Hải Phòng: Lại thuê đất của nông dân rồi bỏ hoang

Tháng 9-2009, Công ty TNHH Sơn Trường thuê 334 ha của hơn 3.300 hộ dân bốn xã Trấn Dương, Vĩnh Tiến, Cổ Am, Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) triển khai vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

“Chết” ngay vụ đầu

Lúc đó, tại xã Trấn Dương diễn ra cuộc vận động cho thuê đất hết sức sôi động. Từ tháng 7-2009, Đảng ủy, HĐND xã Trấn Dương đã ra nghị quyết vận động dân cho thuê đất. Ông Trần Đình Kim, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trấn Dương, cho biết những hộ nào không cho thuê đất bị coi là “thành phần chống đối”. Bản thân ông vì không chịu cho thuê ruộng nên năm 2009 từ đảng viên loại 1 bị hạ xuống loại 2. Thậm chí ông còn bị dọa kỷ luật đảng vì “có biểu hiện vận động dân không cho thuê ruộng”.

Hơn 1.000 hộ dân theo chỉ đạo của xã đã cho Công ty Sơn Trường thuê 151 ha đất canh tác thời hạn năm năm, mức giá thuê 125 kg thóc/sào/vụ. Một “nông trang liên minh” với 70 nông trang viên ra đời. Sau đó, Công ty Sơn Trường cải tạo hệ thống thủy lợi, giao cho nông trang viên hơn một nửa diện tích trồng rau màu, phần còn lại bỏ hoang. Kết quả: Vụ sản xuất đầu tiên thất bại.

Tương tự, dự án của công ty triển khai tại ba xã Vĩnh Tiến với 58 ha, Cổ Am hơn 65 ha, Tam Đa 60 ha cũng rơi vào tình trạng “chết yểu”. Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung biến thành những khu đồng hoang. Hình hài của dự án trên thực tế chỉ là những cọc tiêu bằng tre trên cánh đồng cỏ hoặc vài vườn chuối. Vụ mùa năm 2010, Công ty Sơn Trường không triển khai sản xuất mà cho các nông trang viên thuê khoán lại với mức 20 kg thóc/sào/vụ.

Hải Phòng: Lại thuê đất của nông dân rồi bỏ hoang ảnh 1

Ông Trần Đình Kim bên vùng sản xuất nông nghiệp tập trung bị bỏ hoang tại xã Trấn Dương. Ảnh: K.LINH

Đến ngày 21-7, Công ty Sơn Trường đã có công văn gửi lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo và bốn xã thông báo trả lại ruộng cho dân vì đất “không có khả năng sản xuất rau màu”. Công ty Sơn Trường còn mặc cả riêng một phần diện tích có thể trồng màu nếu dân cho thuê thì sẽ trả mức giá 50 kg thóc/sào/vụ, thấp hơn 75 kg thóc so với mức giá trước đây.

Không tính chuyện bồi thường?

Cũng như khi trả lại hơn 100 ha ruộng cho xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng trước đây, phía Công ty Sơn Trường đưa ra lý do bỏ dự án vì đất canh tác của huyện Vĩnh Bảo có thổ nhưỡng không phù hợp cho sản xuất tập trung cơ giới hóa. Thực tế, dự án thất bại vì triển khai trên hàng trăm hecta mà không hề có phương án sản xuất, không mô hình thử nghiệm cũng như không xác định loại cây phù hợp. Tuy nhiên, UBND huyện Vĩnh Bảo đã nhanh chóng chấp thuận, bỏ qua các thủ tục thẩm định cần thiết. Cụ thể, dù Công ty Sơn Trường không có dự án chi tiết được TP phê duyệt nhưng ngày 18-8-2009, UBND huyện Vĩnh Bảo đã thành lập tổ công tác chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Ông Trần Văn Tiện, Trưởng thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương, cho biết tại buổi làm việc với đại diện Công ty Sơn Trường mới đây, xã đã yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn trả mặt bằng sạch trước ngày 30-8. Nếu phía doanh nghiệp hoàn trả muộn, dân không kịp triển khai vụ chiêm xuân sẽ phải trả tiền thuê đất một vụ nữa.

Tuy nhiên, huyện vẫn chưa xem xét đến việc yêu cầu doanh nghiệp bồi thường khi phá vỡ hợp đồng mà chỉ đề nghị hỗ trợ tiền cho người dân làm đất. Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo Trịnh Khắc Tiến, doanh nghiệp hợp đồng thuê đất trực tiếp với nông dân, huyện và xã chỉ có vai trò… trọng tài!

Từng “gây họa” cho huyện Tiên Lãng

Tháng 11-2009, Công ty TNHH Sơn Trường ký hợp đồng thuê gần 106 ha đất ruộng của 812 hộ dân xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng để triển khai dự án vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Nhận đất, Công ty Sơn Trường liền phá bờ bao và hệ thống thủy lợi để biến cánh đồng thành vùng sản xuất chuyên canh “nông trang liên minh”. Kết quả là nơi này mọc lên… 4 ha rau muống và 2 ha lúa gieo sạ!

Đến ngày 10-3, Công ty Sơn Trường đột ngột công bố đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đất. Hơn 800 hộ dân khóc dở mếu dở bởi bờ bao các thửa ruộng đã bị phá bỏ, hệ thống thủy lợi bị băm nát. Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường khi ấy chỉ chấp nhận hỗ trợ tổng cộng 154 triệu đồng và còn nói: “Cái gì chúng tôi phá ra sẽ đắp trả, cái gì đắp vào lại phá ra”.

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm