Thí sinh đổ xô nộp hồ sơ xét tuyển học bạ

Năm 2020, thay vì xét điểm thi THPT, xét học bạ đã trở thành phương thức chính được hầu hết các trường đại học (ĐH) lựa chọn với tỉ lệ chỉ tiêu chiếm khá cao. Để tăng cơ hội vào ĐH, thí sinh vì thế cũng đổ xô nộp hồ sơ từ rất sớm, không chỉ đăng ký nhiều ngành mà còn nộp vào nhiều trường.

Trường đại học đồng loạt nhận hồ sơ sớm

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa công bố điểm trúng tuyển đối với phương thức xét học bạ đợt 1 (nhận hồ sơ từ ngày 16-3 đến 15-5) theo tổng điểm trung bình ba học kỳ. Đây cũng là một trong ít trường ĐH tại TP.HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm nhất đến thí sinh khi các em vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh của trường, cho hay phương thức xét tuyển học bạ rất hút thí sinh dù chỉ tiêu chỉ 25%. Mới chỉ sau hơn một đợt nhận hồ sơ, trường đã nhận được khoảng 6.500 nguyện vọng đăng ký. Số này tăng đáng kể so với năm ngoái, do thí sinh muốn có những “giải pháp an toàn” khi lịch học, lịch thi năm nay đều có nhiều biến động.

Trong đó, theo bà Dung, nhóm ngành thu hút thí sinh vẫn là các ngành kinh tế - quản trị như quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, hay ngoại ngữ như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn. Nhóm ngành liên quan đến truyền thông - quảng cáo cũng có số lượng xét tuyển tăng đáng kể.

Tương tự, ThS Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho biết nhà trường đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1-3 và sẽ kéo dài đến ngày 30-6. Và đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã nhận hơn 2.700 nguyện vọng đăng ký. Số lượng này tăng hơn hẳn năm 2019.

Trong đó, thí sinh quan tâm nhiều nhất đến các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, du lịch, công nghệ truyền thông, luật kinh tế, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh...

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận xét tuyển bằng học bạ và đã nhận hồ sơ từ ngày 24-4 với số lượng thí sinh quan tâm rất lớn. Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng lần đầu tiên sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ và nhận hồ sơ theo ba đợt, bắt đầu từ ngày 22-4 đến 5-7.

Thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2020 tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: NT

Gặp khó với thí sinh ảo

Việc các trường đồng loạt xét học bạ và tăng chỉ tiêu mạnh cho phương thức này khiến thí sinh sẽ tăng cơ hội vào ĐH hơn nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn để tuyển được thí sinh.

Theo ThS Doãn Nguyên, năm nay các trường ĐH, kể cả trường công lập lớn đều xét tuyển theo học bạ THPT và hình thức cũng đa dạng như xét học bạ cả ba năm, xét học bạ năm học kỳ, ba học kỳ, xét học bạ thep tổ hợp môn... Do đó, số lượng thí sinh ảo sẽ nhiều hơn năm trước.

“Để hạn chế thí sinh ảo, những năm qua trường đã thực hiện tư vấn định hướng ngành học rất kỹ cho thí sinh, thực hiện lọc trùng, lọc ảo... Nhưng quan trọng nhất là thí sinh nên tìm hiểu kỹ về ngành học, trường học trước khi đăng ký xét tuyển để không nộp hồ sơ xét tuyển ở quá nhiều nguyện vọng và quá nhiều trường” - ThS Doãn Nguyên lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung cũng cho rằng phương thức nào cũng có số lượng nguyện vọng ảo nhưng xét tuyển học bạ số lượng ảo nhiều do thí sinh xét tuyển nhiều ngành, nhiều hồ sơ, thậm chí là tại nhiều trường. Từ đó, thí sinh trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường cùng lúc để rồi chọn lọc lại nguyện vọng phù hợp nhất với mình.

“Đây cũng là thực tế tâm lý và nguyện vọng của thí sinh nên trường phải chia thành nhiều đợt nhận hồ sơ học bạ, cũng tương ứng có những đợt nhập học khác nhau. Sau mỗi đợt nhập học thì nhà trường sẽ có căn cứ để đánh giá về tình trạng ảo và quyết định chỉ tiêu cho đợt xét tuyển tiếp theo” - bà Dung cho hay.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc các trường dành nhiều chỉ tiêu hơn cho xét tuyển học bạ sẽ giúp các thí sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, để hiệu quả, công tác tư vấn tuyển sinh là quan trọng nhất. “Tuyển sinh thay đổi, hệ thống ngành nghề phải thay đổi thường xuyên và các công cụ lựa chọn ngành nghề cần phải cập nhật thường xuyên hơn nữa. Bản thân thí sinh cần phải phân biệt được mình “thích” với mình “phù hợp” với các ngành nghề nào, phù hợp học trường nào mới chọn chính xác được” - ThS Sơn chia sẻ.

Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường ĐH lọc ảo ở đợt 1 nếu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn đối với các phương thức khác như xét học bạ, thi đánh giá năng lực..., thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường trong thời hạn do trường đưa ra. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Trước ngày cuối của tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12 và theo lịch tuyển sinh đợt 1, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học theo tất cả phương thức của các đợt tuyển sinh lên trang điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để loại số thí sinh đã nhập học này ra khỏi danh sách xét tuyển các đợt tiếp theo.

(Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm