Giúp quãng đường đến trường của các em ngắn lại

Nguyễn Hoàng Phi Long lóc cóc cõng chiếc cặp sách ra khỏi căn nhà lợp fibro xi măng lụp xụp, quay quắt trong gió Lào nắng hạn. Người bà bị tai biến nằm trong nhà, vẫy vẫy tay về phía cháu, ra hiệu đi đường cẩn thận.

Chỉ dám giấu mơ ước vào trong

Cái nắng tháng Bảy ở đất muối Ninh Hải, Ninh Thuận lên sớm. Chiếc bóng của thằng bé 6 tuổi đầu lúc nào cũng ngoẹo về phải, liêu xiêu in trên con đường làng. Giữa nhiều cái tên, Phi Long còn được nhắc đến là “cậu bé kỳ diệu”, “cậu bé của nụ hôn vĩnh biệt”.

Cuối năm 2013, Phi Long cùng em gái Phi Phụng là cặp song sinh dính liền được phẫu thuật khi mới được 2 tháng tuổi. Nhưng số phận chỉ để Long ở lại với mẹ cha. Sau này gia đình có thêm hai con gái, không nghề, không vốn, không tấc đất cắm dùi, cả nhà năm người hết dắt díu nhau hơn trăm cây số lên Đức Trọng, Lâm Đồng làm mướn ở vườn rau, lại ly tán mỗi người một ngả tìm sinh kế, nay đây mai đó.

Em út chưa đầy tuổi theo mẹ ở lại Lâm Đồng, em gái 3 tuổi về Ninh Hải ở cùng bà ngoại. Còn Long chung nhà với bà nội, cách đó 3 km, cha em đi quanh huyện, ai thuê gì làm đó. Cậu bé 6 tuổi quen với việc ngày ngày lầm lũi đi bộ đến trường dù nắng hay mưa.

Cách nhà Long khoảng 8 km, cô bé 13 tuổi Lê Thị Tuyết Trâm cũng tuổi quàng khăn đỏ, ôm cặp sách đến trường. Cha mẹ Trâm đều mất nhiều năm trước vì tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Cô gái nhỏ lớn lên trong vòng tay bà nội, chưa một lần biết đến việc được cha mẹ đưa đi học.

Quãng đường 3 km từ nhà tới trường, Trâm bước đã quen. Nhưng chỉ cần nghe tiếng leng keng chuông xe đạp phía sau mình phóng vụt lên, em lại lặng lẽ ngước lên nhìn theo thật lâu. Cô trò ngoan thương bà nghèo, chỉ dám giấu mơ ước trong lòng, chẳng bao giờ nói cho bà biết.

Ninh Hải là đất nuôi tôm, đất của những diêm dân đổ mồ hồi mặn trên đồng để làm ra hạt muối. Nhưng vài năm nay khô hạn, nghề nuôi tôm gặp khó, giá muối rớt còn một nửa. Với học trò nghèo nhiều nơi như Ninh Hải, chiếc xe đạp vẫn còn là một ước mơ xa xỉ.

100 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo

“Tụi nhỏ cuốc bộ hàng cây số tới trường. Đứa nào khá hơn thì lóc cóc cái xe cọc cạch hoen gỉ”, ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc chi nhánh Khánh Hòa (thuộc Vietlott) day dứt kể lại sau mỗi lần đi thực tế tại các địa phương vùng khó khăn.

Viết tiếp truyền thống thiện nguyện, “đội quân áo đỏ” Vietlott biết rằng đã đến lúc mình cần bắt tay vào hành động.

Giữa tháng 7 vừa qua, 30 lá thư được tỉnh Đoàn Ninh Thuận và Hội đồng đội huyện Ninh Hải gửi tới 30 em học sinh, chuẩn bị cho một sự kiện đặc biệt. Chiều 24-7, các em trong màu áo trắng đồng phục còn nguyên sắc đỏ khăn quàng trên vai, háo hức cùng nhau có mặt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh để nhận quà  từ “đội quân áo đỏ”.

Ba mươi chiếc xe đạp, trị giá mỗi chiếc 1,5 triệu đồng đã được trao cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như “cậu bé kỳ diệu” Phi Long và cả cô bé mồ côi Tuyết Trâm. Với tâm niệm, giúp quãng đường đến trường của các em ngắn lại, Vietlott hy vọng được trở thành một phần trên hành trình chinh phục tương lai và mơ ước của các em.

Nhưng đây không phải lần đầu tiên Vietlott "mang trường học về gần”. Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, 100 chiếc xe đạp đã được đội quân áo đỏ trao tặng cho các học sinh tại vùng sâu vùng xa của ba tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk và Khánh Hòa.

Vietlott trao tặng học bổng và xe đạp cho học sinh nghèo tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk và Khánh Hòa.

Nhận lại “sứ mệnh” từ những khách hàng trúng giải may mắn trong tháng 3 và tháng 8 năm nay, Vietlott chi nhánh Khánh Hòa đã kết nối người trúng thưởng các sản phẩm xổ số tự chọn ủng hộ 800 triệu đồng cho quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Mặt trận Tổ quốc, trao 1.000 suất quà cho người nghèo bị ảnh hưởng trong dịch, xây nhà đền ơn đáp nghĩa cho thương binh và nhiều khẩu trang, nước sát trùng, vật tư y tế cho các địa phương khó khăn tại miền Trung.

“Cháu thử đi luôn có được không?”, một cậu học sinh bẽn lẽn ngỏ lời sau buổi trao xe tại Khánh Hòa hồi đầu tháng 7. “Tất nhiên rồi, giờ nó là của cháu mà”, một nam tình nguyện viên Vietlott giúp cậu bé dắt chiếc xe đạp mới xuống dưới sân khấu. Cậu học trò nhỏ háo hức đạp thử vài vòng, trước khi đạp xe về nhà còn đỗ lại, quay ra cười tươi, vẫy tay “Cháu chào cô chú nhé! Cháu cảm ơn cô chú nhé!”.

Niềm hạnh phúc giản đơn của em và của cả những học sinh nghèo như Long, như Trâm giúp “đội quân áo đỏ” biết rằng, sứ mệnh thiện nguyện của mình với cộng đồng là dòng sông lặng lẽ nhưng sẽ còn chảy mãi không ngừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm