Xem người xưa nghiêm trị tội nâng điểm cho người thân

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Ông Triệu Tài Vinh bị xem xét kỷ luật vì phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu với những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, đồng thời có người thân nhờ nâng điểm cho thí sinh trái quy định. Ảnh: PV

Từ việc nay bàn về người xưa khi xét xử tệ nạn thi cử đã rất nghiêm. Như việc Ngô Sách Tuân giúp con Tể tướng Lê Hy đỗ mà bị khép tội giảo (thắt cổ chết), Phó đô ngự sử Ngô Hải bị bãi chức; các quan phúc khảo, giám khảo đều bị phạt.

Từ dạo nhà Lý mở mang khoa cử, việc chọn nhân tài giúp nước qua đường bút nghiên trở thành phương cách chủ đạo của các triều đại. Nhưng kèm đó cũng có những tệ nạn thi cử những mong được ghi danh bảng vàng. Và để ngăn chặn, luật nước đã quy định, như thời Hậu Lê (1428-1789).

Sự nghiêm khắc của Quốc triều hình luật

Thi Hương thời xưa. (Ảnh Tư liệu)

Khi vua Lê Thánh Tông ở ngôi, Quốc triều hình luật được ban hành để việc răn cấm, xét xử được công bằng. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, luật cũng có những điều đề cập cụ thể.

Xem Chương Vi chế (làm trái pháp luật), Điều 2 có luật hồi tỵ với chủ khảo nêu rõ quan chủ khảo chấm thi trong kỳ thi ấy mà có người nhà dự thi, phải hồi tỵ không làm chức ấy để tránh hiềm nghi.

Nếu từ chối phạt 50 roi, biếm một tư. Quan di phong (dán bài), quan đằng lục (chép lại bài thi để khảo quan không biết được chữ thí sinh) thì phạt 80 trượng. Khảo quan khác biết mà giấu cũng bị tội.

Gian lận bị đuổi khỏi trường thi. (Ảnh Tư liệu)

Còn với thí sinh? Người thi nhờ làm bài hộ hay người làm hộ bài, giấu sách vở đem vào trường thi bị phạt 80 trượng (Điều 3); quan giám sát thi hương, thi hội dung túng hay biết thí sinh đem sách vở vào trường thi mà dung túng phạt 60 trượng (Điều 4).

Như vậy luật nhà Hậu Lê đã có những biện pháp ngăn ngừa, xử phạt đối với kẻ đại diện nhà nước làm chức trách chọn nhân tài mà sai luật nước. Còn kẻ đi thi mắc tội cũng bị nghiêm phạt, thậm chí có kẻ bị cấm thi suốt đời. Chẳng nói đâu xa, ngay trong thời ấy đã có những trường hợp bị nghiêm trị.

Kẻ bị án tử, người về làm dân

Xem trong Đại Việt sử ký tục biên (1), ta biết năm Bính Tý (1696) Ngô Sách Tuân khi làm Giám thị trường thi Thanh Hóa, đến yết kiến Tham tụng Lê Hy vốn quê đất này. Lê Hy nói cho Tuân hay quyển thi con mình đều dùng giấy Thanh Hóa. Sau quyển thi con Hy không trúng, “Sách Tuân tự nghĩ mình trước đây có hiềm khích với Lê Hy, muốn nhân dịp này giả ơn để dẹp nỗi oán giận cũ, bèn đưa riêng (quyển thi của con Hy) cho khảo quan phê lại, lấy trúng cách”.

Việc ấy Đề điệu Ngô Hải biết nhưng thề giấu kín. Sau Tham chính Thanh Hóa Phan Tự Cường phát giác, Sách Tuân bị khép tội giảo (thắt cổ chết), Phó đô ngự sử Ngô Hải bị bãi chức; các quan phúc khảo, giám khảo đều bị phạt.

Riêng Lê Hy làm trọng thần không bị xử tội nhưng dân gian thời đó chê ông là “Tể tướng Lê Hy, thiên hạ sầu bi”. Danh vọng cao ngất nhưng tòa án công luận nào dễ rửa cho sạch.

Lê triều hình luật (Quốc triều hình luật).

Dạo Lê Trung hưng xảy ra cái tệ con em nhà thế gia giàu có đến kỳ thi khảo hạch thường cầu cạnh quan huyện lấy trúng. Tỉ như năm Tân Mùi (1751), Tục biên cho biết khi phúc khảo các cống sĩ thi đỗ ở lầu Ngũ Long, triều đình đã “đánh hỏng hơn 200 người, phạt các quan chấm trường có khác nhau. Quan chấm trường vì hình tích (gian lận) bị bắt tra xét rất nhiều”.

Rồi khoa thi hương năm Mậu Tý (1768), trường thi Nghệ An có Nguyễn Cơ học kém mà đỗ cống sĩ. Đến khi bị tố cáo, chúa Trịnh “cho Cơ thi riêng ra, quả nhiên Cơ để quyển trắng không viết được chữ nào”. Chiếu luật nước các quan Dương Sử, Nguyễn Duy Thức liên đới đều bị biếm chức.

Mà nào đã hết, Việt án lần theo trang sử cũ (Trần Đình Ba) ghi lại vụ án thi cử liên quan đến cha con Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Theo đó, năm Ất Mùi (1775) thi hương. Giám sinh Đinh Thì Trung đổi quyển làm văn cho Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn).

Việc bị lộ, Lê quý dật sử (2) cho hay Thì Trung phải tội đi đày nơi xa, Quý Kiệt bị bắt làm đinh tráng. Sau này thời nhà Nguyễn, Kiệt vẫn còn bị chê trách về tội xưa. Riêng Bảng Đôn tài giỏi hơn người dù được chúa không trách phạt, nhưng dân thì nào quên tì vết của ông.

Phạt roi kẻ có tội. (Ảnh Tư liệu)

Ấy là những việc thời xưa. Còn nay ông nghị có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm trước, cũng đang được dư luận quan tâm xem bị kỷ luật ra sao.

***

1. Đại Việt sử ký tục biên viết lịch sử nước nhà mà chủ yếu về Đàng ngoài thời gian 1676-1789. Đây là bộ sử quan trọng về thời Lê Trung hưng.

2. Lê quý dật sử chép các sự kiện lịch sử lối biên niên với mốc từ năm Mậu Dần (1758) đến năm Quý Sửu (1793). Sách do Bùi Dương Lịch, tác giả sách Nghệ An ký viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm