Trường ĐH đầu tiên cho SV nghỉ học đến hết tháng 8 vì COVID-19

Đó là nhấn mạnh của Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân - TS Đàm Quang Minh trong thư ông viết gửi đến sinh viên của trường ngày 10-4.

Mở đầu, TS Minh thông báo: "Tôi buộc phải thông báo với các bạn một tin: Trường Đại học Phú Xuân sẽ dừng triển khai việc đào tạo tập trung tại trường cho đến hết 31-8-2020 trừ khi nhà trường có thông báo bổ sung. Tất cả hoạt động đào tạo cho đến hết học kỳ hè sẽ được triển khai trực tuyến".

Trong thư ông viết đầy cảm xúc khi liệt kê những con số về dịch bệnh COVID-19: “Ngày 17-1 khi tất cả sinh viên của trường bước vào kỳ nghỉ tết, tất cả chúng ta đều không nghĩ thời gian phải xa giảng đường lại lâu đến như vậy - đã gần ba tháng. Khi ngày 2-3, chúng ta quyết định sẽ nghỉ hết tháng 4 thì cả thế giới mới có chưa tới 3.000 ca chết vì bệnh dịch, nước Mỹ mới có 67 ca lây nhiễm và một ca tử vong đầu tiên. Ngày hôm nay, sau 1,5 tháng cả thế giới đang tiến tới gần 100.000 người chết, nước Mỹ đã ghi nhận gần 500.000 ca nhiễm và 15.000 ca tử vong. Số ca nhiễm và tử vong chỉ trong một ngày hôm qua cũng đã gấp đôi toàn bộ ca nhiễm và tử vong từ đầu dịch đến ngày 2-3 đó. Tất cả đã thay đổi nhanh chóng chỉ sau một tháng”.

Ông viết tiếp: “Chúng ta từng nghĩ là trường sẽ hoạt động trở lại sau tháng 4-2020 nhưng đến nay, không những chỉ trường học dừng hoạt động mà lần lượt các khách sạn, các hoạt động không phải thiết yếu cũng đã phải dừng hoạt động. Chính phủ đã phải ban hành quyết định dịch trên quy mô toàn quốc. Nguy hiểm hơn, đã có những ca lây nhiễm ra cộng đồng không thể xác định nguồn gốc. Các nhà khoa học cảnh báo Việt Nam sang giai đoạn 3 - lây nhiễm cộng đồng...

Nhiều nhà khoa học cho rằng nhân loại sẽ còn chung sống lâu dài với đại dịch này. Nhiều quốc gia thực sự đã coi đại dịch lần này như một cuộc chiến tranh. Thế giới được dự báo sẽ biến đổi sâu sắc về hành vi, về cách học, cách làm việc…”.

Theo TS Minh, trong xã hội mới này, con người bắt buộc phải sử dụng thành thạo công nghệ để có thể giao tiếp. Nếu sinh viên ra trường không biết sử dụng máy vi tính, không sử dụng các công cụ để làm việc trực tuyến chắc chắn cơ hội việc làm sẽ không cao. Một số ngành nghề liên quan đến trực tuyến như công nghệ thông tin, Digital Marketing… sẽ phát triển mạnh mẽ. Do đó sinh viên và nhà trường bắt buộc phải tham gia vào quá trình học tập những kỹ năng mới này để có cơ hội việc làm, cơ hội phát triển trong một xã hội mới.

Theo TS Đàm Quang Minh, chương trình học chuyên môn thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ được triển khai toàn trường bắt đầu từ học kỳ hè, tức tháng 5 đến tháng 8-2020. Toàn bộ sinh viên sẽ được học đủ 15 tín chỉ dựa trên hệ thống bài giảng được cung cấp đầy đủ, giảng viên lên lớp trên các lớp học ảo trực tuyến, bài tập được sinh viên làm và nộp qua hệ thống quản lý học tập của nhà trường.

"Bước đầu tiên chuyển đổi sẽ vô cùng khó khăn nhưng cũng đã có rất nhiều sinh viên thực hiện được điều này. Đa số sinh viên của trường sẽ hoàn thành 13 tín chỉ của học kỳ Spring (mùa xuân - PV) khi hết tháng 4, chỉ thấp hơn kế hoạch đào tạo 2 tín chỉ. Đó là một thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có những sinh viên chưa theo kịp và chưa tham gia đầy đủ việc học tập. Việc học tập trực tuyến vẫn nhàm chán và thiếu động lực. Bên cạnh đó nhiều bạn chưa có máy tính cá nhân cũng là một trở ngại lớn" - TS Minh viết.

TS Minh thông tin, để triển khai được chương trình học trong giai đoạn mới, nhà trường sẽ triển khai nhiều chương trình đồng bộ. Như chương trình học mới sẽ kết hợp giữa hệ thống bài giảng được gửi tới sinh viên và các lớp học tương tác ảo trên Microsoft Team và Google Meet. Sinh viên sẽ vẫn gặp mặt nhau trực tuyến, thảo luận và nghe giảng đầy đủ.

“Nhà trường hỗ trợ mỗi sinh viên 2 triệu đồng để mua máy tính, số tiền này sẽ giảm trừ trực tiếp vào học phí học kỳ mùa hè. Nhà trường cũng sẽ giới thiệu các nhà cung cấp máy tính cả mới và đã qua sử dụng uy tín tại các địa phương có sinh viên của trường, các đơn vị này đều có cam kết hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo máy tính hoạt động” - TS Minh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm