Từ 1-11, hơn 300.000 trẻ tại TP.HCM được uống sữa học đường

Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết mục tiêu chung của đề án thực hiện chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 thông qua hoạt động cho uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em TP, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Họp báo công bố triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo ông Từ Lương, từ ngày 1-11-2019, hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối 1 trên địa bàn 10 quận, huyện (quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) sẽ được uống sữa học đường (dung tích 180 ml/lần/ngày với năm lần/tuần, trong chín tháng của năm học).

Chương trình này được thực hiện thí điểm tại 10 quận, huyện trong học kỳ 1. Sau khi kết thúc, ban đề án thực hiện chương trình Sữa học đường sẽ có sự đánh giá, tổng kết lấy ý kiến, qua đó tham mưu với UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện trong học kỳ 1 và triển khai tại 24 quận, huyện trên địa bàn TP.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: PN

Đơn vị cung cấp sữa được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM trực thuộc Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà cung cấp sữa có năng lực, có chất lượng sữa phù hợp với tiêu chuẩn của đề án theo quy định của pháp luật về đấu thầu đảm bảo khách quan, minh bạch và chất lượng. Đơn vị được lựa chọn triển khai là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết chương trình Sữa học đường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và triển khai thí điểm tại 10 quận trên. Bởi đây là khu vực vùng ven, ngoại thành, khó khăn hơn vùng nội thành nên TP ưu tiên thực hiện trước. Trước khi triển khai, Sở GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh 10 quận, huyện tham gia và nhận được kết quả rất tích cực.

Cũng theo bà Thu, để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), các phòng GD&ĐT quận, huyện tổ chức các buổi tập huấn cho gần 5.000 đại biểu là ban giám hiệu, cán bộ y tế, đại diện hội phụ huynh học sinh gần 2.000 trường mầm non, tiểu học của 10 quận, huyện, nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn cần thiết, đảm bảo triển khai chương trình Sữa học đường an toàn và hiệu quả. Mặt khác, Sở cũng yêu cầu Công ty Vinamilk trên hộp sữa phải in logo về chương trình Sữa học đường để phân biệt với các loại sữa khác.

Từ ngày 1-11-2019, hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối 1 trên địa bàn 10 quận, huyện (quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) sẽ được uống sữa học đường. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trước câu hỏi của phóng viên về việc trẻ thừa cân, béo phì có nên uống sữa học đường hay không, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em từ ba đến sáu tuổi nên sử dụng 4,5 đơn vị sữa và chế phẩm sữa tương đương một miếng phô mai, 100 ml sữa chua (hộp sữa chua), khoảng 200-250 ml sữa dạng lỏng, không phân biệt trẻ thừa cân, béo phì hay bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ thừa cân, béo phì, Viện Dinh dưỡng khuyến nghị trẻ nên sử dụng sữa không đường.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu và phát triển Vinamilk, cho biết sản phẩm sữa cung cấp cho chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư 29 của Bộ NN&PTNT. Sữa tham gia chương trình gồm hai loại để trẻ có thể chọn lựa là sữa tươi tiệt trùng có đường và sữa tươi nguyên chất tiệt trùng không đường.

Chương trình Sữa học đường được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Cụ thể, chi phí một hộp sữa hiện là 6.050 đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn sẽ được hỗ trợ uống sữa miễn phí.

Ngoài TP.HCM, chương trình Sữa học đường đang được triển khai tại 17 tỉnh/thành trên cả nước và đạt được kết quả tích cực trong việc cải thiện thể chất, điều kiện dinh dưỡng của trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm