Hà Nội lập chốt chặn, dừng thêm một số dịch vụ từ ngày 13-7

Chiều 12-7, Hà Nội ra công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

Công điện nêu rõ, diễn biến dịch COVID-19 nhanh và phức tạp hơn, biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn có mật độ dân cư tập trung, số lượng các nhà máy, cơ sở sản xuất, hoạt động kinh doanh lớn như tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong những ngày gần đây, Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân và cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn chưa thực hiện nghiêm: Vẫn còn tình trạng người dân đi tập thể dục tại các khu vực công cộng; tụ tập đông người tại địa điểm công cộng, các quán cà phê, tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống trong nhà không đảm bảo đầy đủ quy định phòng chống dịch... kèm theo nguy cơ lây lan khi người dân từ các tỉnh, thành phố khác trong đó có nhiều địa phương đang là vùng dịch quay trở về Thủ đô.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu tại Hà Nội sẽ phải đóng cửa trở lại từ 0 giờ ngày 13-7 sau khoảng nửa tháng được mở cửa để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, công điện yêu cầu từ 0h ngày 13-7, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế): Lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12-3-2020 của Bộ Y tế; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

Đồng thời, từ 0h ngày 13-7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Công điện cũng yêu cầu kiểm soát toàn bộ người dân từ các tỉnh, TP trở về Hà Nội. Trong đó, yêu cầu người dân từ TP.HCM hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ, trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, phải có giấy xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại TP; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại TP.

Giao Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào TP và tại Cụm cảng hàng không miền Bắc: Kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào TP tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP, đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.

UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tần suất các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở; qua công tác giám sát của Tổ COVID cộng đồng và sự giám sát, phát hiện, phản ánh của người dân tại địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật các tổ chức, cá nhân khai báo không kịp thời, không trung thực để xảy ra hậu quả lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, công điện cũng nhấn mạnh, lần này TP sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm