Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức công bố Hội đồng trường

Sáng 22-8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức lễ Công bố quyết định công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường.

Theo quyết định công nhận của Bộ GD&ĐT, Hội đồng trường của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 có 25 thành viên. Trong đó 8 thành viên ngoài trường và 17 thành viên trong trường.

Bộ GD&ĐT cũng chính thức công nhận GS.TS Nguyễn Đông Phong là Chủ tịch Hội đồng trường.

Được biết, trước khi giữ vai trò này, GS.TS Phong là Hiệu trưởng nhà trường.

Đáng chú ý, thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ này có ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND TP.HCM). Về phía Bộ GD&ĐT có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (ở giữa) trao quyết định cho các thành viên trong Hội đồng trường. Ảnh: PA

GS.TS Nguyễn Đông Phong nhận quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường và hoa từ Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: PHẠM ANH

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những nỗ lực và thành tựu đạt được của nhà trường trong những năm qua, nhất là trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ đại học như về chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đội ngũ giảng viên chất lượng....

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phúc cũng chỉ ra những thách thức mà trường sẽ gặp phải, bởi khi các trường được tự chủ sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ nên phải liên tục đổi mới, tùy từng trường hợp có bức đi phù hợp.

Do đó, Thứ trưởng Phúc đã đề ra 5 nhiệm vụ với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong thời gian tới, cụ thể:

1. Rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn vị trí việc làm phù hợp với các quy định hiện hành.

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chiến lược phát triển trường; quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy định nội bộ khác phù hợp quy định của pháp luật và Luật số 34 và Nghị định số 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

3. Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định, kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; khảo sát tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Xây dựng và phát huy danh tiếng học thuật của trường trên thị trường trong nước và quốc tế với các giải pháp thiết thực như: Công bố quốc tế; đẩy mạnh trao đổi giảng viên, sinh viên; thu hút giảng viên giỏi là người nước ngoài hoặc Việt kiều, giảng viên đến từ doanh nghiệp.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối với doanh nghiệp để phát huy các nguồn lực về đội ngũ và sinh viên trong đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và cơ hội việc làm.

5. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành hữu quan của TP.HCM và các tỉnh trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm