Vẫn bế tắc chuyện quản lý game online

Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường đã và đang có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động của các trò chơi trực tuyến bạo lực, thiếu lành mạnh. Vì vậy, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường phải bắt đầu từ việc phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực đối với học sinh-sinh viên. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tại hội thảo về “Công tác phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến bạo lực” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 18-12 tại TP.HCM.

Càng cấm càng chơi

Theo thống kê của Công ty Vinagame, năm 2007 có khoảng 4 triệu người chơi game thường xuyên, mà khách hàng chủ yếu là giới trẻ (12-25 tuổi). Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục dự đoán, con số này sẽ còn tăng lên gấp 10 lần trong những năm tới. Các giải pháp cấm mở tiệm Internet gần trường học, quy định giờ đóng cửa tiệm Internet nhằm ngăn chặn học sinh chơi game online bạo lực do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra hầu như bị “vô hiệu hóa” hoàn toàn.

Vẫn bế tắc chuyện quản lý game online ảnh 1

Phải có sự phân loại game online theo lứa tuổi để giúp học sinh có được sự lựa chọn đúng và ngăn chặn những tác hại xấu từ các game bạo lực. Ảnh: HTD

Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Việc quản lý hiện nay rất khó khăn, phức tạp. Chính phủ yêu cầu tháng 10 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông phải đưa ra danh mục game nào được chơi, game nào được khai thác, game nào không được khai thác nhưng đến nay vẫn chưa công bố được. Bộ cũng có dự thảo là chỉ được hoạt động từ 6 giờ đến 22 giờ, rồi tiệm Internet phải cách cổng trường 200 m… Theo tôi, cách cổng trường chẳng qua là làm sạch đẹp cổng trường thôi, vả lại các tiệm ở cổng trường học sinh chơi không nhiều. Trong khi đó ở Campuchia quy định tiệm game phải cách trường học 1 km”.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều với mật độ cao xung quanh các trường học. Thống kê của 24 quận, huyện cho biết có 1.538 điểm Internet ở gần trường học trong tổng số 3.920 điểm Internet toàn TP. Chưa kể hiện nay ở nhiều gia đình khá giả, các em có điều kiện chơi game online ngay trong gia đình mà cha mẹ không hề có sự giám sát.

Ông Nguyễn Đình Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, kể: “Một học sinh giỏi của trường lý luận với tôi rằng: Mỗi người có một sở thích riêng. Em có sở thích chơi game, rất thích game và dành thời gian để chơi game. Các bạn khác thích đánh bóng chuyền, dành nhiều thời gian chơi bóng chuyền thì chơi game có gì sai. Nhà trường chỉ có thể cấm các em chơi game online trong trường nhưng hiện nay đa số các em chơi game online ở các tụ điểm Internet gần trường, thậm chí tại nhà thì làm sao nhà trường quản hết”. Còn bà Nguyễn Minh Bạch Lan, trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nói: “Tâm lý học sinh là cái gì càng cấm thì các em lại càng tò mò, muốn khám phá”.

Chỉ nên quản, không nên cấm

88% là tỉ lệ học sinh THPT tại TP.HCM chơi game online, lứa tuổi này ở Hà Nội là 76,6%. Ở lứa tuổi tiểu học, tại TP.HCM tỉ lệ này là 70% và Hà Nội là 76%.

Thống kê của Bộ GD&ĐT

Ông Nguyễn Đình Thịnh chia sẻ: “Theo tôi, công tác phòng chống tác hại của game online bạo lực hiện nay cần có cơ chế phối hợp giữa nhà trường-gia đình, giữa nhà trường-địa phương và giữa Sở GD&ĐT với các cơ quan, ban ngành khác. Điều quan trọng nhất ở đây là vai trò của phụ huynh, vì chỉ có phụ huynh mới kiểm soát được con em mình chơi game tại nhà”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, cho biết không thể nào cấm học sinh chơi game online mà chỉ có thể quản thôi. Các bậc phụ huynh nên giới hạn thời gian chơi của con, cho con thời khóa biểu chơi hợp lý và giúp con nhận thức tác hại của trò chơi mang tính bạo lực, khuyến khích con chơi các trò chơi kích thích sáng tạo. Bà Nguyễn Minh Bạch Lan cũng cho rằng: “Bất cứ vấn đề nào cũng mang tính hai mặt, game online cũng vậy. Nhiều game online có thể giúp học sinh rèn luyện tính tư duy logic, sự nhanh nhạy… Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó. Phải có sự phân loại game online theo lứa tuổi, có biện pháp khống chế lứa tuổi đối với từng loại game để giúp học sinh có được sự lựa chọn đúng và ngăn chặn những tác hại xấu từ các game bạo lực”.

Bàn về công tác giáo dục ý thức cho học sinh về tác hại của game online mang tính bạo lực, ông Nguyễn Việt Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh, nói: “Ngành giáo dục cần phải tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục lồng ghép, tích hợp qua nhiều môn học, không nên đùn đẩy hết cho môn giáo dục công dân, do hiện môn này đang phải gánh khá nhiều nhiệm vụ của ngành giáo dục như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm… Với thời lượng quá ít ỏi và chương trình khô khan như hiện nay, e rằng môn giáo dục công dân khó lòng đảm nhận được nhiều sứ mạng quan trọng mà ngành giáo dục giao phó”.

Từ 1-1-2011, TP.HCM quản lý người chơi game online

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã kiểm tra việc chấp hành quy định về giới hạn độ tuổi người chơi. Trên trang chủ các trò chơi trực tuyến hiện nay thường xuyên chạy dòng chữ cảnh báo về độ tuổi người chơi để nhắc nhở các đối tượng tham gia. Hiện nay, các đại lý chỉ có thể cung cấp 14/24 giờ hằng ngày vào ban ngày, giảm thời gian chơi của trẻ em, đặc biệt vào ban đêm. Ngoài ra, Sở có yêu cầu các doanh nghiệp phải triển khai biện pháp quản lý người chơi. Đối với những trò mang tính bạo lực thì chỉ những người 18 tuổi trở lên mới được chơi nhưng phải kiểm soát bằng việc đăng ký tài khoản hoặc nạp tiền bằng thẻ ngân hàng. Từ 1-1-2011, Sở bắt đầu triển khai thí điểm, sau đó sẽ triển khai đại trà.

Ông TRẦN VĨNH SA, Phó Trưởng phòng Thông tin điện tử
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm