Tại sao học sinh không thích học sử?

Một đất nước mà những công dân trẻ tuổi, ưu tú không biết gì đến lịch sử nước mình sẽ đi về đâu? Nghe nhiều câu chuyện kể mà cười ra nước mắt.

Một giáo viên dạy sử ở Hà Nội kể lại: Một học sinh lớp 7 ở quận Đống Đa, Hà Nội bảo Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em; có em thì bảo Nguyễn Huệ là Nguyễn Du! Lại có em còn cho rằng Bà Trưng và Bà Triệu là hai chị em! Nói chung là các em rất thờ ơ với môn sử. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chỉ có 15% thí sinh đăng ký thi môn sử. Có hội đồng thi chỉ có một thí sinh thi sử. Còn bài làm, theo một vị giám khảo chấm môn sử cho biết rất nhiều bài thi môn sử dưới 1 điểm. Thậm chí có thí sinh để giấy trắng, dĩ nhiên phải nhận điểm 0!

Không chỉ lớp học sinh nhỏ tuổi không thích học sử, dốt sử nước nhà mà cả nhiều thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, cán bộ, viên chức cũng dốt sử mà chúng ta dễ bắt gặp ở những cuộc thi hoặc các trò chơi thi thố trên truyền hình. Mới tuần vừa qua, tại gameshow “Ai là triệu phú” do nhà báo kỳ cựu Lại Văn Sâm dẫn chương trình trên VTV3, một thí sinh 24 tuổi được giới thiệu là cô giáo dạy kỹ năng sống trả lời rất thông suốt các câu hỏi nhưng đến câu hỏi rất đơn giản về lịch sử Việt Nam cận đại: Vua Hàm Nghi thuộc triều đại nào trong ba đáp án: Triều Lê, triều Trần hay triều Nguyễn. Thế nhưng cô ấp úng và xin sử dụng quyền trợ giúp. Tôi bèn tắt tivi, nằm suy nghĩ mãi nhưng không thể hiểu nổi. Nhà vua yêu nước Hàm Nghi và phong trào Cần Vương chống Pháp có trong lịch sử lớp 5 mà một cô giáo dạy kỹ năng sống không biết. Chẳng lẽ kỹ năng sống bây giờ chẳng cần quan tâm tới lịch sử nước nhà?

Ngay từ những ngày đầu giành lại độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”. Thế mà sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống ngày càng được nâng cao thì lớp công dân trẻ ngày càng lơ là với lịch sử nước nhà. Lỗi tại ai? Tại những nhà hoạch định chính sách giáo dục? Do những nhà giáo thiếu tâm huyết? Hay vì phương pháp giáo dục kém, không hấp dẫn người học? Và còn gì nữa…? Có lẽ tại tất cả. Và cũng thật ngạc nhiên khi đến bây giờ, sau bao nhiêu báo động của xã hội về chuyện “một bộ phận không nhỏ” lớp trẻ hôm nay dốt sử nước nhà nhưng môn lịch sử vẫn là một môn họcrất phụ, thầy dạy sử vì là dạy môn phụ nên thường dạy qua quýt, học sinh học cho có, kiểu “cà lơ phất phơ” nên làm sao kích thích sự yêu thích môn sử. Đáng nói là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - hội đầu ngành lịch sử nhưng hình như đứng ngoài chuyện giáo dục lịch sử, hoặc giả nếu có thì chỉ tham gia trong chương trình soạn sách giáo khoa lịch sử chứ chưa thấy đưa ra được cải cách nào về phương pháp dạy sử trong nhà trường. Hay là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chỉ lo nghiên cứu lịch sử hàn lâm thôi?

Tại các nước phát triển có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, một đất nước có lịch sử chỉ mới 240 năm và nhân dân thì hợp chủng từ khắp nơi trên thế giới tụ lại nhưng môn lịch sử là môn học và thi bắt buộc chứ không nhiệm ý như ở Việt Nam, một đất nước được cho rằng có 4.000 năm văn hiến và dân tộc là “đồng bào”do truyền thuyết từ một bào thai trăm trứng của một mẹ Âu Cơ mà ra.

Những người có trách nhiệm và quan tâm tới lịch sử nước nhà hãy ngẫm lại xem.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm