Ưu tiên chọn SGK phù hợp với TP.HCM

Sáng 29-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (giáo dục phổ thông 2018) cấp tiểu học. Tại hội nghị, vấn đề chọn lựa sách giáo khoa (SGK) như thế nào được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến.

SGK lớp 1 do các trường lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, nêu băn khoăn: Bộ GD&ĐT đã công bố 32 đầu SGK lớp 1 để các địa phương lựa chọn đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. “Chúng tôi mong muốn UBND TP cũng như Sở GD&ĐT nhanh chóng công bố chọn bộ SGK nào sử dụng tại địa bàn thành phố để giúp giáo viên cũng như phụ huynh kịp thời tìm hiểu, nắm bắt được nội dung SGK để chuẩn bị triển khai trong năm học tới” - bà Hường nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay Luật Giáo dục (sửa đổi) cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chọn SGK sử dụng ổn định cho địa phương nhưng đến 1-7-2020 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, việc lựa chọn SGK cho năm học mới phải thực hiện trước tháng 3 -2020 để kịp cho công tác tập huấn. Vì thế, trong thời gian này, ngành giáo dục sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK. Nghĩa là hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 của trường mình.

Theo ông Hiếu, tất cả SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên và theo hướng dẫn về việc chọn lựa SGK.

Năm bộ SGK được thẩm định bộ nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn sách là quyền của đơn vị trường học. Sở GD&ĐT định hướng, các bộ SGK do Bộ GD&ĐT thẩm định, các trường phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách để tham mưu với hiệu trưởng trong việc lựa chọn sách. Từ đó mới quyết định chọn bộ sách nào trong năm bộ sách mà bộ đã công bố.

“Tôi cho rằng các bộ sách đã được thẩm định đều hay, tuy nhiên việc lựa chọn cho phù hợp và thuận lợi với điều kiện của TP thì các trường sẽ đưa ra quyết định” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu xem bộ sách “Chân trời sáng tạo” được trưng bày tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

TP.HCM có bộ sách “Chân trời sáng tạo”

32 cuốn SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đợt này thuộc năm bộ SGK của ba nhà xuất bản, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam có bốn bộ gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Riêng bộ sách “Chân trời sáng tạo” do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn.

Theo ông Hiếu, bộ sách “Chân trời sáng tạo” là nỗ lực của TP với sự tham gia của tổng chủ biên, chủ biên là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của các trường ĐH để có tầm nhìn xuyên suốt chương trình phổ thông và thực hiện đầy đủ chương trình tổng thể theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.

Nguồn: Bộ GD&ĐT 

Liên quan đến việc chọn lựa sách, ông Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp, nêu quan điểm: “Một bộ SGK dùng chung cho toàn quốc không hợp lý vì tính chất vùng miền, phương pháp học, phương ngữ của mỗi nơi khác nhau, do đó tôi ủng hộ việc sử dụng SGK do TP biên soạn. Nếu được lựa chọn sách, tôi sẽ chọn bộ sách do TP.HCM biên soạn”.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 cho hay hiện bản thân vẫn chưa có cơ hội nghiên cứu kỹ năm bộ sách đã được phê duyệt để có sự so sánh nhưng thực tế học sinh và giáo viên TP.HCM rất năng động trong quá trình học.

“Bên cạnh đó, những phương pháp dạy học mới đã được TP áp dụng từ lâu. Cho nên tôi sẽ lựa chọn bộ sách nào đáp ứng được yêu cầu phát triển của học sinh cũng như khơi gợi sự sáng tạo của giáo viên; mang tính chất đặc trưng của thành phố, phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở” - vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh không theo SGK

Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một sách khác nhau, ông Hiếu khẳng định: “Các trường không kiểm tra kiến thức nội dung theo SGK mà đánh giá theo năng lực của học sinh. Ngay như bài khảo sát lớp 3 mà TP.HCM đang thực hiện, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức cụ thể trong SGK mà học sinh phải học xong kiến thức và từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề.

Cho nên việc học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm