Hai 'dị nhân' 17 năm sống giữa lòng hồ bảo vệ rừng

Hai 'dị nhân' 17 năm sống giữa lòng hồ bảo vệ rừng

(PL)- 17 năm sinh sống giữa lòng hồ thuỷ điện Khe Diên, ông Mai Song Hào (61 tuổi) kết thân với một người phụ nữ rồi kêu về ở cùng. Hai người chăn nuôi, đánh bắt cá qua ngày. Ông Hào cũng trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng kiểm lâm, góp phần bảo vệ các cánh rừng tự nhiên xung quanh hồ Khe Diên.
Hai 'dị nhân' 17 năm sống giữa lòng hồ bảo vệ rừng ảnh 1
Hai 'dị nhân' 17 năm sống giữa lòng hồ bảo vệ rừng ảnh 2

Nhìn từ con đường quanh bờ hồ thuỷ điện Khe Diên, một ngôi nhà nằm trên đảo, lọt thỏm giữa lòng hồ. Đây là nơi sinh sống lâu năm của ông Mai Song Hào (61 tuổi, quê Thái Nguyên).

Sau 30 phút bẻ cây, băng rừng, chúng tôi mới đến được mép bờ hồ. Có hẹn từ trước, ông Hào bơi chiếc thuyền nhôm bé xíu ra đón chúng tôi. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng ông chào chúng tôi như thể đã quen nhau lắm.

“Nhà tôi bên kia, lên ghe qua nhà nghỉ trưa”, ông mời. Vài ba câu nói đầu tiên, mọi suy nghĩ của chúng tôi về người đàn ông sống cô lập giữa núi rừng dần tan biến. Hoá ra, ông hiện đại, chẳng có chút gì giống với tưởng tượng.

Thêm 30 phút đi ghe, chúng tôi đến nhà của ông. Vừa bước chân đến, ông đi ra sau nhà nổ máy.

“Nhìn vậy thôi chứ ở đây không thiếu thứ gì đâu! Mấy chú tắm rửa chuẩn bị ăn cơm”, ông cười trong sự ngỡ ngàng của những “vị khách”.

Mùi gà kho, trứng chiên, cơm cháy thơm lừng bay ra từ gian bếp. Từ bên trong, người phụ nữ đi ra cười hiền. “Có mệt không, tôi chuẩn bị sẵn cơm rồi, mấy chú tắm rửa đi rồi ăn chứ đói”, bà này bắt chuyện.

Mặc dù vừa biết nhau, nhưng cảm nhận đầu tiên của chúng tôi ở đây thật yên bình, gần gũi. Cách tiếp khách của hai người khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Tuy là ở đây không thiếu thứ gì, nhưng cơm đãi khách hai “vợ chồng” nhất định phải là cơm nấu củi. “Mấy chú ở trong kia ăn cơm điện miết rồi, ra đây ăn cơm củi đổi gió mới ngon”, bà cười.

Năm 1977, ông Hào lên đường nhập ngũ. Trong những năm phục vụ quân ngũ, ông từng tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược nước ta ở biên giới phía Bắc, chiến đấu với kẻ thù ở đồi 690, khu vực hang Pác Bó (Cao Bằng). Năm 1982, ông xuất ngũ, về quê lập gia đình.

Cũng từ đó, ông lang bạt khắp các bãi vàng. Có lúc ông từ bỏ cuộc đời phu vàng về quê sống những ngày bình dị bên ao cá, rừng cây. Nhưng, cám dỗ một lần nữa đưa ông trở lại với kiếp phu vàng và gắn cuộc đời ở mảnh đất Quảng Nam.

“Năm 1999, đứa bạn làm vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) trúng đậm. Nó về quê gặp tôi rồi rủ vào đây làm. Khổ nổi, làm mấy năm trời không được gì. Đến lúc về quê biết được cô vợ ở quê đã phụ tình. Nên thôi, tôi quyết định dứt áo ra đi”, ông kể.

Sau biến cố ấy, ông quay lại thủ phủ vàng Phước Sơn tiếp tục cuộc tìm vàng. Có lần, ông “trúng mánh” đào được vàng ký. Thế là, ông mang tiền về quê lo toan việc gia đình. Chuyện ở quê ổn thoả, ông về Phước Sơn làm vàng tiếp rồi sa vào cuộc sống ăn chơi, nghiện ngập.

Năm 2003, túp lều bạt dựng lên ngay trên hòn đảo giữa hồ thuỷ điện Khe Diên. Cuộc sống cô đơn bắt đầu cho đến khi ông tìm được người em con cô – con cậu của mình.

“Vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ chứ huyết thống làm sao từ bỏ được hả các chú!”, ông nói rồi kể chúng tôi nghe về câu chuyện của ông và người phụ nữ đang sống cùng.

Đi qua 61 năm cuộc đời, chưa một lần ông hết trăn trở về một phần huyết thống của gia đình thất lạc ở mảnh đất Quảng Nam.

Theo lời ông kể, nhiều năm chinh chiến ở xứ vàng Phước Sơn, ông tình cờ biết bà Mai Thị Sáu – mẹ của người phụ nữ đang sống cùng ông. Bà Sáu cùng họ, cùng tên với người em của bố ông. Nhiều lần qua lại, ông cảm nhận bà Sáu chính là một phần huyết thống của gia đình.

“Bà ấy con của cô Sáu, đi làm nhà hàng dưới TP Hội An nhiều năm. Nhưng tính bà không lanh lẹ như người ta. Kiếp làm thuê, làm không giỏi chủ họ nói nặng lời. Thấy thế tôi mới nói bà về đây tôi bày cho làm ăn”, ông nói đến bà Nguyễn Mai Thị Ba (56 tuổi, quê Quảng Nam) – người em đang sống cùng.

Cũng có người nói họ là vợ chồng. Nhưng ông không dành thời gian để thanh minh mối quan hệ này, thứ ông quan tâm là niềm tin vào linh cảm.

Hoặc, trường hợp dễ xảy ra nhất, hai người không có quan hệ huyết thống. Họ “góp gạo thổi cơm chung”, nương tựa lúc tuổi già cũng là chuyện bình thường.

Từ lúc dọn về ở chung, hai em em sướng – khổ có nhau. Những công việc nặng nhọc một phần tay ông Hào lo, bà Ba thay người anh lo chuyện cơm nước, dọn nhà. Cũng từ đó, bà Ba tập tành học cách bơi ghe, thả lưới. Nhiều năm học nghề, giờ bà Ba có thể tự tay làm nhiều thứ mà trước đây bà không hề nghĩ đến. Cũng nhờ có bà, những con heo, đàn gà mua từ đất liền sinh sản, nhân giống trên đảo.

“Anh ở đây trước, tôi mới về đây được mấy năm. Lúc mới về tôi làm gì biết bơi, thả lưới. Anh bày hết, giờ tôi tự đi thả lưới, bắt cá được rồi. Ở đây thoải mái, không cực như làm nhà hàng lúc trước”, bà Ba cười nói.

Hai 'dị nhân' 17 năm sống giữa lòng hồ bảo vệ rừng ảnh 9
Với bà Ba, có một công việc không quá ổn định nhưng thu nhập đủ sống ở phố, từ bỏ để đến nơi hoang vắng, u buồn sinh sống không phải quyết định dễ dàng. Nhưng, bà đã làm được và càng ngày càng thêm yêu nơi này.

“Cuộc sống đôi khi chỉ cần có vậy, cảm thấy vui là đủ!”, bà Ba bộc bạch.

15 năm trước, thuỷ điện bắt đầu tích nước. Nguồn thuỷ sản lúc ấy chưa nhiều. Ông Hào là người “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kêu gọi gom tiền mua cá giống thả xuống hồ. Nhiều năm liên tục, nguồn thuỷ sản dồi dào, giải quyết việc làm cho kha khá người dân địa phương.

Cũng trong thời gian đó, ông mày mò nghiên cứu cách bắt cá chình (loài cá có giá trị kinh tế cao). Qua nhiều năm chinh phục, giờ ông quá hiểu đặc tính của loài cá này, nhờ đó mà cuộc sống thêm phần khấm khá, có tiền dựng nhà. Lúc nhiều nhất, ông câu được gần 50 kg bán lấy tiền sắm sửa nhiều thứ.

“Nhiều người thắc mắc lý do tôi người Bắc nhưng câu được cá chình còn người Quảng Nam lại không câu được. Bởi vì tôi chịu mày mò, nghiên cứu. Loài này cực kỳ khó, không phải cứ câu là dính ngay. Có cái nghề này, hai anh em tôi ‘sống khoẻ’ ở đây”, ông nói.

Vài năm trở lại đây, thời tiết nắng nóng cùng với việc người dân châm điện bắt cá khiến nghề câu cá chình không đạt như những năm đầu đến ở. Ông Hào ít đi câu dần, tập trung thả lưới, chăn nuôi. Công việc không mang lại thu nhập cao nhưng đủ để ông trang trải qua ngày. “Thế thôi. Hôm nào câu được cá thì dư ra để dành. Như vậy đủ rồi!”, ông lạc quan nói.

Ở tuổi 61, bí kíp nghề câu ông không giữ cho riêng mình. Với những trường hợp khó khăn cần sự giúp đỡ, ông sẵn sàng. Đơn cử, một trường hợp được ông đào tạo đang làm nghề câu cá chình ở huyện Nam Giang.

13 năm trước, ở hồ Khe Diên xảy một vụ phá rừng quy mô gây rúng động dư luận Quảng Nam. Sau vụ việc, nhiều quan chức bị khởi tố. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, tình trạng phá rừng ở Quảng Nam những năm gần đây giảm đáng kể nhưng chưa triệt để.

Tại hồ Khe Diên, ngôi nhà của ông Hào nằm ngay khu vực trung tâm, cửa ngõ ra vào các khu rừng đầu nguồn. Do đó, vai trò của ông trong việc tham gia bảo vệ rừng hết sức quan trọng. Mọi nhất cử, nhất động của “lâm tặc” khó lòng qua mặt ông.

Ngoài ra, với địa thế hợp lý, nhiều lần ngôi nhà của ông được chọn là nơi tổ chức các cuộc họp lên kế hoạch mật phục, truy quét “lâm tặc” của cán bộ kiểm lâm Nông Sơn và Ban quản lý Khu bảo tồn loài và Sinh cảnh Voi (huyện Nông Sơn).

Bằng kinh nghiệm sống ở đây nhiều năm, nắm kỹ địa hình lòng hồ cùng với bản chất của một người lính quân đội, ông Hào được các cán bộ kiểm lâm tin tưởng. BQL Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi giao ông nhiệm vụ lái ghe đưa các đoàn đi kiểm tra, bảo vệ rừng. Thậm chí, ông là người “thầu” việc sửa chữa máy nổ trên ghe mỗi khi gặp sự cố.

“Nhiều năm đánh bắt các ở lòng hồ thuỷ điện, chú Hào đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lâm, thuỷ sản. Nhờ chú, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn, xử lý, bảo vệ các cánh rừng tự nhiên thêm hiệu quả”, một cán bộ kiểm lâm huyện Nông Sơn nói.

Đọc thêm