Thi vào lớp 10: Đừng để rớt vì… ảo tưởng

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm học 2019-2020. Năm học này, 112 trường THPT công lập sẽ tuyển gần 70.000 học sinh (HS) lớp 10, trong khi đó số HS lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS gần 100.000 em. Như vậy, sẽ có hơn 30.000 HS rớt khỏi lớp 10 công lập, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay.

26 điểm vẫn trượt ba nguyện vọng

Sáng 13-4, Trường THCS Lữ Gia, quận 11 đã tổ chức buổi tư vấn phân luồng sau tốt nghiệp THCS với sự tham gia của toàn bộ HS khối 9, phụ huynh và các trường nghề, dân lập trên địa bàn.

Thầy Bùi Thành Đức, Phó Hiệu trưởng, bày tỏ: “Năm vừa rồi, có trường hợp một HS đạt 26 điểm nhưng vẫn trượt ba nguyện vọng (NV). Năm nay để tránh tình trạng trên, tôi mong các em hãy xác định xem mình muốn gì, sức học của mình đến đâu, có khả năng vào các trường công lập hay không. Bởi hiện nay có rất nhiều con đường để các em lựa chọn, còn có trường nghề, các trường dân lập”.

Theo thầy Đức, từ đầu năm đến nay công tác tư vấn phân luồng luôn được nhà trường quan tâm. Trường đã tổ chức rất nhiều cuộc họp phụ huynh để nói về vấn đề này. Làm sao để phụ huynh hiểu được năng lực của con mình, từ đó không gây áp lực lên các con và tôn trọng sự chọn lựa của các con mới là điều quan trọng. Và điều này phụ thuộc rất lớn vào giáo viên chủ nhiệm các lớp bởi họ là người hiểu rõ sức học cũng như khả năng của các em nhất.

Phó hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, quận Gò Vấp cũng cho biết hoạt động này luôn được nhà trường chú trọng. Ban giám hiệu nhà trường đã trực tiếp nói chuyện với HS, phụ huynh về vấn đề trên. Đầu tiên nhà trường tư vấn phân luồng trước, bởi trước hết gia đình cũng như các em phải xác định được hướng đi. Sau đó nếu tiếp tục muốn thi lên cấp III thì bắt đầu quan tâm đến việc chọn NV.

“Có phụ huynh đã hỏi tôi: Nếu con thi rớt cả ba NV vào THPT thì có quay lại học trường nghề được không. Tôi trả lời: Trên cơ bản là được nhưng xin quý vị hãy cân nhắc bởi sức học của con hạn chế mà các vị cứ bắt con phải thi sẽ tạo áp lực cho con. Cho nên tốt nhất từ bây giờ quý vị hãy hướng cho con một lối đi phù hợp, trường nghề cũng là một chọn lựa tốt” - vị này khẳng định.

Học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1 tới tìm hiểu mô hình học tập tại Trường THPT Lương Thế Vinh.  Ảnh: AN NGUYỄN

Đưa học trò cấp II đến trường THPT tham quan

Trong khi đó, Trường THCS Minh Đức, quận 1 lại đưa học trò của mình đến các trường THPT tham quan.

Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau Tết nhà trường đã cho HS đăng ký NV. Khi đã có bảng hệ thống NV, trường đã có thống kê về số lượng HS đăng ký vào các trường THPT trên địa bàn. Qua đó, nhà trường có thể biết được trường nào được các em lựa chọn nhiều. “Đối với hai trường tập trung đông HS đăng ký như THPT Lương Thế Vinh và Nguyễn Hữu Thọ, để giúp các em hiểu rõ hơn về ngôi trường mơ ước, tôi đã liên hệ với hiệu trưởng các trường đó để đưa HS tới tìm hiểu”.

“Tại buổi tham quan đó, các em được giới thiệu về ngôi trường, tham quan khu vực ăn, nghỉ trưa, tìm hiểu về mô hình học tập. Sau chuyến đi, học trò cảm thấy rất thích thú. Có em ban đầu chỉ chọn Lương Thế Vinh là NV2 nhưng giờ đã đặt lên NV1 với quyết tâm cao. Trong khi đó, có em chỉ chọn Nguyễn Hữu Thọ là NV2 giờ lại xác định là NV1. Chính những trải nghiệm thực tế trong chuyến đi đó giúp các em xác định lại NV mình đã chọn lựa. Tuy nhiên, để thực hiện được hoạt động này đòi hỏi tâm huyết của hiệu trưởng hai trường” - cô An khẳng định.

Không chỉ có HS cấp II tới tìm hiểu các trường THPT công lập mà năm nay, một số trường THPT công lập cũng đã chủ động đi đến các trường cấp II để giới thiệu về trường mình. Như năm học 2018-2019, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã đến khoảng 10 trường THCS ở một số quận tư vấn về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, các hoạt động học tập, trải nghiệm của trường.

Bốn lời khuyên dành cho học sinh

Để chọn đúng NV, HS cần phải căn cứ vào những yếu tố sau:

Thứ nhất, các em cần căn cứ vào năng lực thực tế của mình, cụ thể kết quả học tập của ba môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ trong năm học này. Thứ hai, cần nghiên cứu kỹ điểm chuẩn của các trường mình muốn vào trong ba năm liền kề trước đó. Thứ ba, các em nên dành thời gian đến tham quan để nắm sơ bộ về ngôi trường mà mình muốn theo học. Thứ tư, các em cần phải xem ngôi trường mình theo học có tiện cho việc đi lại, tránh trường hợp trúng tuyển xong thấy trường quá xa lại xin chuyển trường gây nên sự xáo trộn.

Ông NGUYỄN VĂN NGAInguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm