Rục rịch tăng học phí cao nhất gấp 2 lần

Tại Hội nghị tổng kết năm học và bàn phương hướng năm học mới diễn ra ngày hôm qua (29/7), lãnh đạo giáo dục nhiều địa phương cho biết, mức tăng học phí sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cao nhất khoảng 2 lần.

Đến thời điểm nay, đã có 20 tỉnh, thành sẽ thực hiện việc áp dụng mức học phí mới từ đầu năm học như Bình Định, Phú Yên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Vĩnh Long,...

Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Trần Trọng Khiếm cho biết, sẽ áp dụng mức tăng học phí ngay từ đầu năm học với mức cao hơn từ 1,5-2 lần tùy theo mỗi bậc học. Theo đó, mức đóng ở mầm non cao nhất là 60.000 đồng/tháng; THPT 50.000 đồng/tháng.

Mức học phí của Bình Định cũng vừa được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, bậc mầm non tăng cao nhất từ 30.000-75.000 đồng/HS/tháng ở vùng thành thị và thấp nhất từ 9.000-15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi. Tương tự, mẫu giáo tăng từ 30.000 lên 60.000 đồng/HS/tháng ở thành thị và 9.000 lên 15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi.

Bậc THCS tăng từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng/HS/tháng tại thành thị; từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng/HS/tháng tại nông thôn; từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi. Bậc THPT tăng từ 35.000 đồng lên 85.000 đồng/HS/tháng tại khu vực thành thị; từ 25.000 đồng lên 45.000 đồng/HS/tháng tại nông thôn; từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/HS/tháng tại miền núi.

Cũng ngay từ đầu năm học, HS Phú Yên sẽ đóng học phí theo mức mới. Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các mức được điều chỉnh ở khoảng giữa của khung học phí được Chính phủ ban hành. Bậc THPT cao nhất là 100.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa xong nhiệm vụ điều chỉnh học phí theo Nghị định của Chính phủ và đầu năm học sẽ thu theo mức cũ. Giám đốc Sở GD-ĐT Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho biết, chưa thể áp dụng khung học phí mới vì còn vướng nhiều ý kiến và chưa được HĐND tỉnh thông qua. Do đó, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh và nếu sớm thì phải sang học kỳ 2 mới áp dụng được.

Khung học phí của giáo dục mầm non và phổ thông đại trà năm học 2010-2011:

Vùng Năm học 2010-2011
1. Thành thị Từ 40.000 - 200.000 đồng/học sinh/tháng
2. Nông thôn Từ 20.000 - 80.000 đồng/học sinh/tháng
3. Miền núi Từ 5.000 - 40.000 đồng/học sinh/tháng
Là 2 đầu tàu của cả nước, Hà Nội và TP.HCM cũng chủ trương không thu học phí mới tù đầu năm học. Giám đốc Huỳnh Công Minh (Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trước mắt học kỳ 1 tới đây, thành phố vẫn áp dụng mức học phí cũ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng học phí mới và áp dụng vào thời điểm hợp lý. Còn tại Hà Nội, trước kỳ họp HĐND thành phố vào giữa tháng 7 vừa qua đã rục rịch trình đề án học phí mới với mức tăng gấp 2 lần so với trước. Tuy nhiên, đến sáng khai mạc (ngày 14/7) thì UBND thành phố "đột nhiên" hoãn không trình đề án này. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, đề án này đang tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp hơn để trình HĐND thành phố vào kỳ họp tới. Nếu được thông qua sẽ áp dụng từ học kỳ 2. Đồng thời, ông Độ cũng cho VietNamNet biết, năm học này Sở ẽ có hướng dẫn cụ thể về thu chi tài chính. Đặc biệt, sẽ chủ động họp với tất cả các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh để yêu cầu rõ ràng việc thực hiện thu đủ chi cho hoạt động của học sinh. Ông Độ cũng khẳng định: “Sở cũng sẽ quán triệt tới các hiệu trưởng và giáo viên tuyệt đối không gây khó khăn hay có biểu hiện trù dập với những học sinh mà cha mẹ không có điều kiện hoặc không đồng tình với mức đóng góp nào đó ngoài quy định”. "Việc này, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm đảm bảo không để xảy ra trù dập và sau hiệu trưởng sẽ trực tiếp là Giám đốc Sở", ông Độ nhấn mạnh. Còn theo ông Trần Trọng Khiếm, năm nay Cần Thơ ra một quy định rất rõ ràng là các trường học sẽ được thu những khoản nào, hội cha mẹ được thu khoản nào và khoản nào không được thu. Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang cũng thẳng thắn, sẽ chấn chỉnh mạnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS. Đối với những khoản thu thông qua ban này, có nhiều khoản Sở sẽ buộc phải cấm như đầu tư cơ sở vật chất theo ý muốn của một bộ phận phụ huynh, chỉ phục vụ một nhóm đối tượng học sinh mà không vì lợi ích chung của trường... Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói rõ, các địa phương năm nay phải quyết liệt chấn chỉnh việc lạm thu. Với bậc tiểu học, được miễn học phí theo quy định thì ngân sách địa phương phải cân đối lại để đảm bảo đủ kinh phí hoạt động, tuyệt đối không để tự ý đề ra các khoản thu của phụ huynh. Ông Nhân cũng lưu ý, chậm nhất là tháng 12 năm nay, các địa phương còn lại phải thực hiện xong nhiệm vụ này. Ông Nhân nhấn mạnh, học phí mới phải thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp của người dân và tuyệt đối không gây quá tải.
Theo Bảo Anh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm