Trẻ liên tục nhập viện tâm thần vì áp lực học hành

Kết quả học tập là nỗi ám ảnh đáng sợ của nhiều học sinh. (Ảnh minh họa: VNN)
Kết quả học tập là nỗi ám ảnh đáng sợ của nhiều học sinh. (Ảnh minh họa: VNN)

BS. Phạm Quỳnh Diệp - Trưởng khoa Khám Trẻ em, BV Tâm thần TP.HCM, cảnh báo, mỗi tuần, 400 - 500 trường hợp đến khám tại khoa Khám Trẻ em-BV Tâm thần TP.HCM. Trong đó có từ 3-8% các trường hợp có liên quan đến vấn đề học tập. Từ mệt mỏi, căng thẳng, trẻ dễ sa sút, không tập trung, mất ngủ, trầm cảm và thậm trí trở nên loạn thần.

Ba năm nay, cứ mỗi dịp chuẩn bị thi, Huỳnh H.H. được mẹ dẫn tới tư vấn tại BV Tâm thần. Sinh ra trong một gia đình trí thức, ngay từ những năm cuối cấp 3, H.H đã tự đặt ra cho mình những mục tiêu như phải tốt nghiệp THPT loại khá - giỏi, sau đó vào một trường đại học công lập...

Bà mẹ cho biết ngay từ bé, H.H đã từng có một căn bệnh liên quan đến não, nên không có ép con. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong bữa ăn, người lớn thường hay kể những câu chuyện như con ông này đậu thủ khoa trường đại học này, con bà kia vừa lấy được học bổng đi Úc....

"Cháu không ngủ được, ngủ không sâu, bứt rứt, đi tới đi lui, không tập trung vào bài vở. Học đại học thì có môn đủ điểm, môn không đủ điểm. Cháu cảm thấy nản quá...," H.H tâm sự.

Hiện nay, cuộc sống của H.H. đang trở nên rất nặng nề. Về đến nhà, H. luôn nóng nảy, dễ gây gổ, cự cãi với mọi người. Lo âu, stress nhiều đợt, kéo dài, không dứt, đã khiến H.H bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Tệ hơn, đó là ngưỡng cửa của căn bệnh loạn thần (điên).

Cha mẹ - "thuốc chữa" hiệu quả

Thanh thiếu niên là một đối tượng đặc biệt, thường có những ám ảnh dưới áp lực học tập. Bắt đầu vào những năm cuối cấp, trẻ trở nên lo lắng, căng thẳng. Khởi đầu là sự thay đổi tính khí (dễ cáu gắt, bực dọc...) dẫn tới ngủ không ngon. Oái ăm, tuy thời gian ngủ của những bệnh nhân này rất ít, thèm ngủ, nhưng khi nằm xuống, bệnh nhân không dỗ được giấc ngủ, luôn mộng mị.

Những ám ảnh này nếu không được quan tâm điều trị, sẽ khiến trẻ bị rối loạn hành vi, cảm xúc, nhập nhằng... Và bệnh nhân đang đặt chân đến ngưỡng cửa của căn bệnh loạn thần.

Theo bác sĩ chuyên khoa tâm thần, với những bệnh nhân này, điều trị về tâm lý đóng vai trò chủ yếu, nhất là điều chỉnh lại cách giáo dục. Thuốc men chỉ là hỗ trợ, tạo niềm tin cho các bậc làm cha, làm mẹ.

"Cha mẹ, thầy cô giáo phải là những người đầu tiên nhận biết tình trạng của trẻ, từ những dấu hiệu nhỏ nhất như nổi quạu, hay khóc lóc. Hãy biết đặt câu hỏi "Vì sao con học hành sa sút?" - BS. Diệp cảnh báo.

Theo BS. Diệp, cha mẹ thường vội nghĩ tới do con mình lười học, nên la mắng, đánh đập, rồi lại bắt học thêm, lấp đầy khoảng thời gian trống của trẻ bằng các bài học thuộc lòng. Một ngày học trên 10 tiếng đồng hồ sẽ khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng, không tập trung. Sau đó, trẻ sẽ cảm thấy không có lối thoát. Có những đứa trẻ kể rằng trong giấc mơ, cháu đang cầm dao rượt chém thầy giáo. Có cháu được gia đình đưa đi khám bệnh vì đã nhiều lần dọa tự tử.

Để phòng ngừa tình trạng căng thẳng mệt mỏi ở trẻ, trước hết, cha mẹ phải đánh giá đúng thực lực của con mình để đưa ra những định hướng cho trẻ một con đường học hành, nghề nghiệp hợp lý. Bên cạnh đó là sự nâng đỡ, hỗ trợ trẻ, tránh gây áp lực, như sắp xếp cân đối giờ giấc học tập, vui chơi hợp lứa tuổi.

Nếu những thay đổi tính khí đó không cải thiện, thì cha mẹ cần phải tranh thủ nhanh chóng đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần; đồng thời, phối hợp với bác sĩ trong việc điều trị.

Theo Hương Cát ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm