Thi tốt nghiệp THPT 2009: Sẽ đảm bảo tính khả thi của việc “thi cụm, chấm chéo”

* Việc thi cụm đã chính thức được quyết định nhưng nhiều địa phương vẫn băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của việc thi cụm. Đặc biệt là việc thí sinh sẽ gặp khó khăn phải di chuyển đến những địa bàn xa để thi. Vậy bộ sẽ có hướng dẫn như thế nào để giải quyết những lúng túng cho địa phương?

- Đây là năm đầu tiên việc thi cụm được đưa vào quy chế thi, bắt buộc thực hiện trên cả nước nhưng thực chất không phải hoàn toàn mới. Hưởng ứng việc chống tiêu cực trong thi cử, những năm trước Nghệ An cũng tổ chức thi cụm. Thừa Thiên - Huế tập trung toàn bộ thí sinh về TP để thi. Thực tế ở các địa phương đã làm cho thấy việc thi cụm không khó thực hiện, thi cụm cũng là một trong những giải pháp tăng tính nghiêm túc, an toàn, công bằng cho kỳ thi.

Dựa trên kết quả phân tích kết quả thi của các tỉnh trên toàn quốc và kinh nghiệm của các tỉnh đã tổ chức thi cụm, Bộ GD-ĐT mới đi đến quyết định thi tốt nghiệp theo cụm. Nhưng để việc thi cụm được triển khai tốt trên toàn quốc, sắp tới chúng tôi sẽ soạn thảo hướng dẫn về việc chia cụm.

Dự thảo này sẽ được thảo luận tại hội nghị tập huấn về thi trước khi ban hành chính thức, dự kiến tháng 4-2009. Theo đó, việc chia cụm sẽ được sắp xếp trên cơ sở tính toán để thuận tiện nhất trong việc đi lại cho thí sinh, đồng thời đảm bảo sự an toàn trong khi diễn ra kỳ thi.

Những trường hợp đặc biệt như trường học ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giao thông khó khăn, các sở GD-ĐT phải có báo cáo và trình bày lý do cụ thể về Bộ GD-ĐT. Nếu có lý do xác đáng sẽ được phép tổ chức cụm thi chỉ có 1-2 trường. Và bộ sẽ có biện pháp để tăng cường cán bộ của Bộ GD-ĐT làm thanh tra và giám thị phòng thi.

HS lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM đặt câu hỏi về thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 tại buổi tư vấn “Định hướng nghề nghiệp” sáng 22-2-2009 - Ảnh: NHƯ HÙNG
HS lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM đặt câu hỏi về thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 tại buổi tư vấn “Định hướng nghề nghiệp” sáng 22-2-2009 - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Với điểm mới là đề thi có hai phần chung và riêng, thí sinh học ban nào chỉ được làm phần đề riêng của ban đó. Như vậy cùng với việc tổ chức thi theo cụm, việc sắp xếp thí sinh sẽ phức tạp. Vậy Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể thế nào trong việc này?

- Chúng tôi đã quy định rất cụ thể việc sắp xếp thí sinh theo phòng thi thế nào trong quy chế thi vừa ban hành. Theo đó, có ba bước để lập danh sách thí sinh ở mỗi cụm trường. Bước 1: sắp xếp thí sinh theo thứ tự ban: ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội, ban cơ bản, giáo dục thường xuyên (nếu có). Bước 2: xếp theo thứ tự các môn ngoại ngữ (mà thí sinh sẽ dự thi): Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Bước 3: trong mỗi ngoại ngữ hoặc trong danh sách thí sinh giáo dục thường xuyên, tên thí sinh sẽ xếp theo thứ tự ABC. Số báo danh của thí sinh được đánh từ 001 đến hết.

Mỗi phòng thi bố trí tối đa 24 thí sinh, riêng các phòng thi cuối bao gồm các thí sinh còn lại của các ban, thí sinh giáo dục thường xuyên, sẽ sắp xếp tối đa 28 thí sinh/phòng. Cứ theo các bước này thì không có gì phức tạp. Đối với phòng thi có nhiều đối tượng thí sinh dự thi, giám thị sẽ được hướng dẫn để thu bài thi của thí sinh theo các túi bài riêng của từng đối tượng. Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm tập huấn giám thị kỹ vì đây là điểm mới lần đầu tiên thực hiện.

* Với việc chấm chéo, thí sinh muốn chấm phúc khảo bài thi phải nộp đơn cho đơn vị nào?

- Thí sinh có điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 2,0 điểm trở lên, nếu có nguyện vọng có thể nộp đơn phúc khảo cho trường THPT nơi mình học. Trường có trách nhiệm tập hợp đơn chuyển cho sở GD-ĐT và sở sẽ chuyển cho hội đồng chấm thi phúc khảo của tỉnh mình toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm của thí sinh, chuyển cho hội đồng chấm phúc khảo của tỉnh chấm bài thi tự luận toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo môn thi tự luận của thí sinh. Sau khi chấm thi phúc khảo xong, các hội đồng chấm thi phải chuyển dữ liệu và bài thi về sở GD-ĐT có thí sinh dự thi để quản lý, lưu giữ.

* Việc bố trí các tỉnh chấm chéo sẽ dựa vào cơ sở nào? Khi nào có thể thông báo việc sắp xếp các đơn vị chấm thi? Khi bố trí chấm chéo, Bộ GD-ĐT có xem xét đến sự tương ứng về mặt bằng trình độ thí sinh để tránh việc chấm “lỏng”, hay chấm “chặt” gây thiếu công bằng cho thí sinh như dư luận lo ngại?

- Chúng tôi sẽ cân nhắc về số lượng thí sinh dự thi tương ứng với lực lượng giám thị có thể huy động để sắp xếp đơn vị chấm thi. Ngoài ra, việc bố trí cũng phải xem xét vấn đề di chuyển thuận lợi, có phương án đảm bảo an toàn. Dĩ nhiên có những địa phương đông thí sinh dự thi sẽ phải sắp xếp lực lượng chấm thi đến hai tỉnh khác nhau trở lên. Hoặc nơi có lực lượng chấm thi đông có thể sẽ chấm cho nhiều tỉnh khác nhau.

Chúng tôi sẽ công bố sắp xếp đơn vị chấm thi trước kỳ thi đủ để các đơn vị chuẩn bị. Sẽ không có chuyện chấm “lỏng” hay “chặt” tùy theo từng hội đồng chấm thi, mà các hội đồng chấm thi và người chấm phải bám vào đáp án, thang điểm, đúng quy trình chấm thi đã được quy định. Có thể sẽ tăng cường lực lượng thanh tra cho khâu này.

Năm nay, để tăng thêm tính pháp lý, quy định về chấm thi trắc nghiệm cũng đã được đưa vào quy chế thi chứ không chỉ nêu ở hướng dẫn thực hiện như năm trước.

Trong quy trình chấm bài thi tự luận, quy chế năm nay đã nêu rõ: trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi phải tổ chức cho các thành viên nghiên cứu kỹ hướng dẫn và thực hiện chấm chung mười bài để giúp các giám khảo nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Mười bài này sẽ cho điểm ngay và ghi rõ “bài chấm chung”. Sau đó mới tiến hành việc chấm thi theo hai vòng độc lập.

Theo TRỊNH VĨNH HÀ  ( TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm