Góp ý kỳ thi quốc gia 2015:

Sẽ có trường ĐH ‘vơ bèo vạt tép’ cho đủ số lượng?

Chúng tôi giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của một nhà giáo đang công tác tại TP. Hải Phòng góp ý cho kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức vào năm 2015.

 
Ảnh minh họa: internet.

Sau bao tranh cãi, cuối cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quyết định chỉ còn một kỳ thi gọi là kỳ thi quốc gia. Vậy là sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không còn khối thi A, B, C, Đ... Và cũng không còn giấy báo điểm.

Kỳ thi quốc gia sử dụng cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ chính thức thực hiện từ năm 2015. Kết quả thi sẽ được công bố công khai trên mạng để thí sinh tra cứu, căn cứ vào kết quả thi để lựa chọn đăng ký tuyển sinh đại học

Đây là một quyết định đáng ghi nhận, thể hiện từng bước cải cách căn bản và toàn diện giáo dục.

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học,  sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội tuyển vào ĐH, CĐ.

Từ một số điểm trên, có thể thấy một số ưu điểm của kỳ thi quốc gia này là: Thí sinh bớt áp lực bởi được bớt một kỳ thi. Gia đình và xã hội đỡ tốn kém hơn. Các trường ĐH, CĐ sẽ được tự chủ hơn trong việc tuyển sinh. Tất cả đều thi 4 môn tối thiểu. Sau khi nhận kết quả thi, thí sinh mới đăng ký nguyện vọng vào trường đại học phù hợp. Như vậy sự "liệu cơm gắp mắm" sẽ giảm số thí sinh ảo cho các trường ĐH, CĐ. Đề thi sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm của năm học 2013- 2014 với hướng mở để phân loại HS. Đây cũng là điều tốt cho chất lượng ĐH, CĐ.

Tuy vậy, kỳ thi quốc gia vẫn khiến dư luận có những băn khoăn bởi sự phức tạp như: Đã quy định thi 4 môn bắt buộc thì chỉ căn cứ vào kết quả ấy mà xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Không nên quy định: Thí sinh có thể thi thêm các môn khác nữa. Bởi vì có quy định này, nếu thí sinh nào không thi thêm, liệu có yên tâm để được vào những trường đại học có tiếng? Như vậy, muốn chắc ăn, sẽ có nhiều thí sinh thi tới 8 môn. Thế thì vất vả hơn cả thi đại học trước đây! Vì vậy đề nghị bỏ phần này và chỉ thi 4 môn bắt buộc.

Nếu Bộ chia ra hai loại cụm thi: Cụm dành cho những thí sinh thường là có học lực yếu kém không vào ĐH sẽ thi ở các cụm thi địa phương, và cụm cho thí sinh khá tốt có nguyện vọng tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Cách làm này có ưu điểm nhẹ nhàng cho thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT vì không phải đi xa. Song nhiều người lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra ở khâu coi thi ở những cụm thi này. Có thể sẽ nảy sinh sự nương nhẹ để các em tốt nghiệp cho đỡ khổ! Vì thế, rất có thể kết quả sẽ cao hơn so với những thí sinh thi ở cụm xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, đòi hỏi khâu coi thi phải hết sức nghiêm túc.

Rồi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ nên một số trường (nhất là các trường có danh tiếng) sẽ có những "lệ"' riêng của mình để tuyển sinh như mở thêm một cuộc thi (thi viết hoặc vấn đáp) nhằm nâng cao chất lượng của trường. Như vậy, thí sinh lại thêm phần vất vả và áp lực. Lại có trường sẽ vơ bèo vạt tép cho đủ số lượng thí sinh. Như vậy, chất lượng đầu vào sẽ thấp.

Tóm lại, Bộ GD- ĐT quyết định chỉ có kỳ thi quốc gia là bước đột phá cần ghi nhận, được dư luận đồng tình. Tuy vậy cũng còn những điều chưa phù hợp và thỏa đáng. Hy vọng Bộ sẽ có những điều chỉnh sao cho đơn giản, nhẹ nhàng nhất để có một kỳ thi quốc gia chuẩn mực đạt được những mục tiêu đề ra.

                              Nhà giáo TRỊNH THỊ THUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm