TP.HCM đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học

TP.HCM đang triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”. Trong đó giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực xây dựng TP văn minh, hiện đại.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Tại vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp TP, đề tài “Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh (HS) THPT trên địa bàn TP.HCM” của hai HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm.

Em Vũ Hồng Đức, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết tỉ lệ trầm cảm ở giới trẻ ngày càng tăng cao, trong khi đó trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến và có những chức năng để dự đoán mức độ trầm cảm của mỗi người. Do đó nhóm đã chọn sử dụng AI trong đề tài.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường đầu tiên tại TP.HCM tổ chức giảng dạy chuyên đề về AI cho HS. Theo ban giám hiệu nhà trường, từ năm học 2019-2020 trường bắt đầu triển khai dạy học đại trà về AI cho HS ba khối 10, 11 và 12. Tuy nhiên, hiện trường gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai giảng dạy AI như chưa có đội ngũ giáo viên chuyên ngành, do đó phải hợp tác với chuyên gia có chuyên môn cao về AI để giảng dạy chính. Cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đáp ứng tối đa cho giảng dạy, nguồn tài chính chi cho các hoạt động này còn khá cao.

Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) là một trong năm trường được UBND TP.HCM đầu tư xây dựng mô hình trường học thông minh. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã cho HS làm bài tập trên smartphone dưới sự quản lý chặt chẽ của giáo viên. Bài tập về nhà cũng được giao qua smartphone, HS phải hoàn thành bài và nộp trước khi đóng cổng thông tin. “Đây là một trong những hoạt động giúp HS sử dụng smartphone vào việc học rất thiết thực. Ngoài ra, trường còn có phần mềm 789 để HS tự làm bài tập ôn luyện và kiểm tra trực tuyến, làm bài xong HS có thể biết được điểm” - ông Thạch nói.

Tại Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp), bà Vũ Thị Thơ, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho hay trường đang bước đầu triển khai mô hình học tập thông minh. Việc ứng dụng giáo dục STEM (trang bị cho HS khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - PV) trong dạy học được xác định là chìa khóa của sự thành công để tạo ra môi trường giáo dục mở, hiện đại, đào tạo nên những thế hệ công dân thông minh.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang thuyết trình đề tài “Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh trên địa bàn TP.HCM”. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Người thầy giữ vai trò then chốt

“Trong phát triển giáo dục thông minh, vai trò của giáo viên và nhà quản lý rất quan trọng. Muốn thực hiện được trường học thông minh thì trước hết giáo viên phải thông minh, HS phải thông minh” - ông Thạch chia sẻ.

Theo ông Thạch, nếu giáo viên không cập nhật kiến thức, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, các thiết bị hiện đại làm sao có thể hướng dẫn cho HS. Hơn nữa, hiện nay các trường đang tiến dần đến mô hình học giảm bớt tài liệu giấy, giáo viên sẽ sử dụng công nghệ để biên soạn tài liệu, bài giảng, do đó nếu không rành công nghệ thông tin, không giỏi về kiến thức sẽ rất khó thực hiện. Giáo viên phải chủ động trong tiếp cận kiến thức, ngay cả ban giám hiệu nhà trường cũng phải cập nhật kiến thức liên tục mới có thể làm tốt vai trò quản lý.

Sở GD&ĐT TP.HCM luôn quan tâm bồi dưỡng để giáo viên tiếp cận nền giáo dục thông minh của các nước. Trong lớp học thông minh, thầy cô cần làm chủ công nghệ giúp HS sử dụng công nghệ để tăng cường giao tiếp giữa người dạy và học, lôi cuốn HS tham gia bài học qua nguồn dữ liệu sẵn có trên thiết bị của nhà trường.

 Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

“Phát triển giáo dục thông minh là một xu hướng bắt buộc và đã được các nước tiên tiến thực hiện từ lâu, nếu ta không theo kịp sẽ bị đào thải. Do đó, ngoài việc giáo viên tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ, ngành giáo dục cũng phải đầu tư bồi dưỡng giáo viên theo định hướng trường học thông minh, không nên để cho họ tự bơi” - ông Thạch nói.

Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thì cho rằng phát triển trường học thông minh đòi hỏi cả hệ thống cùng phải đổi mới. “Giáo dục thông minh nghĩa là công nghệ thông minh và con người thông minh. Trong đó, người thầy có vai trò quan trọng vì họ là người dạy trực tuyến, xây dựng nền tảng về dữ liệu thông minh trước khi truyền đạt cho HS” - ông Minh nói.

Đầu tư thư viện thông minh tiền tỉ

Bắt đầu từ năm học 2019-2020 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã đưa vào sử dụng thư viện thông minh với mức kinh phí được TP phê duyệt gần 15 tỉ đồng. Thư viện hai tầng lầu gồm nhiều phòng đa chức năng, cơ sở vật chất hiện đại. Đặc biệt, giáo viên có thể tổ chức dạy học ngay tại thư viện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm