Trống khai trường và ngổn ngang những nỗi lo

Giây phút này, khi tiếng trống trường đã nhẹ đưa bước chân con trẻ vào giờ học đầu tiên - những mối lo toan của toàn ngành giáo dục vẫn còn ngổn ngang, những băn khoăn ray rứt của toàn xã hội mong mỏi về một nền giáo dục hiện đại, bắt kịp tri thức nhân loại ngày càng sâu rộng.

Nếu có gì muốn nói ở những ngày đầu năm học này, có lẽ điều đầu tiên vẫn là câu chuyện của ngày tựu trường. Bởi với mỗi đời người, cái buổi tựu trường đầy yêu thương của Thanh Tịnh vẫn luôn là nỗi nhớ… “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”...

Trống khai trường và ngổn ngang những nỗi lo ảnh 1
Ngày khai trường (Ảnh : GDTĐ online)

Ngày đầu tiên đi học, có gì bâng khuâng!

Ắt hẳn, cái ngày đầu tiên đến trường của các cô cậu bé lớp 1 hôm nay vẫn đầy run rẩy, hoang mang trong vòng tay của mẹ, của cô giáo. Bởi, con chim non đã đến lúc phải tạm rời cái tổ của nó, để tập bay những bước đầu tiên trong cuộc đời xa lạ. Ắt hẳn, cái ngày đầu tiên gặp lại bạn bè, thầy cô sau những tháng hè xa cách, nỗi vui mừng sẽ đọng lại trong những “bàn tay nắm chặt bàn tay” của tuổi học trò. Cái xúc cảm ấy, vẫn mãi là dấu ấn chẳng thể xóa nhòa của mỗi người.

Thế mà, vài năm gần đây cái ngày đầu tiên đi học ấy đã bị hành chánh hóa. Xúc cảm tình bạn bè, nghĩa thầy trò còn vẹn nguyên, nhưng khung cảnh đã không còn như xưa. Ngày 15-8, các em sau những giây phút ngắn ngủi gặp nhau bồi hồi tay bắt mặt mừng, lại lẳng lặng vào lớp học bài học đầu tiên cùa năm học mới ( có những trường từ ngày 7-8 đã tập hợp học sinh). Không hoa tươi đón mừng, không  hồi trống khai trường gióng giả, không lời ân cần dặn dò của của cô thầy hiệu trưởng, thiếu vắng những bàn tay đón chào của các anh chị lớp trước đón đàn em lớp sau. Bởi ngày đầu tiên đi học đã không còn lại ngày tựu trường. Các em đã đi học trước ngày tựu trường chính thức tới gần một tháng

Thời gian của một tháng, đủ để mọi tình cảm háo hức lắng đọng, đủ để ghế đá sân trường trở nên quá quen thuộc, lại là lúc các em phải chuẩn bị đón ngày tựu trường. Ngày 5-9, sân trường lại rợp cờ hoa, rồi anh chị lớn đón đàn em nhỏ, rồi diễn văn diễn từ của cô thầy hiệu trưởng, của quan khách cấp quận, thành, trung ương…tất cả diễn ra chính xác như một vòng quay của công nghệ máy móc, trong trạng thái bình lặng của những người thầy và học trò, bởi mọi xúc cảm thật của họ đã qua đi quá xa!! Có ai nghe tiếng thở dài của con trẻ, khi phải ngồi phơi nắng một cách miễn cưỡng trong ngày tựu trường.

Hình như mọi sự chỉn chu của ngày tựu trường muộn là để dành cho người lớn mất rồi!

Điểm nóng: thiếu trường lớp – trách ai!?

          Có bình thường không, khi sát đến ngày con trẻ đến trường, tình trạng thiếu trường lớp, phòng học cho năm 2011-2012 đã rộ lên ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Và xảy ra ngay cả những nơi có tiềm lực kinh tế mạnh như: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương…

Tại TPHCM, ông Lê Hồng Sơn – tân Giám đốc Sở GD-ĐT, trước thực trạng thiếu phòng học khi bước vào năm học mới, chỉ dám hứa ráng lo đủ chỗ cho học sinh, chứ chuyện kéo giảm sĩ số học sinh/lớp cho đúng chuẩn Nhà nước quy định thì chưa thể. Như vậy, có thể hiểu rằng nơi nào thiếu chỗ học, thì ngành giáo dục làm động thái dồn chật cứng học sinh vào các lớp có sẵn là có thể yên tâm tựu trường - có phải vậy không?. Thực tế đang chỉ ra câu trả lời: Ở Thủ Đức, Trưởng phòng GD huyện cho biết: năm học mới này thiếu phòng học, sĩ số HS/lớp có chiều hướng tăng quá tải. Còn ở Hóc Môn, “trên 30% số trường học đã bị xuống cấp và thiếu phòng học dẫn đến quá tải về học sinh”- cán bộ phụ trách về cơ sở vật chất của PGD huyện đã than như vậy. Gò Vấp có sĩ số HS/lớp vượt chuẩn đến 140%.  Lạ hơn là ở quận 9, dù quỹ đất còn nhiều, nhưng tình trạng thiếu trường lớp vẫn diễn ra.

Chưa kể, tại các quận huyện 4, 6, 8, 10,11, 12, Bình Chánh, Hóc Môn…trường học xuống cấp đã trở nên vấn đề “nổi cộm” trong năm học mới. Đâu cần ra tới ngoại thành, ngay trường THCS Trần Phú (Q.10), chỉ cần một cơn mưa nhỏ là sân trường biến thành cái ao nước, còn bàn ghế thì ọp ẹp, nghiêng ngả. Sang đến quận 8, tình hình còn bi đát hơn, chuyện lụt lội sân trường trở nên quá bình thường ở rất nhiều trường. Khoảng 30% trường học trong quận đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng cần phải xây mới.

Trách ai trước thực trạng này? Hãy nghe Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời báo chí: “Bộ đã nhắc nhở các địa phương phải rà soát và lên kế hoạch cụ thể để khắc phục tình trạng quá tải đối với những trường có quy mô quá lớn, những lớp học có sĩ số quá đông….Quả thực là rất khó khi đưa ra một quyết định hạ mức thi đua (chưa nói gì đến kỷ luật) đối với Sở GD-ĐT một địa phương trong vấn đề này. Quả bóng trách nhiệm đã được đưa về địa phương và tan biến vào hư vô!

          Chỉ có các thầy cô và học trò là tiếp tục chịu cảnh trường lớp quá tải, xuống cấp!

Thầy cô cũng thiếu – xảy ra ngày càng nặng!

            Lại thêm một cái nóng khi năm học mới đã đến: tình trạng thiếu giáo viên đã trở nên trầm trọng ở nhiều địa phương trên cả nước!

          Cũng tại TPHCM, năm học mới 2011 - 2012, toàn thành phố cần thêm 4.905 GV (bậc TH thiếu 2.362 GV, bậc THCS thiếu 1.043 GV, bậc MN thiếu 955 GV, bậc THPT thiếu 89 GV).

          Câu hỏi đặt ra: Bao nhiêu năm qua, ban lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã chăm lo cho kế hoạch phát triển giáo dục TP như thế nào, để bước vào năm học 2011-2012 lại phơi bày ra một thực trạng đáng buồn đến như vậy?

          Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT lo lắng: Sở đang làm các thủ tục tuyển dụng GV và sẽ phân bố về các trường kể từ ngày 15-8. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên khả năng tuyển đủ số lượng GV đang thiếu là rất khó!.

          15 tháng 8, các trường phổ thông và mầm non của TPHCM đã bước vào học chính thức; và cũng chính từ ngày này trở đi các trường mới hy vọng có thêm GV, và có thể không có đủ!

Ông Lê Hồng Sơn đã thẳng thắn chỉ ra hậu quả của “vấn nạn” trên: Trước đây TPHCM có 3 trường Sư phạm là Cao đẳng SP, Trung học SP, Trung học Mầm Non. Sau đó, 3 trường SP trên được nhập lại thành một trường và nâng cấp lên thành trường ĐH Sài Gòn. Nay ĐH Sài Gòn trở thành trường đào tạo đa ngành, nên chỉ tiêu đào tạo sư phạm bị teo lại!!!

Nói gì thêm được nữa trước diễn biến tình hình như vậy?

Lại tiếp tục vừa học vừa chỉnh sửa sách giáo khoa!

Giữa hè năm 2011, khi dư luận xã hội  ồn ào phản ứng với “đề án 70.000 tỷ đồng đổi mới chương trình-sách giáo khoa từ năm 2015”, thì Bộ GD-ĐT mới chính thức thừa nhận: Sách giáo khoa viết cao hơn chương trình, có những nội dung sai kiến thức, nội dung trùng lặp giữa các môn… Đó là những nội dung mà dư luận xã hội đã nêu ra trong suốt 12 năm thay sách giáo khoa (đang sử dụng hiện nay), và đáp lại là sự im lặng kéo dài của Bộ GD-ĐT!

Và một lần nữa, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên dịp hè 2011 đã hứa hẹn: “Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các nhóm (bao gồm tác giả chương trình, tác giả SGK, giáo viên cốt cán, chuyên viên chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục) khẩn trương biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nội dung theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu dạy học kịp gửi đến giáo viên thực hiện ngay trong năm học tới”.

Một vòng thay sách giáo khoa 12 năm và liên tục chỉnh sửa, mà vẫn không khắc phục nổi những lỗi lầm “tưởng rằng không còn lỗi nào có thể lớn hơn”, vậy mà chỉ vài tháng chỉnh sửa, liệu rằng có thực sự chất lượng hơn hay lại rơi vào tình trạng “lợn què chữa thành lợn cụt”!? Đó là chưa kể chuyện “vừa dạy - vừa học - vừa chỉnh sửa những sai sót của sách giáo khoa”, chính là một kiểu đánh đố sức chịu đựng của người thầy và học trò của họ.

Bước vào một năm học mới, ngổn ngang chuyện về thiếu trường lớp, thiếu thầy cô giáo, và một chương trình sách giáo khoa đầy những sai sót - những vấn đề  thuộc loại cốt tử của một nền giáo dục.  Làm sao có thể nói đến chuyện hiện đại hóa nền giáo dục, để đưa đất nước vươn lên tầm thời đại, trong một bối cảnh giáo dục như vậy!

Theo MAI LAN (Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm