Tránh dịch COVID-19, tăng cường dạy trực tuyến

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Để tránh sự lây nhiễm trong môi trường học đường, nhiều tỉnh/thành tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học.

Bộ GD&ĐT công nhận việc dạy học trực tuyến

Ngày 13-3, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19.

Cụ thể, bộ lưu ý các sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn. Trong quá trình triển khai thực hiện cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác.

Cũng theo bộ, các sở GD&ĐT cần hướng dẫn nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua Internet có chất lượng. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ miễn phí các nhà trường tổ chức dạy học qua Internet.

Bộ yêu cầu các sở chỉ đạo nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn HS thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình HS có biện pháp quản lý hoạt động học của HS qua Internet, trên truyền hình.

Bộ chỉ đạo các sở khi HS đi học trở lại thì cần đề nghị các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình. Mục đích là tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang học bài ở nhà. Ảnh: NTCC

Sở GD&ĐT các tỉnh tổ chức dạy học qua truyền hình

Trưa 13-3, UBND TP.HCM đã có văn bản về việc kéo dài thời gian nghỉ học của HS các cấp đến hết ngày 5-4. Trong thời gian nghỉ học, Sở GD&ĐT TP cũng tăng cường tổ chức việc học qua truyền hình.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết sở đã chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh hình thức dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp các phần mềm dạy học trực tuyến cho các trường. Đặc biệt, sở đã phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức phát sóng ôn tập trên truyền hình các chủ đề kiến thức cho HS lớp 9 và lớp 12.

Các chủ đề ôn tập dành cho HS lớp 9 và lớp 12 sẽ được phát sóng trên kênh HTV key. Buổi sáng vào lúc 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ phát sóng các môn toán, văn và tiếng Anh lớp 9. Buổi chiều lúc 14 giờ, 15 giờ, 16 giờ phát sóng chương trình môn toán, vật lý và hóa học lớp 12.

Chiều 13-3, UBND TP Đà Nẵng cũng ký văn bản cho HS các cấp nghỉ học đến hết ngày 29-3. Trong thời gian nghỉ học, sở GD&ĐT TP này yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai ôn tập, hỗ trợ HS, học viên học trực tuyến. Trong đó, sở lưu ý tăng cường việc trao đổi hai chiều giữa giáo viên và HS, học viên thông qua các công cụ hỗ trợ ôn tập.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT TP này sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng thực hiện chương trình “Ôn tập lớp 12 truyền hình” để củng cố kiến thức, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT 2020. Chương trình sẽ phát sóng từ 9 giờ đến 10 giờ 30 từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần, từ ngày 16-3.

Bên cạnh đó, sở và các đơn vị sẽ phối hợp nghiên cứu tăng thời lượng phát sóng cũng như có thêm chương trình ôn tập cho HS khối lớp 9.

Tại Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT, cho biết sở chỉ đạo các trường khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế (trường học kết nối, SMAS, Facebook, Zalo) để hướng dẫn HS ôn tập bài từ xa qua mạng hoặc tổ chức trực tuyến E-learning.

Sở GD&ĐT tỉnh này cũng phối hợp với Viettel và VNPT Khánh Hòa tổ chức hội nghị triển khai việc tổ chức các khóa học, ôn tập trực tuyến cho HS.

Theo đó, các trường sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa học, ôn tập trực tuyến cho HS. Kế hoạch cần quy định cụ thể về thời gian, môn học, lớp, giáo viên. Bên cạnh đó, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn rà soát chương trình với các kiến thức trọng tâm để xây dựng các khóa học… Ngoài ra, phân cấp người theo dõi, thẩm định nội dung, chất lượng bài soạn trước khi đăng lên hệ thống, đồng thời theo dõi, đánh giá việc thực hiện tự học của HS…

Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa phát sóng chương trình ôn tập cho HS lớp 9 và 12.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, nói: “Tôi đã chỉ đạo cho các phòng chuyên môn nghiên cứu việc triển khai dạy học trực tuyến nhưng vẫn chưa thấy báo cáo. Chắc chắn trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tỉnh sẽ triển khai vấn đề này tới các trường vì Bộ GD&ĐT đã công nhận kết quả của phương pháp dạy này”.

Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch năm học

Chiều 13-3, Bộ GD&ĐT có văn bản hỏa tốc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.

- Kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020.

- Thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020.

Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian nêu trên, Bộ GD&ĐT lưu ý chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động quyết định thời gian cho HS đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm