HÃY TỰ “GIẢM TẢI” HỌC TẬP CHO CON

Trẻ em không nhìn thấy mặt trời, vì sao?

Thầy HUỲNH VĂN THẾ, giáo viên ngữ văn Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long:

Chương trình khiến con trẻ phải học nhiều

Bộ GD&ĐT ra chủ trương đổi mới phương pháp dạy từ truyền thụ kiến thức sang cách dạy học sinh (HS) chủ động tìm kiến thức. Nhưng có lẽ phương pháp dạy học xưa cũ theo kiểu thầy đọc trò chép, trả bài kiểu học thuộc lòng đã ăn sâu vào nhiều thế hệ giáo viên nên đến nay, ở nhiều trường trung học, việc đổi mới phương pháp chỉ xê dịch (từ đọc chép sang chiếu chép) chứ không thay đổi là mấy. Phương pháp dạy học nặng nề kết hợp với lượng môn học khổng lồ, tất cả đè nặng lên HS.

Ở bậc học THCS, THPT, số môn học là trên 10 môn (chưa kể các chương trình giáo dục tích hợp, giáo dục phòng, chống tham nhũng, ngoài giờ lên lớp,…). Môn học nào cũng tự thấy mình không thể thiếu trong đời của HS để hướng HS trở thành người toàn diện.

Cứ thế giáo viên đua nhau giành thị phần trong khoảng thời gian tuổi thơ còn lại của các em. Chẳng hạn, môn văn thì về nhà phải soạn câu hỏi đọc hiểu, học thuộc lòng bài cũ, viết bài văn. Môn giáo dục công dân thì thuộc lòng từng câu chữ vì pháp luật, tư tưởng mà, đâu thể thiếu chữ nào… Khi gọi lên bảng mà HS không thuộc bài thì thầy cô ghi sổ đầu bài, điện thoại báo phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, nhà trường sẽ nêu tên dưới cờ, có thể hạ hạnh kiểm cuối năm nếu em đó nhiều lần không thuộc bài… Dường như không mấy ai chú tâm đến khả năng học của từng em như thế nào, có cần thiết phải đặt nặng kiến thức và điểm số như thế hay không.

Một học sinh ăn vội phần cơm trên xe để tiếp tục vào học thêm trước cổng trường ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Nên chăng bỏ tư tưởng bắt HS đọc đúng từng câu, từng chữ của giáo viên, điều mà giáo viên đã chép lại từ ghi nhớ sách giáo khoa hay chuẩn kiến thức. Nên chăng là giảm hẳn bài tập về nhà, nhất là những trường đã học hai buổi. Thời gian còn lại trong ngày hãy để các em học những kỹ năng khác trong cuộc sống.

Còn về phía phụ huynh, câu hỏi mà ta thường nghe, hoặc chính ta là người từng hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Nếu con nói: “Dạ, mười” thì phụ huynh sẽ vui mừng. Ngược lại, nếu bị điểm thấp thì bị mắng từ trường về đến nhà. Mỗi tháng, mỗi học kỳ, mỗi năm học, nếu HS không đạt loại giỏi thì xem như là nỗi xấu hổ của gia đình. Cũng như lớp 12, rớt tốt nghiệp, rớt ĐH cũng là nỗi buồn của song thân.

Nhiều em nghe riết thành quen, thành ra phản ứng ngược lại, nhiều HS quậy, bỏ học. Nhiều phụ huynh ít học, một đời cực khổ, họ mong con cái học hành. Đó là mong ước chính đáng. Nhưng đôi khi vì quá mong ước, sự kỳ vọng của cha mẹ trở thành áp lực nặng nề cho con.

Chính áp lực công việc, áp lực cuộc sống khiến nhiều bậc cha mẹ chỉ cần hỏi vào kết quả cuối cùng: “Con bao nhiêu điểm” để thể hiện sự quan tâm mà không biết con đang học như thế nào.

Chúng ta hãy giảm áp lực kiến thức, tư duy lối mòn. Đừng để gánh nặng thi cử và bằng cấp thành lưỡi đao treo trên đầu con trẻ. Hãy để cho HS nói lên suy nghĩ của mình trong giờ học, dành thời gian để học kỹ năng sống trong đời. Hãy đừng đặt quá nhiều kỳ vọng: Kỳ vọng gia đình, kỳ vọng dân tộc... lên vai em. Hãy cho em sống thời gian có tuổi thơ, tuổi trẻ bằng hành động cụ thể chứ không phải lời nói.

ThS giáo dục PHẠM PHÚC THỊNH:

Lỗi ở giáo viên và phụ huynh

Do chúng ta quá kỳ vọng vào con em mình, buộc các em phải vươn cao mà không xác định rõ đâu là ngưỡng phù hợp với các em. Như kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, đề thi đã thể hiện được kiến thức, kỹ năng của HS một cách rất cơ bản và hợp lý. HS chỉ cần học tập nghiêm túc ở trường, không cần phải học thêm cũng có thể được ít nhất 5 điểm. Tuy nhiên, ngay sau kỳ thi đã có không ít các lời chê trách xuất phát từ một số giáo viên, phụ huynh đánh giá rằng mức độ đề thi như thế là quá dễ, không có tính phân loại và mong muốn phải có một đề thi cao hơn nữa để “xứng đáng” với công sức học ngày đêm của các em. Thế nhưng kết quả là có đến 20.000 em bị điểm liệt và chỉ có 95.600 HS (trên tổng số 1 triệu HS dự thi) đạt mức điểm 6,7 (tức là chưa tới 10%). Như vậy, phải chăng chúng ta đang lấy sức của người lớn để so với các em và buộc các em phải làm được như chúng ta.

Rất nhiều phụ huynh HS và giáo viên than rằng chương trình quá nặng. Nhưng chính giáo viên và phụ huynh chúng ta quá tham kiến thức, thậm chí cứ nghĩ rằng phải cho HS giải quyết những bài toán thật khó mới thể hiện được đẳng cấp của người giáo viên trong khi yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định ban đầu lại rất cơ bản. Ví dụ minh họa rõ nét cho trường hợp này đó là bộ đề thi Violympic toán qua mạng cho lớp 8, 9 hiện nay yêu cầu tính diện tích của một tam giác khi biết độ dài ba cạnh của nó thì phải sử dụng đến kiến thức công thức Hê-rông ở lớp 10.

Có thể nói rằng gần như 90% các lớp học thêm hiện nay là dạy trước kiến thức mà HS sẽ học trên lớp. HS biết trước kiến thức, khi đến lớp các em sẽ chủ quan, không tập trung, mất trật tự. Để đối phó, giáo viên buộc phải có những bài “kìm chân” những em này. Thường những bài kìm chân này lại mang tính “thách thức” cao, HS sẽ gặp khó khăn khi giải quyết. Thấy vậy, phụ huynh lại e rằng con mình chưa đủ “tầm” như mong muốn, lại buộc các em phải học thêm nhiều hơn nữa để “đấu trí” cùng giáo viên. Và cứ thế, vòng luẩn quẩn của cuộc chiến này không dứt và ngày càng được đẩy lên ở một tầm cao hơn.

Hơn nữa, việc cộng điểm ưu tiên từ các cuộc thi HS giỏi cho các kỳ thi mang tính quyết định (thi vào lớp 10; thi vào ĐH …) cũng vô tình là một “động lực” thúc đẩy phụ huynh hành hạ con em mình hơn.

Theo tôi, cuộc chiến này chỉ chấm dứt khi chính phụ huynh dám dũng cảm cắt đứt việc học thêm của con em mình. Chúng ta phải dám chấp nhận con mình “không là gì cả” trong một lớp học phần lớn là HS khá, giỏi. Nếu bạn dám chấp nhận điều đó, mọi chuyện sẽ trở nên hết sức nhẹ nhàng, còn nếu không thì chắc chắn bạn sẽ đẩy con mình vào vòng xoáy học ngày đêm không biết mệt.

Nỗi ám ảnh của đời tôi!

Khi được hỏi về việc học của con, tôi chỉ biết than trời: “Đó là nỗi ám ảnh của đời tôi!”.

Vì muốn con học hành được tốt, nhà lại có điều kiện, tôi đã cố xin cho hai con được vô học trong một trường tư nổi tiếng về thành tích học tập và nghiêm khắc với học sinh. Thứ Bảy, Chủ nhật nào tôi cũng phải đưa đón các con đi học thêm để bằng với chúng bạn.

Đứa lớn học lớp 8 bán trú, xe đưa rước của trường đúng 5 giờ 45 đến, phải đúng giờ không là xe bỏ. Vợ chồng tôi phải thức sớm, người lo kêu con dậy, người đi nấu ăn sáng cho con. Hôm nào chẳng may dậy trễ, xe bỏ, tôi phải tự đưa đi nên đi làm bị trễ.

Tuần ba buổi trường cho học phụ đạo, đến 20 giờ 30 mới ra. Giờ này không có xe đưa rước, vợ chồng tôi phải tất tả chuẩn bị cơm, đem lên cho con ăn ngay tại trường khi vừa ra khỏi lớp để con khỏi xỉu vì đói, sau đó mới chở về nhà khi đã hơn 21 giờ. Lúc này cha mẹ và con đều “đuối như trái chuối”. Chưa hết, đứa lớn vừa về đến nhà phải tắm rửa, nghỉ ngơi khoảng 20 phút xong lên làm bài còn lại ở trường và soạn bài cho đến 23 giờ, sớm lắm cũng 22 giờ 30…

Đứa nhỏ nhà tôi đang học lớp 6, việc đưa đón đúng là… ác mộng, sáu lượt trong ngày cả đi và về, học thêm và phụ đạo. Thứ Bảy, Chủ nhật lịch học thêm của hai đứa cũng dày đặc, vợ chồng phải chia nhau ra đưa đón. Cả nhà ai cũng trong tình trạng kiệt sức và câu cửa miệng khi về đến nhà là “ôi, con/ba/mẹ mệt quá” và nằm bẹp, chả buồn cơm nước nữa.

Anh VĂN HÙNG (BD)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm