Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kỳ thi quốc gia phải đảm bảo đồng thuận xã hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kỳ thi quốc gia phải đảm bảo đồng thuận xã hội ảnh 1
 

Sắp xếp lại hệ thống giáo dục

Trong báo cáo định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT đề ra hai phương án là giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản + 3 năm THPT) và phương án thêm một năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản+2 năm THPT).

Về chương trình ở bậc giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT. Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.

Đối với đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cơ bản về hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Theo đó, sẽ tiến hành sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp ở quận/huyện; các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; CĐ và CĐ nghề. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trường CĐ cộng đồng tại các địa phương, tổ chức đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ sơ cấp nghề; trung học nghề và CĐ nghề.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục ĐH sẽ được phân loại theo hai hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành. Đồng thời sẽ hình thành một số trường ĐH triển khai cả chương trình đào tạo theo cả hai hướng trên.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, sách giáo khoa sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu. Bậc giáo dục ĐH thì có phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH ứng dụng, thực hành nhưng phải đáp ứng hai yêu cầu đó là tương thích quốc tế và đảm bảo tính liên thông mở để xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Góp ý về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, các thành viên Ủy ban đồng tình với chủ trương tách riêng hai khâu này. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.

Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GD&ĐT cũng xin ý kiến về phương án Bộ trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được biên soạn.

Tại phiên họp, nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ sách giáo khoa mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.

Sớm công bố phương án thi

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ theo hình thức “ba chung”.

Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH-CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở bốn trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh.

Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp để đánh giá trình độ học sinh với đề thi kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh từ mức tốt nghiệp THPT đến tuyển sinh vào ĐH giống như phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu kết luận cuộc họp, về định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, CĐ nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn sách giáo khoa để báo cáo Quốc hội.

Về kỳ thi quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là hai yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH. Đối với ba phương án thi của Bộ GD&ĐT, kể cả phương án một bài thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức coi thi, chấm thi, đề thi và môn thi cũng như tổ chức kỳ thi quốc gia, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” -  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

 

Phương án một bài thi, hai mục đích

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ, cho biết trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án một bài thi tổng hợp trong kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới. “Ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời, các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Chúng tôi cũng đang đề xuất để một nhóm các trường ĐH cùng sử dụng kết quả bài thi tổng hợp này” - ông Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các trường ĐHQG có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có thể làm việc với Bộ GD&ĐT để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội ở mức độ nhất định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.