Vì sao hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp?

Đặc biệt, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho hay ở đất học này hiện có tới 4.000 cử nhân đang thất nghiệp hoàn toàn. Số còn lại có khá nhiều người làm nghề tay trái hoặc việc làm không ổn định. Vậy vì sao lại nên nỗi này?

Nguyên do trước hết xuất phát từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của ngành giáo dục và đào tạo dẫn đến hiện tượng các trường đại học đào tạo tràn lan, đại trà trong khi cái lõi chất lượng đào tạo lại ít được quan tâm đúng mức. Có ý kiến cho rằng có những nơi biến trường đại học thành trường phổ thông cấp bốn là điều thật đáng suy nghĩ. Đào tạo đại trà như vậy nên nhiều người học xong đại học bị thất nghiệp, học tiếp thạc sĩ cũng thất nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Nguyên do thứ hai là không ít nơi nhà trường dạy những thứ mà nền kinh tế thị trường không cần. Trong khi nền kinh tế thị trường đang cần những con người năng động, bắt kịp xu hướng tiến bộ của toàn cầu thì chương trình đào tạo của một số trường tỏ ra khá bảo thủ. Sau khi thu học phí và đào tạo xong, họ “vứt” sinh viên ra đường, không cần quan tâm những sản phẩm của mình có được xã hội sử dụng hay không và cũng không cần điều chỉnh chương trình để theo kịp thời đại.

Điều cần nhất hiện nay là người có̀ng cửnhân phải làm được việc. Trong khi đó, phần đông nhận thức của phụ huynh lẫn người học là phấn đấu học đại học để làm thầy. Có một thời người ta không mặn mà với nghề cơ khí, xây dựng cầu đường vì nghĩ rằng nó chỉ là… thợ. Rồi xu hướng chọn đại học, không muốn học trung cấp cũng xuất phát từ tư duy học để làm thầy chứ không phải học làm thợ. Trong một xã hội mà thầy nhiều quá thì dĩ nhiên nhiều thầy phải thất nghiệp. Một thạc sĩ không muốn đi làm gia sư, một bác sĩ không muốn về công tác ở trạm y tế xã… Lối sĩ diện ấy cũng góp phần làm gia tăng nạn thất nghiệp.

Ngày nay, khi phong trào học tập lên cao, người ta đua nhau phấn đấu nuôi “gà nòi” để đậu đại học. Các nhà đua nhau, các họ đua nhau, các làng cũng đua nhau học cao chỉ để khoe tiếng gáy. Học sinh bị cha mẹ ép học đến mức khờ khạo, thiếu kỹ năng sống. Khi học xong ra trường, nhiều sinh viên ngơ ngác như đứng trước ngã tư xe cộ tấp nập mà không biết làm thế nào để băng qua đường.

Thực tiễn đang đòi hỏi rất cấp bách phía đào tạo lẫn người học phải thay đổi tư duy, nếu không con số thất nghiệp sẽ còn nối dài nữa. Đào tạo và học là để làm được việc, để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, của sự phát triển chứ không phải vì những dòng chữ “im lặng” trên một tấm bằng.

Đồng thời, các nhà quản lý phải giảm bớt “nói” để dành thời gian cho “làm”, tạo ra nhiều công ty, xí nghiệp giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Tất nhiên, để biến “tư duy làng xã cổ truyền” thành “tư duy công nghiệp hiện đại” là rất khó, phải tốn nhiều thời gian nhưng không thể không thực hiện ngay từ bây giờ.

TS PHẠM NGỌC HIỀN (GV khoa Xã hội Trường ĐH Sài Gòn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm