên khi đăng báo, cũng không giấu giếm cơn đau khiến em chỉ có thể ngồi xổm sau những lần “đi khách” phải quan hệ đồng giới. Em nhếch mép cười kể ngắn gọn về gia cảnh: “17 tuổi, cha mất, mẹ lấy chồng khác. Ổng ghét tui, lấy cái bơm xe đạp đánh vào đầu tui. Tui cầm dao gí ổng. Mẹ tui binh ổng, coi tui như kẻ thù. Anh chị thấy vậy sống nổi không, vậy bỏ nhà đi được chưa?”.

Lan (tên nhân vật đã được đổi, 17 tuổi) kể lại chuyện buồn đời mình bằng vẻ bình thản như thể đó là chuyện của người khác: Mẹ ham giàu, bỏ ba em theo người khác khi em còn trong bụng mẹ. Bồ của mẹ bắt phá thai. Do thai nhi đã lớn, không thể phá nên bệnh viện mổ lấy ra. Ra viện, mẹ đặt em vào thùng rác ven đường rồi bỏ đi. Ngoại nhặt em trong thùng rác đem về nuôi và không cho mẹ đến thăm em. Cha em đã mất trước đó do sốc ma túy”. Lớn thêm chút nữa Lan mới ý thức được sự ghẻ lạnh, dè bỉu của họ hàng. Lần nào gặp mặt, em cũng đều bị dè bỉu là con hoang, là cục nợ... Không chịu nổi, mới chín tuổi em đã rời căn nhà gỗ xập xệ trên sông Sài Gòn ra ở hẳn ngoài Công viên 23-9.

Giấc mơ phố thị

Là anh cả trong một gia đình có tám anh em ở một xã nghèo thuộc huyện Con Cuông (Nghệ An), tuổi thơ của Hoàng thấm đẫm tủi buồn. Tận bây giờ, chỉ cần nhìn thấy cái bánh cam, Hoàng lại ứa nước mắt.

Ngày trước, nhà Hoàng nghèo đến nỗi mẹ em hiếm khi dư được món tiền nhỏ mua quà vặt cho con. Một lần, sau mùa thu hoạch khoai mì, mẹ mua cho mỗi đứa con một cái bánh cam. Đúng lúc đó, bà chủ tiệm gạo đến đòi nợ. Bà giận dữ giật phăng cái bánh Hoàng đang cầm ném xuống đất, gào lên: “Có tiền chỉ để ăn quà vặt cho sướng miệng, không trả nợ hử mi?”. Nhìn cái bánh cam lăn dài trên đất, cậu bé tưởng như tim mình vỡ ra.

Đến trường, Hoàng cũng luôn bị thầy cô nhắc nộp học phí. Đứng trước lớp ấp úng: “Do nhà nghèo nên bố mẹ chưa có tiền cho em đóng học phí”, xong cậu bé 13 tuổi khóc ròng, vụt chạy khỏi lớp. Từ đó, Hoàng quyết định “vào Nam kiếm tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ” như mấy anh chị trong làng. Nuốt nước mắt, cha mẹ nhờ một anh trong xóm hơn Hoàng vài tuổi đưa em vào Sài Gòn. Vậy là Hoàng khăn gói vào nơi mà ngay cả cha mẹ em cũng không lường hết độ phức tạp và nguy hiểm bởi cả đời họ chỉ quanh quẩn bên căn nhà lụp xụp ở một huyện miền núi.

Nguyễn Thị Thu (Kon Tum) đến TP.HCM lúc 15 tuổi, sau hai năm liền ở lại lớp chín và bị cả gia đình nhiếc móc là “vô tích sự, ăn hại”. Cô bé quyết đi làm với niềm tin ngây thơ sẽ kiếm thật nhiều tiền để chứng tỏ với ba mẹ rằng: “Học dốt cũng kiếm được tiền và học dốt không phải là vô tích sự”. Em lén lấy trộm năm trăm ngàn đồng của mẹ, để lại tờ giấy: “Kiếm được nhiều tiền con sẽ về trả lại ba má số tiền này”. Hối hả đón xe vào Sài Gòn, nơi có vài người bạn đang phụ bán cà phê, em tưởng tượng viễn cảnh xúng xính váy áo về nhà, trịnh trọng đặt vào tay ba mẹ xấp tiền dày cộp kiếm được nơi thành thị.

Hộp đựng đồ nghề của một cậu bé đánh giày gây nhói lòng với dòng chữ: “Đi đâu? Về đâu?”.
Hộp đựng đồ nghề của một cậu bé đánh giày gây nhói lòng với dòng chữ: “Đi đâu? Về đâu?”.

Vỡ mộng đường phố

Những ngày đầu tới TP.HCM, Hoàng có một chỗ trải chiếu giá 3.000 đồng/đêm trong khu trọ dành cho lao động nghèo ở một con hẻm sâu trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh). Công việc của em là đi bán vé số. Thời gian đầu, Hoàng mừng lắm vì cũng dành dụm được vài trăm ngàn đồng gửi về quê. Thế rồi một lần Hoàng bị lừa mất hết vé số, phải đền tiền cho đại lý. Lúc đó, trong người em không còn đồng nào. Thậm chí 3.000 đồng để trải chiếu ở nơi trọ em cũng không lo nổi. Hoàng bắt đầu vật vạ ngủ ở ghế đá Công viên Tao Đàn, sống nương nhờ vài ổ bánh mì mỗi ngày của nhóm bạn ngoài công viên. Chuỗi ngày lấy đường phố làm nhà của Hoàng bắt đầu từ đó.

Tương tự Hoàng, ước mơ kiếm tiền của cô gái nhỏ Nguyễn Thị Thu không dễ như em tưởng. Chỉ vài ngày sau khi đến TP.HCM, số tiền ít ỏi của em cạn dần. Không may, Thu bị tai nạn gãy chân. Cô bạn cùng quê cưu mang em cả tháng trời bằng đồng tiền kiếm được từ “nghề mại dâm”. Khi em hồi phục cũng là lúc cô bạn bị bệnh giang mai, không đi làm được. Không thể chạy gấp một số tiền lớn thuốc thang cho bạn và đủ để cả hai sống qua ngày, Thu đồng ý bán trinh với giá ba triệu đồng và từ đó thường đứng đón khách ở khu Thủ Đô (Châu Văn Liêm-Trần Hưng Đạo B).

TRÀ GIANG - TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm