Tự chủ đại học - nói mạnh, làm dở

Hàng chục năm trước, từng có một sự “đồng thanh tương ứng” mạnh mẽ, cất lên từ phía các trường đại học (ĐH). Đó là đòi quyền tự chủ tài chính và nhân sự, giải phóng năng lực sáng tạo các nhà trường. Thế nhưng, khi nguồn nước mát “Tăng cường tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội” được tưới tắm xuống mảnh đất hơn 120 trường ĐH đang khao khát, đến giờ, mới có 9 “cây”(ĐH) tự chủ khá leo kheo. Vì sao vậy?

Cơ chế tập quyền và cơ chế Hội đồng trường (HĐT)

Sự phát triển giáo dục ĐH trên thế giới hiện có hai cơ chế:

Cơ chế tập quyền với mô hình chủ sở hữu trường ĐH là “Bộ chủ quản”- các trường ĐH. Hiệu trưởng đại diện cho bộ chủ quản, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ nhà trường, làm theo sự chỉ đạo của bộ chủ quản. Các trường ĐH hoạt động nhờ nguồn ngân sách Nhà nước được rót từ Bộ xuống theo kiểu “xin- cho”. Cơ chế này là sản phẩm của hệ thống giáo dục từ thời Pháp thuộc, phát triển mạnh trong thời bao cấp. Thực tiễn cho thấy cơ chế này phù hợp cho lợi ích cục bộ, cho cái tôi cá nhân.

Cơ chế Hội đồng trường (HĐT) với mô hình chủ sở hữu là cộng đồng xã hội nên có một tổ chức đại diện là HĐT. Hiệu trưởng làm việc theo sự lãnh đạo của HĐT, theo ý kiến và lợi ích của cộng đồng rộng lớn này. Đây được xem là xu hướng dân chủ hóa trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội thời hội nhập để đến đổi mới cơ chế quản lý giáo dục từ cơ sở - trường ĐH.

Xu hướng dân chủ hóa trong sinh hoạt xã hội, trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội thời hội nhập tất yếu dẫn đến sự đổi mới cơ chế quản lý giáo dục từ cơ sở. Ảnh: hocmai.vn
Xu hướng dân chủ hóa trong sinh hoạt xã hội, trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội thời hội nhập tất yếu dẫn đến sự đổi mới cơ chế quản lý giáo dục từ cơ sở. Ảnh: hocmai.vn

HĐT và lợi ích số đông

Theo các văn bản pháp lý hiện hành như (Luật Giáo dục 2003; Luật GD 2005) HĐT (ĐH công lập), Hội đồng quản trị (ĐH ngoài công lập) là cơ quan quản trị cao nhất của trường ĐH. Tuy nhiên, trong thực tế, HĐQT ở các trường ĐH ngoài công lập hiện không có đại diện của cộng đồng xã hội, mà chủ yếu chỉ có đại diện của nhà đầu tư.

Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều việc làm sai trái, nhưng được sự “khá đoàn kết nhất trí” của một số trường ĐH ngoài công lập, và cũng là nguyên nhân gây mất đoàn kết, nội bộ lục đục của các trường này, một khi “va chạm” lợi ích cá nhân của nhau.

Vì vậy, cấu trúc của HĐT khi áp dụng với Việt Nam nên có hai thành phần là trong nhà trường và ngoài nhà trường.

Thành phần ngoài nhà trường đại diện cho cộng đồng xã hội, hoạt động phi lợi nhuận (gồm đại diện của chính quyền, người dân, nhà tuyển dụng, nhà doanh nghiệp…). Thành phần trong gồm Hiệu trưởng và đội ngũ cộng sự.

Để đảm bảo tính đại diện cho số đông, cho lợi ích tập thể, thành viên của thành phần ngoài nhà trường nên chiếm tỷ lệ đa số.

Theo kinh nghiệm của ĐH Wayne State (Tiểu bang Michigan- Mỹ), thành phần ngoài của HĐT có 8 người đều do người dân tiểu bang này bầu ra. Ở Thái Lan, ĐH Hoàng Tử vùng Songkla, ngoài những thành viên đương nhiên, thành phần ngoài của HĐT còn có những thành viên do Vua Thái Lan chỉ định gồm Chủ tịch HĐT, các thành viên khác là nhân sĩ, nhà khoa học, nhà giáo…Những thành viên này hoạt động không có lương (trừ công tác phí) để bảo đảm tính khách quan, công tâm với công việc.

Gần đây nhất, Quốc tế Việt- Đức vừa thành lập tại TP Hồ Chí Minh, phía Đức cũng yêu cầu HĐT phải hoàn toàn là thành viên ngoài nhà trường.

Ảnh: svvn.vn
Ảnh: svvn.vn

Hữu danh vô thực

Trở lại với thực tiễn Việt Nam. Điểm nổi bật của 9 HĐT đang triển khai đều không phải cơ quan quản trị có quyền lực cao nhất trong nhà trường. Mà hoạt động của các HĐT chỉ thiên về tư vấn cho các hiệu trưởng, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của các hiệu trưởng.

Sự trái ngược về vị thế, chức năng của HĐT đến mức, có những trường lẽ ra việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển phải là nhiệm vụ của hiệu trưởng, HĐT có trách nhiệm xem xét, phê duyệt thì Hiệu trưởng lại giao cho HĐT phải làm. Như vậy, HĐT rất khó có thể làm tròn bổn phận “quản trị”, có quyền lực cao nhất giúp các trường thực hiện tự chủ một cách công khai, minh bạch đúng luật định.

Vì tư duy cũ, thói quen quản lý theo cơ chế cũ, Hiệu trưởng, Ban giám hiệu vẫn không muốn rời khỏi bộ chủ quản- vô hình mà rất “hữu thực”. Sức ì mạnh đến mức một Chủ tịch HĐT phải thốt lên, muốn mua một tài sản, trị giá 100 triệu đồng cũng phải xin ý kiến “Bộ chủ quản”.

Còn có một sự bùng nhùng khác ngay trong cơ chế mới thoát thai, khiến các HĐT rất khó có sự điều hành hiệu quả. Trong cơ chế mới, Đảng sẽ lãnh đạo như thế nào? Nếu Đảng ủy có đại diện trong HĐT, nhưng chỉ là một thành viên, vậy ai lãnh đạo ai? Đã có tiếng nói kiến nghị- vậy thì Bí thư Đảng ủy nên kiêm luôn chủ tịch HĐT. Nhưng về bản chất, HĐT hoạt động theo nguyên tắc đa số, nếu Bí thư Đảng ủy trong HĐT lại bị “thiểu số” thì sao?...

Xoá bỏ lợi ích cục bộ

Kinh nghiệm thực tiễn các nước tiên tiến cho thấy, nếu xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, cung cách đầu tư tài chính phải thay đổi khác trước.

Thay cho việc bộ chủ quản đề xuất, kinh phí được Bộ Tài chính rót về bộ chủ quản, để từ đó, "ban phát" xuống các trường như trước đây, với cơ chế quản lý HĐT, kinh phí đầu tư được rót thẳng từ Chính phủ (Trung ương), hoặc từ Ủy ban nhân dân các địa phương tới các trường, không qua bộ chủ quản.

Chức năng quản lý nhà nước chỉ mang tính chất kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách, xây dựng nội dung chuyên môn, chương trình đào tạo (phần cứng)…Việc xử lý mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền trong HĐT có thể đi theo hướng Đảng chỉ lãnh đạo những việc thuộc thẩm quyền của mình, về công tác tư tưởng, tổ chức vận động thực hiện các chủ trương…

Câu hỏi nhức nhối nảy nở giữa mảnh đất ĐH đang khao khát: Vì sao hàng chục năm trước đây, các trường đòi quyền tự chủ tài chính, nhân sự mạnh mẽ? Mà nay, khi được trao quyền tự chủ, có cơ chế, mô hình cụ thể việc triển khai lại chật vật đến vậy?

Phải chăng, vì cơ chế quản lý mới đã thực sự đụng chạm đến lợi ích cục bộ, cá nhân. Nên cả phía trường, cả phía bộ chủ quản đều không muốn?

Ngành GD và ĐT đang nhấn mạnh khâu đột phá: Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. Đây phải là giải pháp cốt lõi của một cuộc cải cách giáo dục mang tầm quốc gia, và là tất yếu, chứ không thể chỉ là chiến lược phát triển- mang tính kế hoạch dài hạn của ngành.

Thế nhưng, điểm nhấn của giải pháp này- tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm xã hội, với xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”, nếu chỉ được nói mạnh, mà làm dở, nói hay mà làm kém, rút cục, vẫn chỉ là kéo dài một nền giáo dục già cỗi, bảo thủ, vì lợi ích của người lớn, không vì thế hệ trẻ, vì lợi ích cục bộ, không vì lợi ích dân tộc.

Và như vậy, khó có hy vọng gì ở sự chuyển biến tạo ra chất lượng giáo dục- nguồn nhân lực mới đầy năng lượng sáng tạo trong thực tiễn.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Nguyen Hoai Vu

Địa chỉ: TP. HCM

Email: nh_vu2001@...

Nội dung:

Trong Ban lãnh đạo nhà trường cần có đại diện sinh viên. Ở Pháp hiện nay, ta thấy trong các hội đồng hầu như đều có đại diện sinh viên (thông qua bầu cử hẳn hoi). Những người đang làm tiến sĩ cũng có cả một ban đại diện nữa. Ở Việt Nam hiện nay, hầu như chưa thấy thực hiện mô hình Hội đồng trường, kể cả tại các trường đại học trọng điểm như Đại học Sư phạm TP. HCM.

Theo Kim Dung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm