Hành vi trục lợi BHYT bị xử lý như thế nào?

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết sau vụ việc một bệnh nhân nam 47 tuổi tên NGH (ngụ phường 2, quận 8, TP.HCM) đã trả lại Quỹ BHYT hơn 9 triệu đồng do đã lạm dụng đi KCB nhiều lần tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn TP.

Theo ông Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT đã nhận được báo cáo vụ việc cá biệt này từ BHXH TP.HCM, tuy nhiên rà lại các văn bản thì chưa có chế tài đối với hành vi trục lợi BHYT của bệnh nhân này.

Ông Phúc cho rằng một trong các kẽ hở dẫn đến tình trạng trục lợi BHYT chưa kiểm soát được là do các cơ sở KCB kết nối liên thông dữ liệu bệnh nhân KCB trong ngày chưa tốt. Dẫn đến tình trạng bệnh nhân khám ở cơ sở này hôm trước, hôm sau lại tiếp tục đi khám ở cơ sở khác mà chưa cập nhật thông tin để xem người đó bị bệnh gì, đã sử dụng loại thuốc gì.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ, BHXH Việt Nam yêu cầu các cơ sở KCB trong ngày phải liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, qua đó phát hiện tình trạng trùng lắp, khám nhiều lần.

Theo đó, trong ngày các cơ sở KCB phải chốt số lượng bệnh nhân khám lấy thuốc, để chuyển về Hệ thống thông tin giám định BHYT, thay vì thời gian chuyển dữ liệu chậm như trước đây, khó kiểm soát được bệnh nhân đã khám hôm trước ở bệnh viện này ngày mai lại chuyển sang bệnh viện khác khám.

Đối với các cơ sở KCB bệnh nhân đã đến khám, điều trị đã chốt dữ liệu chuyển lên Hệ thống thông tin giám định BHYT rồi nhưng cơ sở KCB tiếp nhận sau đó không cập nhật dẫn đến tình trạng chỉ định trùng lắp, thì cơ sở sau phải chịu trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm