Ông chủ nhưng không có thực quyền quyết định

PGS-TS Võ Khắc Thường, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết, đã băn khoăn khi góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12-12. 

Ông Thường viện dẫn, bản thân ông là người bỏ 100% vốn lẽ ra ông có toàn quyền quyết định các vấn đề lớn về tài sản, tài chính và định hướng phát triển của trường. Tuy nhiên,  trong dự thảo của Luật Giáo dục ĐH quy định: HĐQT là đại diện chủ sở hữu của trường, ngoài ra thành viên HĐQT còn có thêm hiệu trưởng và đại diện đoàn thể.

Như vậy, khi biểu quyết sẽ theo số đông. Điều đó không công bằng với các trường ĐH tư thục. “Mình bỏ vốn mà hai thành viên khác "nhảy" vào biểu quyết thì tự nhiên mình là nhà đầu tư mà giao cho người khác quyết. Vậy nên hiểu ở đây là “đối vốn hay đối nhân”, ông Thường băn khoăn.

Đại diện các trường ĐH tư thục băn khoăn về thành viên không góp vốn tham gia HĐQT sẽ phát sinh nhiều tranh chấp như thời gian quan. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Thường cũng cho rằng việc bổ nhiệm phó khoa, trưởng khoa thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng là không ổn do họ vừa tham gia HĐQT vừa bổ nhiệm các vị trí chủ chốt. Điều này dễ gây xung đột giữa nhà đầu tư với Ban giám hiệu như đã xảy ra tại một số trường ĐH tư thục thời gian qua. Nên chăng hiệu trưởng là người đề xuất, còn quyết định thuộc thẩm quyền của HĐQT.

Đồng quan điểm với ông Thường, TS Nguyễn Phước Quý Quang, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, cho rằng những người không tham gia góp vốn thì không nên tham gia vào HĐQT.

"Luật cũng quy định chủ tịch HĐQT là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng trong dự thảo, HĐQT có nhiều thành viên không góp vốn thì nhà đầu tư mất quyền về tài chính và tài sản. Như vậy khi họp HĐQT chúng tôi bị phủ quyết bởi những thành viên không góp vốn trong HĐQT”, ông Quang nói.

Từ đó, ông đề xuất cần tăng cường chất lượng HĐQT, quy định tiêu chuẩn của thành viên HĐQT trong ĐH là cấp trên của hiệu trưởng và hoạch định toàn bộ các hoạt động của nhà trường. Cùng với đó cần các tiêu chuẩn về luật, đầu tư, xây dựng, môi trường, đấu thầu và có kinh nghiệm quản lý giáo dục.

Ngoài ra, đại diện các trường ĐH tư thục cũng đề xuất nên có một chương mục về ĐH tư thục trong dự thảo vì số lượng các trường ĐH tư thục ngày càng tăng. Về đề xuất này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT cho rằng không thể thiết kế riêng một chương về ĐH công tư nhằm tạo sự bình đẳng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm