TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng

Ngày 25-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh/thành tổng kết năm học 2019-2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020-2021 cấp Tiểu học.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chia sẻ những khó khăn mà TP gặp phải trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Hoàng cho biết thêm, cũng giống như các tỉnh, thành khác hiện TP đang gặp khó  trong công tác tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là tiếng Anh và Tin học.

Đến thời điểm này khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học tiểu học vẫn chưa có. Trong khi đây là những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT sớm có văn bản hướng dẫn để các tỉnh kịp thời tuyển dụng đồng thời có những chính sách đãi ngộ đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học để thu hút nhân tài" - ông Hoàng bổ sung thêm.

Một vấn đề khác được ông Hoàng đề cập những quy định hiện nay liên quan đến kinh phí cũng gây khó khăn cho các đơn vị cơ sở để thực hiện.

Đơn cử, theo thông tư 36 năm 2018 về lập dự toán quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức, giáo viên, các trường phải tự cân đối nguồn kinh phí và phát triển sự nghiệp để hỗ trợ tập huấn giáo viên. Tuy nhiên trên thực tế các trường tiểu học không thể có nguồn để bồi dưỡng giáo viên đại trà nếu bám sát theo thông tư 36. Do vậy,  Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.

Ông Hoàng cũng cho hay, hiện Sở GD&ĐT đang rất trông chờ vào điều lệ và thông tư hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1.

“Chúng tôi vui mừng khi nghe Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nói sẽ ban hành 2 văn bản này trước ngày khai giảng năm học mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chờ mong văn bản hướng dẫn  về việc dạy học online và đánh giá online trong trường hợp đặc biệt” - ông Hoàng nói thêm.

Cũng giống như Hà Nội, TP.HCM cũng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 do việc xây dựng trường lớp không theo kịp với tốc độ gia tăng dân số cơ học.

 “Để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, một số quận, huyện giảm tỉ lệ 2 buổi/ngày. Đối với những trường không đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày thì cũng đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ thời lượng như nội dung bắt buộc. Những nội dung mang tính tự chọn thì có thể cân nhắc để dạy. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế cho năm học này, năm học tới nếu vẫn tiếp tục như thế khó khăn sẽ chồng chất. Chúng tôi mong nhận được sự chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT cũng như các sở ngành có liên quan để quyết liệt trong công tác quy hoạch trường lớp” -  ông Hoàng nhấn mạnh.

Để hỗ trợ các địa phương giảm bớt áp lực về tăng dân số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cho biết đã cho phép nâng tầng các cơ sở trường học. Tuy nhiên, để có thể khắc phục căn cơ tình trạng này, các địa phương phải thực hiện các giải pháp như quy hoạch, bố trí đất, nâng mức đầu tư...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng các địa phương cần rà soát sắp xếp và bố trí quỹ đất tính toán căn cơ, tầm nhìn trung hạn, dài hạn. "Chúng ta phải có kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025, theo đó các địa phương bố trí vốn trung hạn, tránh tình trạng ăn đong từng năm một" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sắp tới bộ sẽ ban hành thông tư mới về đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phẩm chất năng lực kết hợp đánh giá thường xuyên với định kỳ. Khen thưởng học sinh phải thực chất, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa đúng dẫn đến hiệu ứng ngược.

Liên quan đến công tác tuyển dụng, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho hay về các vị trí việc làm Cục đang có điều chỉnh sao phù hợp với thực tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm