Trò đâm thầy: Xuống cấp về đạo đức đã được cảnh báo

Tràn ngập trên các mặt báo và mạng xã hội là thông tin về cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, phụ huynh bắt cô giáo quỳ, thầy giáo dùng từ thô tục xúc phạm học sinh. Và mới đây nhất ở Quảng Bình, học trò dùng dao đâm thầy nhập viện vì thầy giáo tát học trò khi khuyên can học sinh của mình xóa bỏ hình xăm…

“Chỉ mới sơ lược 4/10 vụ đã thấy kinh khủng, đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng” - đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thẳng thắn nhìn nhận như vậy khi nói về hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục vừa qua.

Đặt vấn đề về nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, ông Lê Thanh Vân nói những hiện tượng giáo dục xảy ra thời gian qua khiến nhiều người cho rằng nền tảng đạo đức xuống cấp chính là do nền tảng giáo dục xuống cấp kéo theo. Thế nhưng theo ông, gốc rễ không hẳn và không phải tất cả do lỗi của giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Ông Vân phân tích: Kể từ năm 1986, khi chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, lúc đó kết luận của Bộ Chính trị nêu lên 10 quan điểm, trong đó đã cảnh báo những tác động xấu của kinh tế thị trường. Đó là sự cạnh tranh không theo đạo đức, thỏa mãn ích kỷ cá nhân sẽ dẫn đến sự tha hóa trong xã hội và lâu dần lây lan đến các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế.

Và gần hơn là trong hai nhiệm kỳ gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tiếp ra nhiều nghị quyết trong đó đã cảnh báo về sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong đó nhắc đến các giá trị đạo đức liên quan đến thuần phong mỹ tục, văn hóa, tôn giáo, mà cụ thể là chúng ta chưa tích cực khai thác mặt tính cực, hạn chế tiêu cực. Từ đó khiến những văn hóa không tốt tác động đến hành vi ứng xử của con người, từ người lớn làm ảnh hưởng đến trẻ em...

Sự xuống cấp đạo đức rõ ràng đã được cảnh báo từ trước,khi nền tảng căn bản tạo nên hệ thống giáo dục hiện nay chú trọng quá nhiều vào đào tạo kiến thức. Nhồi nhét cho học trò những bài học làm giàu, về phát triển mà quên đi cốt lõi tạo nên các hạt nhân tạo thành xã hội chính là triết lý về con người, về cách đối nhân xử thế, cách ứng xử, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô.

“Học sinh trong mươi năm trở lại đây không được học về luân lý. Tôi đã từng trao đổi với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng GD&ĐT nhiệm kỳ trước - PV) rằng việc dạy và việc học phải cộng hưởng với nhau. Phải có sự tương tác giữa thầy và trò, vì dù phương pháp có hiện đại đến mấy mà người thầy không có chuẩn mực nào về đạo đức, không khai phóng và lấy nền tảng giá trị hướng thiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội” - ông Vân nói.

Và theo vị đại biểu Quốc hội này, thực tế hiện nay cho thấy lớp giáo viên liên quan trong những vụ việc gần đây đa phần đều là giáo viên trẻ, họ cũng là thế hệ không được chú trọng đào tạo về luân lý, bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xã hội, từ cơ chế thị trường và nhất là không được đào tạo bài học luân lý từ sớm. Do đó, sự việc mới trầm trọng như hiện nay.

Và khi hàng loạt sự cố xảy ra trong xã hội, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục, cho hệ thống đào tạo sư phạm vì nguyên nhân có từ nhiều phía.

Nói về hướng giải quyết cho những sự việc tiêu cực này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhắc lại về những đề xuất trước đây của mình, ông nhấn mạnh để giải quyết vấn đề thì nên giải quyết từ gốc.

“Tôi cho rằng ngành giáo dục chúng ta nên có một triết lý giáo dục cho riêng mình. Tôi đã từng đề nghị để đưa việc giáo dục tính thiện của con người để hình thành nhân cách con người trong những bài giảng. Chú trọng dạy học trò cách chào hỏi, kính trên nhường dưới ngay từ nhỏ thay vì nhồi nhét vào đầu các em những kiến thức vĩ mô. Nhưng vì không có tính liên tục trong chủ trương chính sách của người đứng đầu nên điều này chưa thực hiện được. Bây giờ, tôi nghĩ ý kiến của chúng tôi cần được đưa vào nghiên cứu trước thực trạng xã hội hiện nay” - ông Vân đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm