Thiếu biên chế và cơ chế

 Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, cho biết: Tại Trường Bạch Đằng, sự phối hợp giữa ban giám hiệu, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giám thị với chuyên viên tư vấn rất chặt chẽ để thông báo tình trạng tâm lý của trẻ với mục đích thống nhất phương pháp giáo dục cho học sinh, giúp trẻ an tâm và ổn định về mặt tâm lý tham gia tốt các hoạt động, vui chơi tại trường.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng vậy, hoạt động tư vấn ở nhiều trường vẫn đang bị vướng.

Thiếu chuyên viên, trường phải tự bơi

Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11, nêu thực trạng: Nhiều năm qua, trường không có chuyên viên tư vấn, nhà trường phải tự bơi, phải tư vấn cho học sinh bằng nhiều cách: Thông qua hộp thư Điều em muốn nói đặt tại lớp và một hộp thư dành cho các em muốn bày tỏ với cô hiệu trưởng. Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn, có những tình huống tâm lý ở lứa tuổi học sinh khiến thầy cô lúng túng hoặc có những lúc thầy cô không có thời gian lắng nghe hết ý của các em, không tư vấn thỏa mãn được hết yêu cầu của các em. Bên cạnh đó, học sinh cũng e ngại thầy cô nên sẽ không dám thổ lộ hết suy nghĩ của mình. Việc hiệu trưởng trả lời hộp thư Điều em muốn nói qua các buổi sinh hoạt dưới cờ chỉ trả lời những ý kiến chung, có tính điển hình chứ không thể có thời gian hướng dẫn các em trong giao tiếp, các hành vi ứng xử trong quan hệ gia đình, bạn bè. Do đó cũng không giải tỏa hết những vướng mắc về tâm lý. Chỉ có những chuyên viên được đào tạo, được trang bị những kiến thức và những kỹ năng tham vấn cơ bản và chuyên nghiệp mới có thể giúp đỡ các em một cách hiệu quả hơn.

Thiếu biên chế và cơ chế ảnh 1

Giáo viên Trường Tiểu học Phùng Hưng đang tư vấn cho học trò: Ảnh QUỐC VIỆT

E ngại tư vấn viên chuyên nghiệp

Tuy nhiên, có xu hướng ngược lại, một số trường lại e ngại không muốn tiếp nhận các tư vấn viên chuyên nghiệp. TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, chuyên viên tư vấn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, nêu: Ban giám hiệu một số trường từ chối tiếp nhận chuyên viên tư vấn học đường với lý do không có kinh phí hoặc thẳng thừng nói “Nhận anh chị vào rồi không biết giao việc gì cho anh chị bây giờ”. Có nơi tiếp nhận nhưng lại yêu cầu chuyên viên làm những việc không thuộc chức năng tư vấn tâm lý. TS Đinh Phương Duy phân tích: Trong thực tế, chuyên viên tư vấn không thể tự mình tham gia vào các hoạt động của nhà trường để tìm cơ hội khẳng định năng lực tư vấn của mình, họ cần có môi trường để chứng minh năng lực, để được “thử việc” và được công nhận một cách chính thức. Gần đây, một số chuyên viên tư vấn làm việc tại các trường phổ thông một cách bán chính thức vì họ không được ngành giáo dục trả lương, hoạt động không theo một quy chế cụ thể nào, hay họ không được lãnh đạo, quản lý một cách danh chính ngôn thuận.

Cạnh đó, đội ngũ sư phạm nhà trường có tâm lý e ngại vì sợ chuyên viên phát hiện những sơ suất của bản thân, “cạnh tranh” ảnh hưởng đối với học sinh và dẫn tới biểu hiện cực đoan là tỏ thái độ ác cảm, bất hợp tác, thậm chí gây cản trở cho công tác tư vấn học đường.

Học sinh thử thầy, phụ huynh nghi ngại

Mặt khác, nhiều học sinh chưa hiểu vai trò, nhiệm vụ của chuyên viên tư vấn học đường, hiểu sai về động cơ làm việc của chuyên viên như “dụ dỗ mình khai sự thật để…”. TS Bích Hồng cho biết: Có những học sinh tự bịa ra những tình huống trắc trở để “thử tài” chuyên viên. Một bộ phận học sinh cho rằng “ai yếu đuối mới cần tư vấn” hoặc “đến tư vấn sẽ bị chê cười, chọc ghẹo” và thực tế đã có học sinh dè bỉu, trêu cợt những bạn đến gặp chuyên viên để tư vấn. Về phía phụ huynh thì cho rằng tư vấn học đường là không cần thiết và răn đe con họ “không được đem chuyện nhà đi nói với người khác”. Học sinh đến tư vấn thường đề nghị giữ kín, không muốn cha mẹ biết mình đến gặp chuyên viên. Những trường hợp này gây khó khăn cho công tác tư vấn khi vấn đề có liên quan trực tiếp đến cha mẹ các em.

TS Đinh Phương Duy đề xuất: Ngành giáo dục cần có thái độ rõ ràng và dứt khoát về công tác tư vấn học đường, hoạt động theo cơ chế nào, theo các quy định nào. “Tư vấn học đường là một hoạt động mang tính định hướng giáo dục, đặc biệt trong nhà trường lại hết sức cần thiết và vì vậy rất cần thiết phải có sự thống nhất về nhận thức và phương pháp thực hiện” - TS Duy nói.

Tư vấn tâm lý học đường còn nhiều vướng mắc

Tư vấn tâm lý học đường là cần thiết nhưng còn quá mới mẻ. Làm thế nào để công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông đạt hiệu quả nhất? Hội nghị sơ kết công tác tư vấn học đường cho học sinh từ tiểu học đến THPT năm học 2010-2011 do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức ngày 26-11 đã lý giải những vướng mắc từ thực tế và chỉ ra những bất cập.

Cô Phạm Thị Ánh Hồng, giáo viên tâm lý giáo dục Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8), chia sẻ: “Khi tiếp xúc với nhiều tình huống phức tạp của học sinh, chúng ta cần có những tư vấn viên chuyên nghiệp để tiếp cận, động viên, khuyến khích và vạch ra những tình huống mà các em sẽ vấp phải, chỉ rõ cho các em thấy nếu sa chân vào thì các em và gia đình, người thân sẽ phải ân hận suốt đời… Thực tế, nhiều học sinh qua tư vấn từ chỗ rơi vào tình huống tiêu cực đã nhận thức được việc mình làm là sai và quyết tâm học tốt”.

Cần quan tâm các hoạt động sau tư vấn

Tư vấn học đường cần sự hỗ trợ của công tác xã hội chuyên nghiệp nên tư vấn viên cần hiểu công tác xã hội cá nhân kết hợp cùng nhà trường và gia đình theo dõi, trợ giúp cho học sinh từng bước điều chỉnh thái độ, hành vi để phát triển bền vững. Do vậy, hoạt động tư vấn không chỉ đơn thuần tư vấn học sinh ngay tức thời khi các em căng thẳng. Sau tư vấn, hoạt động còn cần nâng đỡ qua mạng lưới liên kết để huy động nguồn lực, các dịch vụ xã hội khác can thiệp, tiếp sức, hỗ trợ kịp thời.

TS giáo dục THẠCH NGỌC YẾN
(Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

Nhà tư vấn sẽ được hưởng chế độ như giáo viên

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn học đường. Ngành sẽ tuyển tư vấn viên chuyên nghiệp và có chuyên môn cao được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, khối khoa học xã hội và tạo điều kiện cho họ hoạt động độc lập như những bộ môn khác của trường. Ban giám hiệu phải xem họ như là một trong những thành viên của đội ngũ sư phạm của nhà trường, họ sẽ được trả lương và chế độ ưu đãi như những giáo viên khác.

Để giải quyết xung đột giữa tư vấn viên với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt nghiệp vụ giữa chuyên viên tư vấn với các giáo viên bộ môn có liên quan, chia sẻ những vướng mắc thực tế để cùng nhau đồng lòng, cùng nhà trường giúp học sinh vượt qua những vướng mắc trong học tập, đời sống.

Hằng quý, nhà trường cần tổ chức đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm.

Dự kiến một quý/lần Sở GD&ĐT sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề (do Hội Tâm lý giáo dục TP đề xuất nội dung) để cùng nhau thảo luận. Qua hội thảo này, cán bộ tư vấn, giáo viên các trường tham gia, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cũng như những vướng mắc tồn tại cần tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng, hợp tác để nâng cao tay nghề tư vấn, tránh việc phân biệt đối xử.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm