Sổ sách hành chính “đè” giáo viên

Sổ sách được gọi thành... hàng đống

Thầy Nguyễn San Hà, giáo viên (GV) Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TPHCM cho hay, bên cạnh việc dạy học cùng công tác kiêm nhiệm, GV phải giải quyết rất nhiều sổ sách, thủ tục mang tính chất hành chính.

“Như tôi thường xuyên phải lo 10 loại hồ sơ như sổ chủ nhiệm, sổ báo bài, sổ họp nhóm, họp tổ, sổ kế hoạch... Làm bất cứ việc gì, GV phải cũng phải có hồ sơ rất tốn thời gian , mà nhiều hồ sơ không bổ sung gì cho chuyên môn”, thầy Hà nói.

Sổ sách hành chính “đè” giáo viên ảnh 1
Ngoài việc dạy học, giáo viên phổ thông phải lo rất nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính.
Nói đến hồ sơ sổ sách ở trường học, thầy T.P.Th, GV THPT ở Lâm Đồng lắc đầu đầy mệt mỏi, ngán ngẩm. Riêng việc liệt kê khoảng 20 loại hồ sơ, sổ sách, GV này phải cập nhật hàng tuần cũng đã làm người đối diện chóng mặt. Hồ sơ IOE (chuyên môn về tiếng Anh) gồm kế hoạch đầu năm, nhận xét hàng tuần với danh sách thí sinh (tầm 250 em), kế hoạch thi, phân công coi thi cấp trường, biên bản thi/Sổ điểm cá nhân/Sổ điểm chính/Sổ báo giảng/Sổ dự giờ/Sổ họp/Sổ kế hoạch (khoảng 5 loại). Chưa hết, còn có sổ chủ nhiệm/Sổ quản lý học sinh (gồm biên bản, thông báo, nhận xét hàng tuần, biên bản họp lớp hàng tuần, biên bản nhận xét hạnh kiểm hàng tuần, hàng tháng)/ Sổ tự học, tự bồi dưỡng theo yêu cầu đổi mới/Sổ tự bội dưỡng chuyên môn. Xêm xêm chục loại giáo án như giáo án ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, lao động, giáo án dạy buổi chiều, giáo án dạy buổi sáng (mỗi lớp chuyên – nâng cao giáo án khác nhau)... Song song với đó là viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích, nghiên cứu bài học. Thầy T.P.Th cho biết, vừa để lo bài vở vừa lo sổ sách, đêm nào thầy cũng phải thức đến 1 giờ sáng. Hầu như các mối quan hệ bạn bè, xã hội và ngay cả đối với gia đình đều bị “bòn rút” tối đa.
Hồ sơ “dằn” chất lượng dạy học
Với hàng tá loại sổ sách, hồ sơ đang tồn tại trong trường học, GV dành rất nhiều thời gian để hoàn thành - kể cả làm đối phó. Nhiều GV sau giờ đứng lớp là lao vào sổ sách, giấy bút... vẫn không hết việc, ảnh hưởng rất nhiều đến việc đầu tư cho chuyên môn dạy học cũng như đời sống của họ. Thầy Nguyễn San Hà bức xúc đánh giá việc quản lý giáo dục còn nặng về hành chính sự nghiệp đã gây không ít áp lực cũng như khó khăn cho nhà trường nói chung và GV nói riêng. Điều này làm ảnh hưởng đến năng lực tự học, tự nghiên cứu của GV phổ thông. “Nhiều GV có các ý tưởng, nhiều sáng tạo trong việc dạy học nhưng vì vướng cái gì cũng phải làm hồ sơ, hành chính rắc rối nên họ bỏ không muốn làm”, thầy Hà bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạnh, Q. Phú Nhuận, TPHCM nêu ra dẫn chứng về áp lực thời gian của GV ảnh hưởng chất lượng giáo dục: "Năm nay, TPHCM thực hiện không chấm điểm cho học sinh lớp 1 mà chỉ nhận xét, đánh giá. Đây là một cách hay nếu GV có thời gian đầu tư. Còn thực tế, GV quá nhiều việc nên đôi khi họ làm cho xong chứ không “lẩy” được thế mạnh của từng bài làm. Giờ giải lao, ăn trưa, GV cũng cặm cụi tranh thủ lo sổ sách, chấm điểm".
Không chỉ là việc “giết” thời gian, sổ sách như là thứ “khủng bố” tinh thần, nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều GV. Nhất là khi họ muốn đầu tư cho chuyên môn, muốn học nâng cao nhưng đành“chịu thua” vì lo “gánh” thủ tục hành chính. Đáp ứng yêu cầu đổi giáo dục đòi hỏi người GV phải không ngừng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ bằng cách tự học, tự rèn luyện. Nhưng họ lấy gì để có thể tự học khi thu nhập thấp, thời gian lại phải vùi đầu trong hàng loạt công việc hành chính không tên? Chất lượng giáo dục đáng lo ngại khi mà vì gánh nặng về sổ sách hành chính, GV còn có tâm thế kém chuyên môn một chút không sao. Còn chưa xong sổ sách, giấy tờ sẽ bị kiểm điểm, được xem là không hoàn thành công việc. Việc đổi mới sách giáo khoa hay các phương pháp dạy học sẽ trở nên nửa vời khi yếu tố con người - ở đây là người dạy học - không được chú trọng. Khi người GV còn phải làm việc một cách thụ động, đối phó thì có phương tiện, hình thức tiên tiến thế nào chăng nữa kết quả dạy học cũng chỉ là những sản phẩm thụ động, đối phó. Chưa kể cũng vì áp lực hành chính sổ sách nên những tài liệu, chương trình mới muốn vào trường học để nâng cao chất lượng cũng chờ mỏi mòn khi chờ nhiều năm trời chưa được duyệt.
 
“Để GV có thể toàn tâm toàn ý cho việc nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ dạy học, công tác quản lý giáo dục và quản lý nhà trường phổ thông cần đẩy mạnh việc tháo gỡ những thủ tục hành chính, những quy định còn nặng về hình thức” - thầy Nguyễn San Hà, GV Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TPHCM

“Cơ chế quản lý giáo dục hiện hành của chúng ta vẫn là cơ chế bao cấp, kế hoạch. Tính phân quyền, tự chủ còn rất hạn chế, ngay cả các trường ĐH. Các trường phổ thông đang đặt trong tình trạng, tất cả tuân theo nút bấm quản lý tuyến hệ thống là phòng, sở, bộ. Giáo dục chúng ta đang có mâu thuẫn giữa hiện trạng quản lý hành chính sự vụ với yêu cầu chính là quản lý một cách chất lượng”. - ThS Phạm Quang Huân Viện nghiên cứu Sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội

Theo Hoài Nam (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm