Thư viện đuổi theo công nghệ

Loay hoay chuẩn hóa

Ngoài mục đích phục vụ cho sinh viên (SV), việc xây dựng thư viện điện tử cũng là cách để tiếp thị hình ảnh rất tốt của trường đến cộng đồng. Do đó phong trào thiết lập thư viện điện tử đang diễn ra hết sức rầm rộ tại các trường đại học (ĐH). Tuy nhiên, những rào cản để hiện đại hóa hệ thống thư viện này là không nhỏ.

Trường ĐH Mở TP.HCM mặc dù có thư viện điện tử với gần 20 máy tính nhưng rất ít tài liệu chi tiết được đưa lên mạng. Hay như thư viện điện tử của ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn cũng sắp được đưa vào hoạt động, tuy nhiên hầu hết nội dung trên đó chỉ dừng lại ở dạng tiêu đề cũng như nơi để sách nhằm giúp SV dễ dàng tìm kiếm và mượn về. "Nếu gặp mùa thi rất nhiều SV đổ xô vào thư viện để mượn tài liệu, ai đến trước có trước, còn ai đến sau thì phải đợi, do vậy tải những giáo trình, dữ liệu cần thiết nhất lên thư viện điện tử thì chắc chắn không có tình trạng này xảy ra vì ai cũng có thể lên mạng để đọc" - Anh Khoa, một SV ĐH Quốc gia TP.HCM nói. Thậm chí một số trường có lượng SV rất lớn nhưng hiện vẫn chưa xây dựng được thư viện điện tử. "Ngoài kinh phí ra thì khó khăn đáng kể nữa là vấn đề bản quyền, và nguồn dữ liệu mở để có thể tải lên thư viện điện tử" - nhân viên quản thư của một trường ĐH cho biết. Không chỉ có thế, nguyên nhân quan trọng khiến thư viện điện tử của các trường chưa đạt chuẩn là vì thiếu nguồn nhân lực, do vậy các cơ sở đào tạo ngành thông tin thư viện cũng phải "chuẩn hóa" và "cập nhật hóa" một cách chủ động nhất mới theo kịp nhu cầu của xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp - Ảnh: N.Q
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp - Ảnh: N.Q

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp (Giám đốc Thư viện ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM):

"Giá trị thư viện không phải ở chỗ thư viện có bao nhiêu tài nguyên thông tin mà là đáp ứng nhu cầu thông tin có hiệu quả như thế nào, từ nhiều nguồn ở khắp nơi thông qua công nghệ mới. Thư viện điện tử là một bộ phận của thư viện (vì vẫn phải còn phải sử dụng sách báo lưu trữ dưới dạng hoạt động thư viện truyền thống), nhưng nhiều nơi vẫn còn có sai lầm khi quá chú trọng đến hình thức "hoành tráng" như xây dựng thư viện thật lớn, mua thật nhiều máy tính... mà quên tập trung cho nhiệm vụ chính để phục vụ tốt người sử dụng là phải thực hiện các bộ sưu tập số.

Một bộ sưu tập số bao gồm nhiều tài liệu dưới nhiều dạng thức khác nhau, như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, hình ảnh động... Ví dụ, một bộå sưu tập về đề tài "Phố cổ Hội An" sẽ bao gồm những tài liệu dạng văn bản về lịch sử, văn hóa, phong tục...; tài liệu dạng hình ảnh về những di tích, trang phục, các bản thiết kế...; tài liệu dạng âm thanh về những bài hát, dân ca...; tài liệu dạng phim về những lễ hội, sinh hoạt cộng đồng...

Nhựt Quang (ghi)

Hiện nay không ít trường vẫn giậm chân tại chỗ với cách quản lý thư viện hết sức rườm rà và thủ công. Khá nhiều trường còn không chịu cấp thẻ "tất cả trong một" cho SV mà vẫn áp dụng hình thức "đa thẻ" gây phiền hà trong khâu quản lý. "Ngoại trừ SV năm nhất, những SV năm hai, ba như tụi mình muốn mượn sách thư viện phải làm thêm thẻ thư viện. Mà nghịch lý là đằng sau thẻ SV của tụi mình có ghi rõ ràng là: thẻ SV đồng thời là thẻ thư viện. Vậy là sao?" - H.T.M, SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bức xúc. Đa số SV đều rất ủng hộ việc sử dụng thẻ có mã vạch mà SV thường quen gọi là thẻ "quét" để có thể vừa dùng làm thẻ ra vào cổng, thẻ SV và cả thẻ thư viện. Khi vào thư viện, SV chỉ việc đưa thẻ và quét qua một thiết bị điện tử là có thể mượn được sách về rất tiện ích.

Nếu tương lai, mỗi trường đều có hệ thống thư viện điện tử đúng chuẩn thì dù "bệt" ở bất cứ đâu trong khuôn viên trường có wifi, SV cũng tra cứu được tài liệu bằng Laptop mà không nhất thiết phải vào thư viện.

"Xài" thư viện quốc tế

Tại Trung tâm Học liệu tổng hợp của ĐH RMIT Việt Nam, trường đã trang bị một bộ tài nguyên điện tử gồm hơn 330 cơ sở dữ liệu điện tử cho giáo viên, nhân viên và SV của trường truy cập miễn phí. Riêng tài nguyên điện tử chuyên ngành có trên 14.000 loại báo - tạp chí điện tử, sách điện tử, dữ liệu hình ảnh và âm thanh kỹ thuật số. Để vào được thư viện, SV của trường chỉ cần có thẻ SV trước khi tạo một tài khoản để truy cập.

Với SV trường Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn, khi theo học chương trình AAS (Associate in Applied Science - tương đương cử nhân cao đẳng) đều có thể truy cập vào thư viện điện tử của HCC (Houston Community College - ĐH Cộng đồng Houston, Texas, Hoa Kỳ) - một đơn vị liên kết đào tạo của trường. SV sẽ được cấp một mã số thư viện để sử dụng các cơ sở dữ liệu như những SV đang theo học tại HCC ở Hoa Kỳ. Dù có phòng máy riêng dành cho thư viện, nhưng SV vẫn có thể sử dụng máy tính cá nhân của mình trong khuôn viên có thiết lập hệ thống mạng không dây wifi để vào thư viện điện tử.

Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định tuy mới đi vào hoạt động trong năm nay nhưng cũng trang bị hệ thống thư viện gồm cả thư viện truyền thống, thư viện online. Đặc biệt, hình thức liên kết website của các trường ĐH quốc tế với các trường khác còn mở rộng thêm nguồn sách báo tham khảo rất lớn cho việc nghiên cứu học tập của SV. Tuy nhiên, hạn chế của các SV Việt Nam với những website của các trường quốc tế chính là vấn đề ngoại ngữ.

Trí Quang - Hà Ánh (Theo TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm