‘Trăm dâu đổ đầu’ giáo viên

Thu các khoản tiền, tham gia phong trào đoàn thể, phải viết nhiều loại sổ sách dù các trường đều khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)… Chính những công việc này đã gây áp lực không nhỏ lên giáo viên.

Đi dạy kiêm thu tiền

Vào đầu năm học, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo gửi tới các trường về việc tuyệt đối không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi các khoản tiền. Thế nhưng thực tế tại một số trường đang diễn ra ngược lại.

Một giáo viên tại trường tiểu học ở quận Bình Thạnh than thở: “Ngoài đi dạy, tôi còn phải thu rất nhiều khoản tiền từ học sinh như chương trình Nụ cười hồng, kế hoạch nhỏ, tổ chức học sinh đi chơi, thu tiền sách giáo khoa…”.

Theo giáo viên này, vào cuối năm học, nhà trường lại giao chỉ tiêu cho các lớp về việc bán sách giáo khoa. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phải giới thiệu tới phụ huynh về các loại sách, chính họ sẽ phải thu tiền từ học sinh và phát hành sách.

“Ngoài ra, giáo viên còn phải làm rất nhiều sổ sách. Mặc dù đã có chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc ứng dụng CNTT để giảm tải các loại sổ sách và trong khi một số quận đã cho phép giáo viên in học bạ với mục đích giảm sai sót khi viết thế nhưng tại quận Bình Thạnh, hiệu trưởng nhiều trường vẫn bắt giáo viên viết tay” - giáo viên này nói.

Cùng chung nỗi niềm, một nữ giáo viên tại trường tiểu học ở quận Bình Tân, cho biết trong suốt một năm học, giáo viên phải quay cuồng với nhiều công việc không đúng với chuyên môn của mình.

Theo cô giáo này, đầu năm học, bản thân cô phải nhập dữ liệu toàn bộ học sinh vào máy, ngoài ra còn phải đi điều tra phổ cập trong khi công việc này thuộc về nhân viên phổ cập phường. Do địa bàn đông dân cư, một mình người này không làm kịp nên nhờ trường hỗ trợ. Vì thế hiệu trưởng lại đẩy về cho giáo viên.

Bước vào năm học, nữ giáo viên này phải thu tất cả khoản tiền từ tiền bảo hiểm, tiền học phí… Do đó, công việc đầu tiên khi vào lớp của cô là thu tiền, đếm tiền, thối tiền và đi nộp tiền. Và như thế cô giáo này cứ rơi vào vòng luẩn quẩn các loại tiền trong suốt năm học. Đến cuối năm học, ngoài việc chấm thi, bản thân cô còn kiêm người bán sách giáo khoa cho phụ huynh. Nếu không bán được sách, chính cô và các giáo viên cùng trường sẽ bị nhắc nhở. Thậm chí ở trường cũ của cô hồi xưa, ban giám hiệu còn bắt giáo viên phải bán quần áo học trò. Như thế vô tình giáo viên trở thành nhân viên bán hàng lúc nào không hay.

“Một điều nữa khiến tôi bức xúc là dù đã cập nhật CNTT, tất cả điểm số, lời phê học sinh đều được tôi nhập lên mạng thông tin liên lạc toàn quốc nhưng thay vì in ra thì học bạ của học trò, tôi vẫn phải viết tay. Một lớp 50 em, mỗi em hai trang, giáo viên sẽ phải viết 100 trang học bạ, trong khi còn nhiều việc khác. Chưa kể chỉ cần viết sai là tôi sẽ bị lập biên bản. Chưa hết, cứ đến những ngày lễ, Tết, chúng tôi lại phải tham gia rất nhiều cuộc thi từ các ban, ngành, đoàn thể dù không muốn. Có thể họ nghĩ giáo viên còn thừa thời gian lắm!” - giáo viên này bức xúc.

Ngoài việc dạy, giáo viên một số trường còn phải làm rất nhiều công việc khác.Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình trong một tiết dạy.Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

“Hãy để giáo viên chuyên tâm vào việc dạy”

Chia sẻ những tâm tư của mình, giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh nói: “Tôi mong muốn học sinh đến trường được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa thay vì ngày nào cũng bị nhắc đóng các khoản tiền. Hoạt động chủ yếu của giáo viên là dạy nên đừng biến giáo viên thành những người “chuyên thu tiền”. Như vậy vô tình làm mất đi hình ảnh của người thầy trong mắt học trò, phụ huynh”.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, cho hay giáo viên bị áp lực hay không phụ thuộc vào vị hiệu trưởng.

Tại Trường Tiểu học Mê Linh, giáo viên không phải thu tiền vì đã có bộ phận khác. Chuyện bắt giáo viên phải bán sách giáo khoa cho phụ huynh lại càng không. Bởi quan điểm của trường, chuyện nào phụ huynh làm được, trường sẽ không làm. Hơn nữa, để giáo viên đi làm những việc lặt vặt đó sẽ làm mất đi hình ảnh người thầy.

“Giáo viên làm nhiều việc hay không, điều đó phụ thuộc vào sự điều hành của người quản lý. Nếu họ thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên và luôn đặt nhiệm vụ giảng dạy lên hàng đầu thì họ sẽ biết triển khai công việc để làm sao đồng nghiệp không thấy áp lực” - ông Hùng nói.

Tương tự, bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, cho hay tại trường không có chuyện giáo viên phải thu tiền mua sách giáo khoa từ phụ huynh. Nếu phụ huynh có nhu cầu mua, có thể tới thư viện trường và nhân viên thư viện sẽ phụ trách việc đó.

Hơn nữa, hiện trường cũng đã ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy. Riêng học bạ các khối 3, 4, 5 có thể in xuống từ cổng thông tin liên lạc thay vì viết tay như trước, điều này giúp các cô đỡ mất thời gian. “Quan điểm của tôi là làm sao để giáo viên không phải tham gia quá nhiều công việc để chuyên tâm vào việc dạy” - bà Phượng nói.

Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường

Giám đốc, Sở GD&ĐT, trưởng Phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những hồ sơ, sổ sách theo quy định tại quy chế nhà trường.

Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên… 

Nhà quản lý thấu hiểu vì từng là giáo viên

Tôi cũng từng là giáo viên, từng chứng kiến những công việc dù không thuộc chuyên môn nhưng giáo viên phải thực hiện. Vì thế, khi lên làm quản lý, những chuyện vô lý, gây áp lực cho giáo viên, tôi hạn chế thực hiện. Vào các ngày lễ, giáo viên không còn phải tham gia các cuộc thi như hái hoa, nấu ăn… Tôi chủ trương giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách để họ có thời gian tập trung vào chuyên môn.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNGHiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh,
quận 3, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm