Gượng dậy từ miền ‘đất trắng’ đón xuân

“Bão trắng” qua bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã khiến hàng chục người chết vì ma túy, HIV. Nỗi đau chưa dừng lại khi trận lũ lịch sử cuối tháng 8 đầu tháng 9-2018 đã xóa xổ gần như hoàn toàn khu bản này. Lũ dữ đã khiến 34 nhà dân bị sập hoàn toàn, 47 gia đình bị cuốn trôi tài sản, chỉ còn lại 10 căn nhà nguyên vẹn.

“Bão trắng” đi trước, lũ lớn theo sau

Ngồi giữa những ngôi nhà đổ nát bị vùi lấp, cách đó không xa là ruộng nương bị lũ tàn phá gần như không còn khả năng sản xuất, trưởng bản Poọng, ông Lò Quốc Tính kể lại quãng thời gian khó khăn vừa qua.

“Cả bản đã có khoảng 30 người chết vì HIV/AIDS. Từ trước đó rất lâu, vì bản nghèo nên trai bản tứ tán bốn phương, họ muốn đi đào vàng để đổi đời. Nào ngờ khi trở về giấc mơ không thành mà còn mang theo mầm mống của căn bệnh quái ác AIDS cùng những tệ nạn ma túy, mại dâm… Phụ nữ không dám lấy chồng vì sợ HIV lây lan, sợ cho lũ trẻ sinh ra không có cha mẹ. Khoảng hai năm trở lại đây, số người chết vì ma túy và AIDS đã giảm hẳn, cuộc sống hồi sinh từng ngày rồi. Từ 100% hộ nghèo đến nay chỉ còn khoảng 59%. Nào ngờ “bão trắng” chưa tan thì lũ lịch sử lại tới” - ông Tính đau xót nói.

Trong trận lũ xảy ra trưa 30-8-2018, cả bản có 89 hộ dân. Nếu không nhờ chủ động phân công người gác, cứu hộ thì chắc chắn đã có nhiều trẻ em, người già phải thiệt mạng. Khi phát hiện lũ kéo về qua những âm thanh rợn người từ đỉnh núi, mọi người hô hoán, bồng bế con trẻ, cõng người già tháo chạy. “Chỉ khoảng một phút sau, lũ đã đổ xuống vùi lấp, cuốn trôi nhiều ngôi nhà. Tài sản gầy dựng bao lâu tiêu tan phút chốc” - ông Tính nhớ lại.

Ký ức kinh hoàng về cuộc tháo chạy khỏi tử thần đến nay vẫn ám ảnh người dân trong bản. Lúc lũ mới đi qua, nhiều người còn không dám quay lại bản vì quá sợ hãi.

Những ngôi nhà mới đang được người dân tự tay dựng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Thắp lên hy vọng từ nhiều nguồn lực

Sau lũ khoảng một tuần, một cuộc khảo sát tìm nơi ở mới cho 63 hộ dân bị mất nhà cửa nhanh chóng được triển khai. Thế nhưng giữa núi rừng trùng điệp, việc tìm ra một nơi trú thân an toàn, phù hợp không hề đơn giản. Với đặc tính vùng đất có độ dốc cao này, mối nguy lũ quét vẫn còn đó.

Cuối cùng, dù sườn núi có cao lòng người vẫn san phẳng được vì khát vọng an cư. Theo chia sẻ của ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, họ đã tìm thấy khu đất tái định cư rộng 3 ha cách bản cũ tầm 1 km. Ở đây, mỗi hộ dân sẽ được cấp khoảng 100 m2 và toàn bộ khu vực này sẽ được đầu tư hạ tầng đầy đủ theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Đến bản người Thái khi Tết nguyên đán cổ truyền đã gần kề, nơi đây vang lên những tiếng đục đẽo, tiếng cưa xẻ từ những ngôi nhà đang được dựng lên, tiếng cười đùa vui vẻ, gọi nhau í ới vang vọng cả núi rừng.

Anh Vi Văn Thuận, một người dân tươi cười nói: “Nhà mình làm sắp xong rồi. Mình từng nói với cán bộ chỉ cần Nhà nước giúp cho dân có nơi ở mới thì sẽ không dựa vào sự hỗ trợ nữa mà sẽ đi làm. Sau Tết nhất định là mình sẽ đi tìm việc làm vì muốn có cuộc sống tốt hơn trước đây”.

Cũng như anh Thuận, chị Hà Thị Nga sau khi cả nhà vợ chồng, con cái thoát chết khỏi lũ cũng hướng tới một tương lai khác. “Nhà cửa, ruộng lúa đã không còn. May mắn được chính quyền, nhà hảo tâm hỗ trợ mái nhà mới, ăn Tết xong chúng tôi sẽ đi tìm việc làm. Mong là trên mảnh đất mới chúng tôi sẽ sống tốt hơn” - chị Nga bày tỏ.

Theo ông Cao Văn Cường, Chủ tịch huyện Mường Lát, sau lũ tỉnh đã hỗ trợ mỗi hộ dân bị mất nhà 75 triệu đồng, huyện cũng hỗ trợ 811 triệu đồng từ vốn ngân sách. “Bản Poọng đang hồi sinh từng ngày. Có được điều đó là nhờ vào sự hỗ trợ của địa phương, các nhà hảo tâm và chính ý chí, khát vọng đổi thay của mỗi người dân nơi đây” - ông Cường tin tưởng.

Trên mảnh đất từng gánh chịu nhiều vết thương đến thế, nay đang mọc lên hàng chục căn nhà san sát, tựa vào nhau đứng vững như lời khẳng định của dân bản: “Sẽ vươn lên làm giàu, xóa bỏ hết ký ức nghèo nàn, lạc hậu và mất mát trước đây!”.

Tri ân những tấm lòng chia sẻ

Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết sau lũ huyện thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng, 139 căn nhà bị sập hoàn toàn, 541 hộ phải di dời, hàng chục điểm trường bị hư hại, giao thông tê liệt.

“Nhờ tấm lòng chia sẻ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã cứu trợ nhu yếu phẩm, tiền bạc giúp đồng bào vùng biên sớm ổn định cuộc sống. Người dân Mường Lát nói chung và những người dân bị thiệt hại ở bản Poọng, Na Chừa, bản Qua… luôn ghi nhớ, tri ân những tấm lòng chia sẻ để Mường Lát gượng dậy, đứng lên sau thảm họa” - ông Thông gửi gắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm