SGK tiếng Anh bị ách vì... thiếu chủ biên người Việt Nam

Theo Bộ GD&ĐT, trong số 38 cuốn sách giáo khoa (SGK) các môn học, hoạt động giáo dục được hội đồng thẩm định thông qua thì môn tiếng Anh chiếm ưu thế tuyệt đối khi cả 6/6 (100%) bản thảo được đánh giá đạt.

Tuy nhiên, trong đợt công bố danh mục bản thảo SGK diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, cả 6/6 bản thảo SGK tiếng Anh đều chưa được công bố phê duyệt.

Phải chờ chủ biên là người Việt?

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (đơn vị thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT), nêu nguyên nhân cả 6/6 bản thảo SGK tiếng Anh đều chưa được công bố phê duyệt vì đây là những môn học tự chọn nên sẽ công bố sau.

Thế nhưng theo tiết lộ của một số đơn vị làm SGK, việc chưa phê duyệt, công bố bản thảo SGK tiếng Anh là vì phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh là do người nước ngoài biên soạn. Đơn cử, theo giới thiệu bốn bộ SGK của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục cho thấy bộ sách Chân trời sáng tạo có môn tiếng Anh là cuốn Family and Friends (National Edition), Student book của tác giả Naomi Simmons (NXB ĐH Oxford, Anh). Đây là sách được bán khá nhiều trên thị trường hiện nay, được các trung tâm ngoại ngữ sử dụng hoặc dùng để liên kết dạy thêm trong trường học. 
Do là người nước ngoài biên soạn cho nên Bộ GD&ĐT yêu cầu các NXB phải bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong đầu tháng 12 này. 

Lý do để Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu như trên vì Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT (Thông tư 33) quy định người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt”. Trong khi đó, ông Thái Văn Tài cho rằng các bản SGK tiếng Anh chỉ tham vấn chuyên gia nước ngoài chứ chủ biên, tác giả phải là người Việt Nam. Tuy nhiên, khi được hỏi thời điểm thẩm định các SGK đã có chủ biên là người Việt Nam hay chưa thì ông Tài lại trả lời: “Khi thẩm định chỉ là bản thảo, vấn đề tác giả là liên quan đến hồ sơ của các NXB”. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi Thông tư 33 quy định người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân” thì có phải chỉ quy định đối với người Việt Nam hay không, ông Thái Văn Tài cho rằng thông tư không quy định là “quyền công dân Việt Nam”. Nhưng khi đặt vấn đề nếu không quy định cụ thể là “quyền công dân Việt Nam” thì liệu người nước ngoài có thể chủ biên SGK hay không thì ông Tài chưa có câu trả lời.

Các bản mẫu SGK lớp 1 mới do NXB Giáo dục biên soạn và giới thiệu. Ảnh: AH

Lo lắng sách ngoại đội lốt sách Việt

Bộ GD&ĐT quy định hội đồng thẩm định có 1/3 là giáo viên môn học đang dạy ở cấp học tương ứng và trải đều cả nước, có cả miền núi, Tây Nguyên, Tây Bắc. Tuy nhiên, thực tế hội đồng thẩm định SGK tiếng Anh 1, ngoài các chuyên gia, nhà quản lý, có năm giáo viên tiểu học thì bốn người ở các trường thuộc quận nội thành Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và một giáo viên trường tiểu học ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). 
Như vậy, SGK tiếng Anh lớp 1 có phù hợp được với các vùng, miền từ thành phố đến nông thôn, miền núi như Bộ GD&ĐT công bố? Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh cấp tiểu học (lớp 1) Phạm Thị Hồng Nhung cho biết hội đồng thẩm định chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn SGK do đơn vị tổ chức thẩm định của Bộ GD&ĐT chuyển đến. Những vấn đề liên quan khác là trách nhiệm của đơn vị tổ chức thẩm định của Bộ GD&ĐT.
Theo các chuyên gia giáo dục, nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài được sử dụng trong dạy học tiếng Anh ở nước ta khá tốt, phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nhưng nếu nhập khẩu SGK rồi thêm tên tác giả người Việt thì khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để sách ngoại đội lốt sách Việt. Và như vậy SGK trở thành mặt hàng để các NXB làm trung gian buôn bán chứ không phải là nơi tổ chức biên soạn SGK như quy định. Nếu đã nhập khẩu sách nước ngoài thì cần gì phải tiêu tốn nhiều tỉ đồng cho xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới?

Quy trình ngược: Thẩm định xong mới “tuýt còi”

Nhiều chuyên gia giáo dục phân tích việc lùi thời gian công bố SGK tiếng Anh lớp 1 để các NXB “cấy” thêm tên người Việt Nam làm chủ biên, tác giả là sự tùy tiện. Bởi vì Bộ GD&ĐT không chấp nhận SGK tiếng Anh nhập khẩu thì phải “tuýt còi” ngay từ khi nhận bản thảo chứ không thể thẩm định xong, để việc đã rồi mới yêu cầu hợp thức hóa để chữa cháy. Còn nếu chấp nhận SGK do người nước ngoài biên soạn thì vì sao thẩm định xong rồi lại “tuýt còi”? 

Theo các chuyên gia, việc sử dụng sách nhập khẩu thành SGK hay không phải có quy định cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật. Bởi quy trình biên soạn, xuất bản SGK với quy trình nhập sách, mua bản quyền nước ngoài là rất khác nhau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm